Hiện hợp đồng giao dịch trên sàn Tokyo (tham chiếu cho toàn Châu Á) ở mức giá khoảng 160 yen/kg, giảm 10% trong một tuần qua và giảm 31% trong vòng một tháng qua. Mức giá hiện tại thấp hơn khoảng 2% so với lúc bước vào năm 2019. 
Có 2 nguyên nhân chính khiến giá cao su giảm ở thời điểm hiện tại.
Thứ nhất là lo ngại 3 nước xuất khẩu cao su chủ chốt là Malaysia, Indonesia và Thái Lan có thể gia tăng xuất khẩu sau khi kết thúc giai đoạn kiềm chế xuất khẩu. 
Theo thỏa thuận của Ủy bao Cao su Ba bên (ITRC), 2 nước sản xuất cao su Indonesia và Malaysia bắt đầu kiềm chế xuất khẩu cao su từ 1/4/2019 và kéo dài trong vòng 4 tháng, tức là chấm dứt từ 31/7/2019. Riêng Thái Lan bắt đầu hạn chế xuất khẩu muộn hơn, từ 20/5/2019, nên thời gian kiềm chế sẽ còn kéo dài khoảng một tháng nữa. 
Thứ hai, căng thẳng trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung gia tăng khi mới đây Trung Quốc quyết định áp thuế lên 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ còn Mỹ thì tăng thuế đối với 550 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc đã làm cho giới đầu tư hết sức lo ngại về hậu quả của cuộc chiến này. Cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc có nguy cơ kéo kinh tế của không chỉ 2 quốc gia này mà toàn thế giới suy yếu, đồng nghĩa với nhu cầu hàng hóa, trong đó có các sản phẩm cao su, sụt giảm theo.
Thị trường cao su thế giới đang chịu tác động từ yếu tố tâm lý hơn là yếu tố cung – cầu. Thực vậy, những thông tin mới nhất đều cho thấy sản lượng cao su thiên nhiên của những quốc gia sản xuất và xuất khẩu chủ chốt mặt hàng này đều đang giảm chứ không phải tăng. 
Tại Malaysia, sản lượng cao su thiên nhiên tháng 6/2019 giảm 16,9% so với tháng trước đó, xuống 36.957 tấn, so với 44.479 tấn tháng 5/2019 và cũng giảm 10,7% so với tháng 6/2018. Cơ quan thống kê Malaysia cho biết, xuất khẩu cao su của nước này tháng 6/2019 giảm 4,1% so với tháng trước đó, chỉ đạt 54.547 tấn. 
Trong khi đó tại Indonesia, sản lượng cao su trong năm 2019 dự báo sẽ giảm 15% so với mức 3,76 triệu tấn của năm 2018 do dịch bệnh trên cây cao su. Lãnh đạo ngành nông nghiệp nước này cho biết, khoảng 381.900 ha cao su đã bị nấm bệnh tấn công. 
Đặc biệt, tại Thái Lan, Bộ trưởng Nông nghiệp Chalermchai Sri-on mới đây cho biết, sản lượng cao su thiên nhiên của nước này năm 2019 sẽ giảm ít nhất 30% do thiếu nhân lực lao động và hạn hán khiến nhiều diện tích cao su bị chết khô, nhất là ở khu vực Đông Bắc nước này. 
Triển vọng thị trường cao su thiên nhiên trong thời gian tới dự báo sẽ vẫn khó khăn. Nhiều chuyên gia cho rằng thị trường đang bước vào chu kỳ giảm. 
Nhà nghiên cứu cấp cao Maria Gyftopoulou của công ty LMC Tyre & Rubber Ltd. thuộc hãng tư vấn LMC International có trụ sở tại vương quốc Anh cho biết, có nhiều yếu tố tác động thời giá cao su, nhưng về cơ bản vẫn do cung – cầu. Bởi cây cao su từ khi trồng đến lúc thu hoạch mất 7 năm nên yếu tố nguồn cung không phải bắt nguồn từ một vài tháng mà từ hàng thập kỷ. 
Năm 2018, sản lượng cao su toàn cầu đạt gần 14 triệu tấn – sát mức cao kỷ lục – mặc dù giá thấp từ trước đó. Nguyên nhân có thể xuất phát từ việc giá cao su thiên nhiên cao kỷ lục từ năm 2011 dẫn đến việc nhiều diện tích cao su được trồng bổ sung ở thời điểm đó. 
Yếu tố nhu cầu cũng không thuận lợi như những năm trước. Khoảng 85% nhu cầu cao su thiên nhiên đến từ ngành sản xuất lốp xe. Như vậy, giá cao su thiên nhiên chắc chắn biến động cùng chiều với ngành sản xuất lốp xe. Trước năm 2010, nhu cầu cao su toàn cầu tăng trưởng trung bình 5% mỗi năm, nhưng gần đây chậm lại đáng kể, do ngành lốp xe tăng chậm dần. Tăng trưởng sản xuất lốp xe thế giới phụ thuộc chủ yếu vào những thị trường mới nổi như Trugn Quốc, Ấn Độ. Đó là lý do khiến nhập khẩu cao su thiên nhiên vào Trung Quốc tăng đáng kể trong giai đoạn 2004 -2018, vượt xa mức tăng nhập khẩu vào các quốc gia Đông Nam Á, Mỹ hay Châu Âu.
Ngoài ra, khả năng thay thế giữa cao su thiên nhiên (NR) và cao su tổng hợp (SBR - Styrene butadiene rubber) cũng là yếu tố có ảnh hưởng đáng kể đến giá cũng như nhu cầu của 2 vật liệu này. Khi giá NR cao kỷ lục vào năm 2011, chênh lệch giá NR và SBR rất lớn, khiến các nhà sản xuất lốp xe chuyển mạnh sang sử dụng SBR. Tuy nhiên, nghiên cứu của LMC cho thấy sự thay thế cũng phụ thuộc vào thị trường và các ứng dụng của cao su chứ không chỉ phụ thuộc vào giá. Chẳng hạn như Nhật Bản có mức độ thay thế thấp, ngay cả khi mức chênh lệch giá giữa 2 loại cao su lên rất cao. Trong khi đó tại Trung Quốc thì tỷ lệ thay thế lại rất cao. Chẳng hạn như năm 2014, tiêu thụ cao su SBR ở Trung Quốc giảm mạnh do giá loại này trở nên đắt hơn so với NR. 
Nhìn chung, mức dư cung cao su thiên nhiên đã giảm đáng kể trong năm 2018 và dự báo sẽ tiếp tục giảm trong năm 2019 do giá thấp. Tuy nhiên, thị trường vẫn trong tình trạng dư thừa, và sự cân bằng cung – cầu thiếu bền vững bởi theo nghiên cứu của LMC thì "Diện tích cao su trên thực tế không giảm sút, mà chỉ là các nước trồng cao su giảm tần suất khai thác mà thôi".

Nguồn: Reuters, CafeF/ Trí thức trẻ