I. Thị trường thế giới:

1. Tình hình chung:
Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên thế giới (ANRPC), trong nửa đầu năm 2016, sản xuất cao su tự nhiên của các quốc gia thành viên đã giảm 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 4,928 triệu tấn. Trong đó, Trung Quốc giảm 12%, Ma-lai-xia giảm 3,8%, Ấn Độ giảm 3%, In-đô-nê-xia giảm nhẹ 0,3%; trái lại, Thái Lan và Việt Nam lại tăng tương ứng là 1% và 5,3%. Sản lượng cao su tự nhiên giảm chủ yếu do giá cao su ở mức thấp khiến người dân tại một số quốc gia Ma-lai-xia, Ấn Độ giảm khai thác.
Từ tháng 1 – 6/2016, xuất khẩu cao su tự nhiên của ANRPC đã tăng 3,6% so với 6 thagns đầu năm 2015 nhờ tăng trưởng xuất khẩu tại Thái Lan và Việt Nam. Trong khi đó, xuất khẩu cao su của In-đô-nê-xia, Ma-lai-xia có xu hướng giảm, với mức giảm khoảng 4%.
Đáng chú ý, trong nửa đầu năm nay, tiêu thụ cao su tự nhiên của các quốc gia Đông Nam Á đã tăng trưởng 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng trưởng cả năm dự báo đạt 2,9%.
ANRPC dự báo, từ tháng 1 – 9/2016, sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu sẽ tăng khoảng 0,7% so với năm ngoái, đồng thời tốc độ tăng trưởng sản lượng cao su cả năm 2016 sẽ vào khoảng 1%. Tính đến quý 3/2016, xuất khẩu cao su được dự báo tăng 2,1% so với 9 tháng năm 2015, trong khi xuất khẩu cả năm sẽ giảm khoảng 2,4%.
Nhập khẩu cao su của các quốc gia thành viên ANRPC trong năm 2016 ước giảm 11,2% so với năm 2015 do những lo ngại về nhu cầu tiêu thụ cao su tại các nước nhập khẩu chủ chốt trong nửa cuối năm nay. Theo đó, việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) khiến tình hình kinh tế của EU rối loạn (khối này chiếm 9,5% nhu cầu cao su toàn cầu) và có thể làm giảm nhu cầu cao su tại đây, đặc biệt trong số 11 quốc gia thành viên ANRPC thì các sản phẩm cao su của Ấn Độ, Ma-lai-xia, Sri Lan-ca lại đang phần lớn được xuất khẩu sang thị trường EU 28.
Tuy nhiên, cơ quan này cảnh báo, giá cao su có thể chưa tăng trở lại trong 3 tháng tới trong bối cảnh sản lượng cao su toàn cầu năm nay chỉ tăng khoảng 0,3% (thấp hơn mức tăng 0,8% của năm 2015 và 5% của năm 2014), do năng suất sụt giảm khi giá thấp kéo dài. Nhu cầu tiêu thụ cao su dự báo vẫn còn yếu từ nay đến cuối năm bởi những yếu tố bất trắc trên thế giới, triển vọng thị trường dầu mỏ không sáng sủa và sự đi xuống của các đồng nội tệ của các nước xuất khẩu cao su chủ chốt. Thuế chống phá giá và chống trợ cấp mà Mỹ áp dụng kể từ tháng 6/2016 đối với một số loại lốp xe ô tô do Trung Quốc sản xuất được dự báo sẽ ảnh hưởng mạnh tới nhu cầu cao su thiên nhiên của quốc gia này.
2. Thị trường cao su Thái Lan:
Xuất khẩu cao su của Thái Lan trong những tháng đầu năm nay sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái. Theo số liệu thống kê của Hải quan Thái Lan, trong tháng 5/2016, Thái Lan xuất khẩu hơn 270.399 tấn cao su (bao gồm cả cao su thiên nhiên và cao su hỗn hợp), giảm 14,84% so với tháng 4/2016, đồng thời giảm 22,02% so với tháng 5/2015. Tính đến hết tháng 5/2016, xuất khẩu cao su của Thái Lan đạt 1,58 triệu tấn, trị giá 1,86 tỷ USD, so với cùng kỳ năm ngoái giảm 9,11% về lượng và giảm 25,68% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Đối với ngành săm lốp, trong tháng 5/2016, Thái Lan xuất khẩu được 9,93 triệu chiếc lốp xe, kim ngạch đạt 309,62 triệu USD, tăng 11,4% về lượng và 1,39% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 5 tháng đầu năm 2016, Thái Lan đã xuất khẩu tổng cộng 45,4 triệu chiếc lốp xe, trị giá 1,36 tỷ USD, tăng 8,46% về lượng nhưng lại giảm 3,99% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá cao su tại Thái Lan giảm khá mạnh trong tháng 6/2016. Cụ thể, giá cao su Latex đạt bình quân 48,68 baht/kg, giảm 15% so với tháng 5/2016 và giảm 14,13% so với cùng kỳ năm ngoái; giá cao su RSS3 đạt bình quân 55,32 baht/kg, giảm 8,8% so với tháng trước đó và giảm 5,89% so với cùng kỳ năm ngoái.
3. Thị trường cao su Tocom, Nhật Bản:

Thị trường cao su giao kỳ hạn tại Sở Giao dịch hàng hóa Tokyo, Nhật Bản (Tocom) sụt giảm mạnh trong tuần đầu tháng 7/2016 và tăng mạnh trở lại về cuối tháng. Phiên giao dịch 8/7 chứng kiến hợp đồng benchmark giao tháng 12/2016 giảm xuống mức thấp nhất gần 2 tuần do chịu áp lực giảm bởi đồng yên tăng do lo ngại Brexit và giá cao su kỳ hạn tại Thượng Hải qua đêm giảm mạnh. Giá cao su giao kỳ hạn tháng 12/2016 kết thúc phiên giao dịch 8/7 ở mức 147,2 yên/kg. Thị trường lúc này thiết lập mức giảm 3% trong tuần. Giá cao su kỳ hạn tại Thượng Hải giảm 1,8% trong phiên giao dịch 8/7, trong bối cảnh lo ngại nguồn cung dư thừa kéo dài và nhu cầu suy giảm.
Tuy nhiên, hợp đồng benchmark tháng 12/2016 tăng mạnh trở lại vào cuối phiên 13/7 do đồng yên suy yếu. Xu hướng này tiếp tục được củng cố trong tuần tiếp theo khi giá dầu tăng cao và thị trường chứng khoán khu vực suy giảm. Rủi ro gia tăng sau khi đồng đô la Mỹ tăng mạnh nhất trong ngày so với đồng yên Nhật. Cuối phiên 13/7, hợp đồng benchmark tháng 12/2016 đạt 157,7 yên/kg, tăng 10,5 yên so với giá thấp hôm 8/7. Kết thúc phiên giao dịch 20/7, hợp đồng benchmark tháng 12/2016 đạt 159,4 yên/kg.
II. Việt Nam:
1. Tình hình trong nước:

Giá cao su diễn biến giảm trong 20 ngày đầu tháng 7/2016, mặc dù trong tuần đầu tháng có lúc bật tăng. Các đồn điền cao su đang vào thời điểm thu hoạch chính vụ, song giá mủ không có chuyển biến tốt, tiền bán mủ không đủ bù đắp chi phí khai thác, chăm sóc nên người dân ở nhiều vùng trồng cao su tiếp tục thanh lý vườn cao su để chuyển sang trồng các loại cây khác. Giá cao su thành phẩm tại Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh cụ thể như sau: cao su SVR3L tăng từ 31.400 đ/kg (1/7) lên 31.900 đ/kg (6/7), sau đó liên tục giảm, hiện chỉ còn 30.800 đ/kg (20/7); cao su SVR10 giảm từ 29.100 đ/kg xuống còn 26.300 đ/kg. Trong khi đó, mủ cao su dạng nước tại Bình Phước tăng nhẹ từ 6.720 đ/kg lên 7.680 đ/kg đối với mủ tạp 32 độ.
Xuất khẩu cao su thiên nhiên của Việt Nam qua cửa khẩu Móng Cái hiện nay đang thuận lợi. Thị trường nhập khẩu thu hút khoảng 65% sản lượng cao su Việt Nam là Trung Quốc khi xuất khẩu sang nước này thực hiện phương thức mậu dịch chính ngạch. Sản lượng xuất khẩu cao su chính ngạch đạt từ 7.000 – 7.500 tấn/tuần, giá xuất khẩu dao động từ 10.050 – 10.100 NDT/tấn.
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) vừa có cảnh báo nấm bệnh Corynespora đang có nguy cơ lây lan trong mùa mưa, ảnh hưởng đến sinh trưởng của vườn cây cao su. Hiện nay, bệnh đã xảy ra tại vườn cao su ở Bình Thuận và Tây Ninh. Trước tình trạng này, VRG yêu cầu các công ty cao su (CTCS) thường xuyên kiểm tra vườn cây để phát hiện phòng trị bệnh Corynespora kịp thời, trong đó chú ý tới các giống cao su mẫn cảm với bệnh Corynespora như RRIV 3, RRIV 4, RRIV 2, PB 260… Các CTCS thực hiện phòng trị bệnh Corynespora theo quy trình kỹ thuật 2012 do VRG ban hành.
VRG cũng khuyến cáo các CTCS chủ động đối phó với thiên tai, dịch bệnh mùa mưa trên vườn cây cao su. Cần tham khảo quy trình kỹ thuật và công văn hướng dẫn xử lý các vấn đề do gió lốc làm gãy cây, mưa đá làm hại cây, rét hại và nắng hạn kéo dài gây tổn thương và ảnh hưởng đến sinh trưởng của vườn cây cao su.
2. Tình hình xuất nhập khẩu:
Số liệu thống kê sơ bộ cho thấy, xuất khẩu các mặt hàng cao su trong 6 tháng đầu năm 2016 tiếp tục có sự chuyển dịch từ xuất khẩu cao su thiên nhiên sơ chế sang dạng cao su hỗn hợp và cao su tổng hợp. Trong đó, cao su hỗn hợp đứng đầu về chủng loại cao su xuất khẩu, khi chiếm tới 46% tổng khối lượng cao su xuất khẩu của cả nước, đạt 200,8 nghìn tấn, trị giá 246,38 triệu USD, so với 6 tháng đầu năm 2015 tăng mạnh 30,6% về khối lượng và 8,9% về trị giá. Xuất khẩu mặt hàng này tăng mạnh có nguyên nhân là do Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu mặt hàng này của Việt Nam.
Lượng cao su RSS3 xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm nay tăng 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái, SVR CV50 tăng 15,8%, RSS1 tăng 59%, đặc biệt cao su tổng hợp và cao su bán thành phẩm tăng mạnh đột biến 568,9% và 123,7%.
Trái lại, xuất khẩu các mặt hàng cao su vốn là thế mạnh, được xuất khẩu nhiều trong những năm trước là SVR 3L, SVR 10, Latex lại có xu hướng giảm. Theo đó, SVR 3L giảm 30,5% so với 6 tháng năm 2015; SVR 10 giảm 8,4%, Latex giảm 17,6%.
Tính riêng trong tháng 6/2016, ngoại trừ cao su SVR 3L và cao su bán thành phẩm so với tháng trước, xuất khẩu các mặt hàng cao su khác đều đạt mức tăng trưởng cao. Có thể kể tới như cao su hỗn hợp tăng 69,2% (đạt 36,49 nghìn tấn), RSS3 tăng 23% (đạt 5,69 nghìn tấn), SVR CV60 và Latex tăng 31,9% và 169,4%.
Nguồn: Nguyễn Lan Anh/

thitruongcaosu.net