Sau khi tăng mạnh khoảng 4% trong phiên 3/12, giá dầu thô thế giới tiếp tục tăng trong đầu phiên hôm nay nhờ thỏa thuận đình chiến thương mại 90 ngày giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như kỳ vọng OPEC và các đồng mình sẽ đồng ý giảm sản lượng trong phiên họp ngày 6/12 tới.
Tính đến khoảng 16h15 hôm nay (giờ Hà Nội), giá dầu lại giảm hơn 1% sau khi tăng mạnh trong 2 phiên đầu tuần. Giá dầu WTI hiện giao dịch ở 52,69 USD/thùng và giá dầu Brent là 61,38 USD/thùng. Trước đó, giá mặt hàng này giảm gần 30% kể từ đầu tháng 10 do tâm lý lo ngại nguồn cung sẽ dư thừa.
Trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn muốn giá dầu giảm thêm nữa thì đã có nhiều lời kêu gọi OPEC+ giảm sản lượng để cân bằng lại thị trường. Tuy nhiên, để đưa ra được quyết định cuối cùng, các nước sản xuất dầu lớn sẽ phải xem xét 5 vấn đề chính hiện nay.
Sự đồng thuận về quy mô giảm sản lượng
Sự đồng thuận duy nhất hiện nay là OPEC sẽ bật đèn xanh cho thỏa thuận giảm sản lượng dầu trong cuộc họp sắp tới tại Vienna để ngăn đà trượt giá. Tuy nhiên, vấn đề chưa rõ ràng là các bên sẽ chấp nhận giảm bao nhiêu sản lượng. Theo ủy ban cố vấn OPEC, các nước tham gia nên giảm 1,3 triệu thùng/ngày trong sản lượng dầu.
Hiện tại, Arab Saudi đang chịu áp lực rất lớn từ một đồng minh chính trị quan trọng của nước này là Mỹ để giữ sản lượng ở mức cao và kéo giá dầu xuống thấp hơn nữa. Trước đó, trong tháng 11, Bộ trưởng Năng lượng Arab Saudi Khalid al-Falih tuyên bố nước này sẽ giảm 500.000 thùng dầu/ngày từ tháng 12.
Phần lớn giới giao dịch và chuyên gia phân tích đều cho rằng để kích thích giá dầu phục hồi, OPEC+ cần giảm 1,4 triệu thùng dầu/ngày. Tuy nhiên, một số người chắc chắn rằng OPEC sẽ giảm nhiều hơn thế nhưng lại không muốn công khai để tránh sự chú ý từ Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Ngược lại, thị trường dầu sẽ phải chịu một đợt bán tháo mạnh hơn và giá dầu Brent có thể về 50 USD/thùng nếu các nước xuất khẩu dầu mỏ lớn không đạt được thỏa thuận giảm sản lượng nào, theo chuyên phân tích Amrita Sen tại Công ty Tư vấn Energy Aspects.
Sự khác biệt của thị trường dầu mỏ giữa năm 2014 và 2018
Diễn biến của thị trường dầu gần đây gợi nhắc OPEC về tình cảnh tương tự vào năm 2014, khi giá dầu cũng giảm mạnh từ 100 USD/thùng vì nguồn cung, đặc biệt là dầu đá phiến từ Mỹ, vượt nhu cầu của thế giới.
Sản lượng dầu tại Mỹ đang tăng mạnh trở lại nhờ hiệu suất sản xuất được cải thiện và niềm tin của giới doanh nghiệp trong ngành tăng lên khi giá phục hồi so với năm 2017. Sản lượng dầu Mỹ dự kiến đạt 11,7 triệu thùng/ngày trong năm 2019, chiếm hơn 12% tổng nguồn cung toàn cầu.
Tuy nhiên, tình hình hiện nay vẫn có sự khác biệt so với năm 2014 và những yếu tố này có thể giúp đỡ OPEC trong việc đưa ra quyết định trong cuộc họp tới. Đó là OPEC bây giờ có không ý định tăng sản lượng để “đá” các đối thủ ra khỏi thị trường, và công suất dư thừa của các nước thành viên cũng thấp hơn nhiều so với 4 năm trước.
Quyết định không giảm sản lượng của OPEC trong năm 2014 đã “dạy” cho tổ chức này hai bài học, theo chuyên gia phân tích hàng hóa Giovanni Staunovo tại UBS Wealth Managenent. “Bài học thứ nhất là ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ vẫn tồn tại, và bài học thứ hai là sẽ OPEC sẽ phải trả giá rất đắt nếu tái cân bằng thị trường dựa vào giá”.
Tình thế tiến thoái lưỡng nan của Arab Saudi
Gần đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục kêu gọi Arab Saudi tăng sản lượng để bù đắp lại sự thiếu hụt nguồn cung sau khi Iran bị tái trừng phạt. Lo sợ giá dầu sẽ lên cao hơn, ông Trump sau đó miễn trừng phạt, cho phép 8 nền kinh tế tiếp tục mua dầu của Iran. Tất cả yếu tố này, cùng với sản lượng thực tế của Arab Saudi, Nga và Mỹ tăng mạnh trong vài tháng vừa qua, khiến giá dầu lao dốc trong tháng 11.
Arab Saudi đang rơi vào tiến thoái lưỡng nan, hoặc là giảm sản lượng và chịu sự chỉ trích của Tổng thống Trump, người muốn giữ giá dầu thấp để có lợi cho người dân Mỹ, hoặc là duy trì mức sản lượng hiện tại và chấp nhận rủi ro khủng hoảng tài chính vì giá sẽ giảm sâu hơn.
Mới đây, Bộ trưởng Năng lượng Arab Saudi Khalid al-Falih ám chỉ rằng cần phải giảm ít nhất 1 triệu thùng dầu/ngày để có thể kích thích giá phục hồi. Tuy nhiên, theo một số nguồn tin, quốc gia Trung Đông này có thể ra quyết định cuối cùng mà không dựa trên yếu tố cung – cầu hiện tại, bởi vì họ cần sự ủng hộ của Mỹ đối với Thái tử Mohammed bin Salman trong vụ việc nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại.
“Nhiều người tham gia thị trường nghi ngờ về khả năng Arab Saudi sẽ bỏ qua yếu tố chính trị trong việc quyết định chính sách dầu sắp tới”, ông Bassam Fattouh, Giám đốc Viện nghiên cứu Năng lượng Oxford, nói.
Phản ứng của Nga
Dù Arab Saudi quyết định thế nào thì quan trọng nhất vẫn là có sự ủng hộ từ Nga, đồng minh lớn của OPEC trong nỗ lực kích thích giá dầu năm 2016 – 2017. Tuy nhiên, Nga có vẻ không muốn giảm mạnh sản lượng như Arab Saudi muốn.
“Đúng, chúng tôi [Nga và Arab Saudi] đã thống nhất sẽ gia hạn thỏa thuận giảm sản lượng dầu. Tuy nhiên, các bên vẫn chưa ra quyết định cuối cùng về quy mô giảm”, Tổng thống Vladimir Putin phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 vừa qua. Trước đó, Bộ trưởng Năng lượng Alexander Novak cũng khẳng định rằng giá dầu hiện đang ở mức vừa phải.
Theo chuyên gia phân tích Andrey Polishchuk tại Raiffeisen Bank, Nga có thể giảm chưa tới 300.000 thùng/ngày hoặc sẽ duy trì sản lượng ở mức của tháng 11.
Hướng đi khác cho Arab Saudi
Một lựa chọn khác cho Arab Saudi để vừa kích thích giá dầu vừa làm hài lòng Mỹ là giữ sản lượng dầu ở mức cao nhất có thể, đồng thời vận động các nước thành viên OPEC khác giảm sản lượng. Khi đó, đối tượng tiềm năng để OPEC vận động hành lang là Nigeria và Libya vì đây là hai quốc gia nằm ngoài thỏa thuận giảm sản lượng năm 2017.
Trong vài tháng gần đây, sản lượng dầu của Libya gấp hơn hai lần lên 1,3 triệu thùng/ngày, trong khi Nigeria vẫn giữ sản lượng ở mức gần 1,8 triệu thùng/ngày. Hiện tại, Nigeria vẫn chưa cam kết sẽ giảm sản lượng cùng các thành viên khác.
Trong khi đó, các đại biểu OPEC cho biết Iraq đang có ý định tăng sản lượng sau khi hoạt động xuất khẩu từ khu vực Kirkuk hồi phục. Các nước khác như Iran và Venezuela cũng được cho là sẽ không sẵn sàng giảm công suất sản xuất.
Nguồn: Phan Vũ/Người đồng hành/Financial Times, Bloomberg, Reuters