Phiên giao dịch 14/9, giá đường thô giao tháng 10 trên sàn New York ở mức 14,25 US cent/lb.
Dư cung đường đã ảnh hưởng mạnh tới giá mặt hàng này, ban đầu làm giảm nhiều giá đường thô, sau lan sang cả đường trắng. Giá đường trắng tại London liên tiếp giảm trong mấy tháng qua, khiến mức chênh lệch giữa đường trắng và đường thô hiện xuống thấp nhất kể từ tháng 2/2015, theo tính toán của FactSet.
Sau khi giá đường dưới mức 14 US cent/lb suốt gần 2 tháng, nhiều nhà máy ở Brazil đã chuyển sang sản xuất ethanol – có mức lợi nhuận tốt hơn so với đường. Tỷ lệ mía dùng sản xuất đường chỉ còn 46,9%, thấp hơn cả mức tính toán của S&P Platts Kingsman là 48,9%.
Trong 2 tuần cuối tháng 8/2017, các nhà máy ở khu vực trung nam Brazil đã giảm lượng mía ép đường, chỉ ép 38,91 triệu tấn mía, thấp hơn mức 45,28 triệu tấn trong 2 tuần đầu tháng 8 và ít hơn mức dự kiến. Sản lượng đường giảm xuống 2,53 triệu tấn, so với 3,15 triệu tấn 2 tuần trước đó và so với mức trung bình 2,82 triệu tấn.
“Một số nhà đầu tư đã bán đường trắng ra, gây tác động tới giá đường thô”, Reuters dẫn lời Michael McDougall, giám đốc Societe Generale cho biết. "Các nhà sản xuất đường trắng nay đã bị ràng buộc nhiều hơn với đường thô” vì họ đã chờ đợi quá lâu mà giá đường trắng chưa tăng trở lại.
Một số nhà phân tích cho rằng các chính sách bảo hộ của Trung Quốc và Ấn Độ đã làm méo mó thị trường đường thế gới, tạo ra dư thừa trên thị trường xuất khẩu và buộc các nhà sản xuất rơi vào cảnh giá thấp.
Tại Trung Quốc, sản lượng đường giảm mạnh trong mấy năm gần đây buộc Chính phủ phải áp thuế cao đối với đường nhập khẩu để bảo vệ ngành đường trong nước – hoạt động kém hiệu quả và sức cạnh tranh thấp.
Kết quả là, nhập khẩu đường của Trung Quốc năm nay giảm, buộc nước này phải xuất bán đường dự trữ và thúc đẩy sản xuất trong nước. Các nhà phân tích cho biết, giá đường trắng ở Trung Quốc hiện cao hơn khoảng 165% so với giá ở London, và giá trong nước cao sẽ tiếp tục kích thích mở rộng diện tích.
New Delhi đầu tháng 9 đã cho phép nhập khẩu 300.000 tấn đường thô để giảm bớt tình trạng khan hiếm ở nước này, nhưng “Việc kiểm soát nhập khẩu và nhập khẩu nhỏ giọt sẽ không đủ để làm giảm bớt tình trạng dư cung trên thị trường thế giới”, Rajesh Singla, các nhà phân tích thuộc Societe Generale cho biết.
Trên phạm vi toàn cầu, tỷ lệ dự trữ - sử dụng tiếp tục giảm vì dự trữ đường ở các nước này sụt giảm.
Tình hình cung – cầu đường tại những nước này sẽ trở nên nhạy cảm với bất kỳ sự biến động thời tiết nào trong niên vụ tới, ông Singla cho biết.
Societe Generale mới đây đã nâng dự báo về sản lượng đường thế giới năm marketing 2017/18 lên 179,5 triệu tấn, tăng 5,5% so với năm trước. Như vậy, lượng dư cung trên thị trường thế giới sau đánh giá này là 5,3 riệu tấn, tăng so với mức 4,5 triệu tấn dự báo trước đây, chủ yếu nhờ thời tiết thuận lợi ở Ấn Độ. Brazil dự kiến cũng sẽ có vụ mùa 2017/18 bội thu.
Tiêu thụ đường toàn cầu được dự báo sẽ ở mức 173,5 triệu tấn trong năm 2017/18, tăng 1,5% so với năm 2016/17.
Dự báo về giá, Societe Generale cho rằng trong 6 tháng tới giá đường thô sẽ ở mức 14 US cent/lb, còn trong 12 tháng tới sẽ ở mức 13,9 US cent.
Ông Singla cho rằng: “Giá đường có thể duy trì dưới ngưỡng 14,5 US cent/lb cho tới khi Brazil buộc phải giảm sản lượng đường để cân đối lại thị trường”.
Nguồn: Vân Chi/CafeF, Trí thức trẻ