Sau khi đưa ra khái niệm ““Fragile Five” (Bộ ngũ mỏng manh), mới đây, Morgan Stanley lại đưa ra khái niệm “Troubled Ten” (Bộ thập rủi ro) ám chỉ các nước có nội tệ chịu rủi ro nhiều nhất khi Trung Quốc phá giá nhân dân tệ. Nhóm này bao gồm các đồng tiền từ real Brazil đến sol của Peru, won của Hàn Quốc, hay nói chung là tiền tệ của các nước dễ bị tổn thương khi kinh tế Trung Quốc giảm tốc.

 “Nạn nhân lớn nhất của việc thay đổi chính sách thời điểm này là tiền tệ của các nước phụ thuộc vào xuất khẩu sang Trung Quốc cũng như cạnh tranh với xuất khẩu Trung Quốc”, Hans Redeker, trưởng bộ phận chiến lược ngoại hối của Morgan Stanley nhận định.

Morgan Stanley đã đúng khi nói về “Bộ ngũ mỏng manh” khi có 4 đồng tiền trong nhóm này nằm trong số 8 đồng tiền giảm mạnh nhất kể từ khi khái niệm này ra đời năm 2013.

Đồng real của Brazil, rupee của Ấn Độ, lira của Thổ Nhĩ Kỳ, rand Nam Phi chịu ảnh hưởng lớn khi lãi suất toàn cầu tăng khiến các nước này khó giải quyết vấn đề thâm hụt tài khoản vãng lai.

Ngoài ra, các đồng tiền như baht Thái Lan, đô la Singapore, Đài tệ, peso Chile và Colombia, rúp Nga cũng dễ bị ảnh hưởng bởi kinh tế Trung Quốc giảm tốc.

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn của hầu hết các nước trong nhóm 10 nước có nội tệ rủi ro nói trên. Cụ thể, thị trường Trung Quốc chiếm 37% kim ngạch xuất khẩu của Nam Phi, 30% kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc năm 2014.

Trong tuần qua, khi nhân dân tệ giảm 3% thì cũng kéo theo đà giảm giá của các đồng tiền thị trường mới nổi. Ringgit Malaysia giảm 3,8%, hryvnia của Ukraine giảm khoảng 4,2%, Việt Nam đồng giảm gần 1,5%.

Nội tệ mất giá có thể tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng xuất khẩu của các nước này, nhưng ngược lại sẽ làm tăng gánh nặng nợ bằng USD. Nợ bằng USD của các thị trường mới nổi tăng 2.000 nghìn tỷ USD trong vòng vài năm trở lại đây khi Mỹ duy trì lãi suất thấp gần 0% tạo ra một nguồn vốn vay giá rẻ.


Redeker cho rằng, thách thức lớn nhất hiện nay là tăng trưởng kinh tế toàn cầu chững lại. IMF dự báo, kinh tế toàn cầu năm nay sẽ tăng trưởng chậm nhất kể từ 2009.
Minh Phương
Theo Bloomber