Nhiều dự án “đắp chiếu”  hồi sinh

Cuối tuần qua, Công ty CBRE đã công bố kết quả khảo sát thị trường bất động sản TP. HCM quý III/2015. Theo đó, quý III/2015, thị trường bất động sản TP. HCM tiếp tục tăng trưởng tích cực, thúc đẩy số lượng căn hộ mới mở bán và lượng giao dịch thành công tăng mạnh. Tổng cộng có khoảng 10.114 căn hộ được chào bán mới ra thị trường từ 26 dự án, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ của năm trước.

Theo CBRE, một trong những điểm mới của quý vừa qua là thị trường chứng kiến khá nhiều dự án từng bị “đắp chiếu” trong thời gian dài hồi sinh. Đơn cử, cuối tuần trước, Công ty Bất động sản Danh Khôi Việt đã chính thức khai trương nhà mẫu và mở bán Dự án căn hộ Linh Tây Tower tại quận Thủ Đức. Dự án này trước đây có tên là Green House do CTCP Địa ốc Dầu khí (PVL) làm chủ đầu tư. Sau khi xây dựng xong móng, chủ đầu tư không còn đủ năng lực tài chính, nên để dự án nằm “phơi sương, phơi nắng” gần 5 năm nay.

Mới đây, sau khi được Ngân hàng VPBank Vũng Tàu bảo lãnh tài chính thực hiện công trình cho đơn vị thi công, đồng thời Danh Khôi Việt vào cuộc với vai trò tiếp thị và phân phối, dự án đã được khởi động trở lại với tên gọi mới là Linh Tây Tower.

Theo ông Trần Lê Thanh Hiển, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Danh Khôi Việt, sau 3 tháng tái khởi động, hiện Dự án Linh tây Tower đã xây dựng đến tầng 5.

“Dự án có giá từ 12,7 triệu đồng/m2, phương thức thanh toán linh hoạt kéo dài trong 48 tháng. Ngoài mức giá hấp dẫn, điểm mạnh của dự án này là có vị trí đắc địa bậc nhất hiện nay ở Thủ Đức, kết nối với nhiều trung tâm tiện ích của quận, nên khi dự án khởi động tốt trở lại đã thu hút sự quan tâm khá lớn từ khách hàng”, ông Hiển nói và cho biết, dự án này được cam kết sẽ giao nhà trong năm 2016.

Một dự án “đắp chiếu” khác cũng được khởi động trở lại trong tuần qua là The Southern Dragon, tại số 685 Âu Cơ, quận Tân Phú, TP. HCM. Dự án này trước đây có tên Oriental Plaza, được xây dựng đến tầng 5, sau đó ngưng thi công do thị trường bất động sản gặp khó. Mới đây, chủ đầu tư dự án là CTCP Sơn Thuận đã bắt tay với Công ty Bất động sản Nam Tiến hợp tác khởi động lại.

Với giá từ 19,8 triệu đồng/m2, tương đương 1,5 tỷ đồng/căn 2 phòng ngủ, cùng với phương thức thanh toán toán linh hoạt, nguồn tin từ Nam Tiến cho biết, chỉ sau gần 2 tuần mở bán trở lại, dự án đã thu hút khá nhiều khách hàng đăng ký mua.

Tương tự, nhiều dự án từng “đắp chiếu” khác cũng được khởi động trở lại trong quý vừa qua, như Dự án Khu căn hộ thương mại cao cấp Luxcity tại Huỳnh Tấn Phát, quận 7. Đây là dự án được Đất Xanh mua lại của Công ty Thế Kỷ 21.

Hay trước đó, Tập đoàn Novaland đã động thổ Dự án Sunrise Riverside trên đường Nguyễn Hữu Thọ thuộc khu Nam Sài Gòn. Đây là dự án từng bị “đắp chiếu” trong thời gian dài của Công ty Trần Thái và được Novaland mua lại. Sau khi mua lại, Novaland đã xây dựng thành 1 khu căn hộ cao cấp với quy mô hơn 1.000 căn hộ và có tên gọi mới là Sunrise Riverside. Dự kiến, trong tháng 10 tới, Novaland sẽ chính thức tung sản phẩm dự án này ra thị trường.

Ngoài những dự án kể trên, theo CBRE, một loạt dự án khác cũng hồi sinh trở lại trong thời gian gần đây, như Dự án City Gate Towers (quận 8), Dự án C.T. Plaza Nguyên Hồng (quận Gò Vấp)…

“Nhìn chung, thị trường trong quý III diễn biến tích cực, thúc đẩy lượng tiền đổ vào từ người mua nhà. Khoảng 7.862 căn ước tính được giao dịch trong quý, tăng 88% so với quý III/2014. Tiếp tục xu hướng từ quý trước, căn hộ cao cấp tiếp tục chiếm tỷ lệ tăng dần trong số căn hộ được giao dịch. Tính trong 9 tháng đầu năm, lượng tiêu thụ của phân khúc cao cấp chiếm 35%, tăng so với mức 32% trong cuối năm 2014”, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu CBRE Việt Nam cho biết. 

“So găng” giữa khu Đông và khu Nam

Một điểm nổi bật khác của thị trường bất động sản TP. HCM diễn ra trong quý III, theo bà Dương Thùy Dung, chính là có sự phân chia rõ nét theo khu vực. Nguồn cung mới ở phía Nam (bao gồm quận 4, 7, 8 và huyện Nhà Bè) chiếm 36% trong tổng số nguồn cung mới, trong khi khu phía Đông gần đây đang sôi động chỉ chiếm 29% trong quý này.

“Rất thú vị khi một lần nữa, dự án bất động sản tại khu Nam lại chiếm vị trí dẫn đầu của khu Đông, đặc biệt trong bối cảnh mới đây, TP. HCM dự định phát triển một đặc khu kinh tế tại phía Đông gồm quận 7, huyện Nhà Bè, một phần huyện Bình Chánh, Cần Giờ và tập trung vào kinh tế hàng hải”, bà Dung nhấn mạnh.

Mới đây, Tập đoàn Vingroup đã công bố sẽ kết hợp với CTCP Cảng Sài Gòn để phát triển khu đất vàng rộng 32,1 héc-ta tại cảng Khánh Hội, vốn sẽ được di dời ở quận 4 thuộc khu Nam. Theo đó, CTCP Cảng Sài Gòn sẽ hợp tác với Tập đoàn Vingroup thành lập Công ty TNHH Đầu tư phát triển đô thị Ngọc Viễn Đông để xây dựng khu nhà ở văn phòng, trung tâm thương mại, biệt thự ven sông trên khu đất của cảng Nhà Rồng Khánh Hội hiện nay, trong đó Cảng Sài Gòn nắm 26% vốn điều lệ.

Khu đất của Cảng Sài Gòn hiện tại sẽ được xây dựng thành khu đô thị gồm 3.000 căn hộ, cùng với văn phòng, trung tâm thương mại, biệt thự ven sông, ga hành khách tàu biển, trường học. Tổng diện tích của khu đô thị này là 32,1 héc-ta với chiều dài bờ sông 1,8 km, dân số dự kiến 11.650 người.

Theo nhận định của CBRE, với những gì đang diễn ra cho thấy, sắp tới sẽ có một cuộc đua giữa 2 điểm nóng trong thời gian tới của thị trường bất động sản TP. HCM là khu Đông và Nam. Với khu Đông, điểm nhấn là Khu đô thị mới Thủ Thiêm đang có nhiều dự án phát triển, trong đó tòa tháp căn hộ đầu tiên tên là Sarimi thuộc Dự án Khu đô thị Sa La của Đại Quang Minh đã được chào bán trong quý III/2015.

Ngoài ra, còn có nhiều siêu dự án đang bắt đầu khởi động, như Công ty TNHH Liên doanh Thành phố Đế Vương đầu tư 1,2 tỷ USD cho dự án khu phức hợp Empire City, 2; Tập đoàn Lotte đầu tư 2.000 tỷ đồng cho Dự án Smart Complex...Còn khu Nam với hàng loạt dự án mới đang lên kế hoạch khởi động trong thời gian tới.

Ông Marc Townsend, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam nhận định, kinh tế Việt Nam có những bước tiến quan trọng trong việc hội nhập với kinh tế thế giới. Trong tháng 8, Việt Nam ký Hiệp định Thương mại tự với EU, trong khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng đang có chuyển biến tốt... dự báo sẽ giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh hơn. Riêng trong khu vực châu Á, việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) cũng mang đến nhiều lợi ích cho Việt Nam, thu hút vốn đầu tư nước ngoài và đẩy cao vị thế của Việt Nam tại châu Á.

Luật Nhà ở 2014 và Luật Kinh doanh bất động sản 2014 đã có hiệu lực đang và sẽ làm thay đổi triển vọng của môi trường đầu tư trong nước. Theo ông Marc Townsend, việc nới lỏng các quy định về sở hữu nhà cho người nước ngoài sẽ tạo ra những thay đổi hơn mong đợi cũng như những bước ngoặt quan trọng cho thị trường bất động sản Việt Nam.

Theo Tăng Triển
Đầu tư Bất động sản

Nguồn: Đầu tư Bất động sản