Động thái này có thể cũng mang lại lợi ích lớn cho những nhà cung cấp gạo chính của Philippines (Việt Nam và Thái Lan), bởi nhập khẩu vào thị trường này có thể tăng gấp đôi lên 3 triệu tấn mỗi năm, và sẽ đưa Philippines trở thành nước nhập khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới chỉ sau Trung Quốc. 
Giá gạo tại các chợ, siêu thị và cửa hàng ở Philippines đã tăng khoảng 9% từ tháng 1/2018 đến tháng 7/2018 lên trung bình 42 peso (78 US cent)/kg do nguồn cung trở nên khan hiếm vì gạo nhập khẩu đến chậm. 
Vì cơm là lương thực chính trong các bữa ăn ở quốc gia Đông Nam Á này nên giá gạo tăng mạnh khiến người tiêu dùng trở nên vô cùng khó khăn, đồng thời khiến lạm phát tăng lên mức cao nhất trong vòng hơn 9 năm.
 "Việc làm giảm giá gạo trở nên sống còn để giảm nghèo đói, vì lương thực này là lý do chính khiến lạm phát tăng", Thứ trưởng Bộ Tài chính Philippines, Gil Beltran, cho biết.
 Tổng thống Rodrigo Duterte đã yêu cầu Quốc hội nhanh chóng thay thế chính sách giới hạn khối lượng gạo nhập khẩu bằng hệ thống thuế quan. Kết quả thăm dò ý kiến về độ tín nhiệm của ông và chính phủ của ông đã cho thấy dấu hiệu suy giảm do lạm phát tăng cao. 
Hạ viện nước này vào đầu tháng 8/2018 đã chấp thuận yêu cầu này. Người phụ trách Ủy ban Nông nghiệp và Lương thực của Thượng nghị viện, Cynthia Villar, vừa cho biết Thượng viện sẽ bắt đầu bàn bạc về vấn đề này "bất cứ ngày nào". 
Theo chính sách mới, gạo nhập khẩu từ các nước Đông Nam Á sẽ chịu thuế 35%, còn từ các quốc gia khác sẽ chịu thuế tới 180%. Tiền thuế thu được sẽ dùng để hỗ trợ nông dân trong các dự án hiện đại hóa và nâng cao hiệu quả lĩnh vực trồng lúa. Philippines thường chỉ nhập khẩu khoảng 1% tổng số gạo nhập từ các nước ngoài khu vực Đông Nam Á. 
Nhưng kể cả với thuế 35%, gạo nhập khẩu sẽ vẫn chỉ có giá khoảng 30 peso/kg, tức là rẻ hơn 10 peso so với giá gạo nội địa ở thời điểm hiện tại. 
Theo thống kê của Bộ Tài chính, Chính phủ có thể thu được 27 tỷ peso mỗi năm, tương đương khoảng 500 triệu USD, từ thuế nhập khẩu gạo. 
Nhưng nhiều tổ chức nông dân hồi tháng 7/2018 đã viết đơn kiến nghị với các nhà hoạch định chính sách rằng chuyển sang hình thức nhập khẩu gạo áp thuế sẽ khiến cho sản phẩm của họ bị giảm giá, gây tổn thất tới thu nhập của họ, và ảnh hưởng tới các chuỗi cung ứng gạo nội. Trong đơn có đoạn viết: "Toàn bộ chuỗi thị trường gạo sẽ bị ảnh hưởng, từ các nhà xay xát, thương lái, chủ xe tải đến các nhà cung cấp dịch vụ khác có thể sẽ đều bị ảnh hưởng bởi khối lượng lớn gạo nhập khẩu thay thế sản phẩm trong nước". 
Chi phí sản xuất gạo ở Việt Nam và Thái Lan thấp hơn nhiều so với ở Philippines vì được thiên nhiên ưu đãi ban tặng những đồng bằng rộng lớn với hệ thống sông ngòi cung cấp đủ nước tưới cho ây lúa, giúp cho Việt Nam và Thái Lan luôn dư thừa nhiều gạo. 
"Khi thị trường được mở cửa hoàn toàn và không còn bất kỳ hạn chế nào, không có "tấm lưới" an toàn nào có thể bảo vệ ngành lúa gạo trong nước tránh khỏi khối lượng rất lớn gạo nhập khẩu", Antonio Flores, tổng thư ký Hội Nông dân Kilusang Magbubukid ng Pilipinas cho biết.
Philippines đã được Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho phép giữ hạn ngạch nhập khẩu và xóa bỏ các hàng rào phi thuế quan đối với các sản phẩm nông nghiệp khác từ năm 1995. Nước này giới hạn lĩnh vực tư nhân nhập khẩu 805.200 tấn gạo mỗi năm.
 Quy định đặc biệt nhằm bảo vệ người trồng lúa này đã được gia hạn nhiều lần cho tới năm 2017, nhưng đã phải đánh đổi bằng việc nhượng bộ với một số thành viên WTO trong thương mại một số mặt hàng khác gạo. Và Manila quyết định không cố gắng gia hạn thêm nữa để tránh phải nhượng bộ thêm trong lĩnh vực thương mại.
"Chúng tôi thực tế là vi phạm quy định của WTO, có nghĩa là họ có thể áp các lệnh trừng phạt bất cứ lúc nào", Roehlano Briones, nghiên cứu viên thuộc Viện Nghiên cứu Phát triển cho biết.
Giá gạo ở các tỉnh phía Nam tăng mạnh hơn so với các khu vực khác, khiến người dân ở khu vực này gần đây đã xuất hiện tình trạng tranh cướp để mua, trong bối cảnh nguồn cung rất khan hiếm khi Chính phủ tăng cường chống buôn lậu. Ước tinish mỗi năm có khoảng 600.000 tấn gạo được nhập lậu vào Philippines.
Cuộc khủng hoảng tại các tỉnh Zamboanga, Basilan, Sulu và Tawi-Tawi, nơi cư dân từ nhiều tháng nay luôn phải xếp hàng dài để mua lượng gạo ít ỏi, đã làm dấy lên những yêu cầu các quan chức nông nghiệp phải từ chức, trong đó có Bộ trưởng Nông nghiệp Emmanuel Pinol.
Ngày 27/8/2018 ông Pinol đã đề xuất nhập khẩu thêm 132.000 tấn gạo để giải quyết tình trạng khan hiếm.
Tuy nhiên, ông Pinol cho rằng mặc dù cần dỡ bỏ giới hạn khối lượng nhập khẩu, song cũng cần phải cảnh giác để không trở nên quá phụ thuộc vào gạo nhập khẩu, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu và dân số tăng gây bất ổn cho cả nguồn cung cấp quốc tế. "Sẽ có lúc chính các nước xuất khẩu cũng phải hạn chế xuất khẩu để đáp ứng nhu cầu trong nước... khi đó chúng tôi sẽ phải mất nhiều tiền hơn mới mua được gạo, hoặc thậm chí có tiền cũng không mua được", ông cảnh báo.
Nguồn: CafeF, Nhịp sống kinh tế