Theo đánh giá của bộ NNPTNT, giá lợn hơi trong tháng 9/2017 biến động giảm nhẹ tại các vùng chăn nuôi cả nước. Cụ thể, tại các tỉnh miền Bắc, miền Trung, miền Nam như Hà Nội, Hưng Yên, Nghệ An, Đồng Nai… giá lợn đã giảm từ 1.000 – 2.000 đồng/kg, xuống còn khoảng trên dwois 30.000 đồng/kg.
Tại miền Trung, giá lợn hơi tại Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế giảm khoảng 500 đồng/kg, giá trung bình toàn miền chỉ dao động trong khoảng 29.000 – 32.000 đồng/kg. Tại miền Nam, giá lợn hơi giảm 500 đồng/kg ở Tiền Giang, giảm 1.000 đồng/kg ở Long An và giảm 1.500 đồng/kg ở Hậu Giang.
Giá lợn hơi tại nhiều tỉnh miền Nam nằm trong khoảng 28.500 – 30.500 đồng/kg. Tại một số vùng chăn nuôi lớn của Đồng Nai, hiện giá lợn cũng đã giảm từ 1.000 – 2.000 đ/kg xuống còn khoảng trên dưới 31.000 đồng/kg tùy thuộc vào chất lượng và quy mô nuôi.
Trong 9 tháng qua, ngoại trừ đợt phục hồi mạnh vào giữa tháng 7/2017, giá lợn hơi trung bình của cả nước chủ yếu giảm do nguồn cung dư thừa trong khi nhu cầu tiêu thụ không có đột biến. Trong khi đó, nhu cầu thịt lợn của Trung Quốc lại không ổn định. Hiện nay, do giá lợn hơi thấp nên có tình trạng người dân không còn mặn mà với việc tái đàn dù vào thời điểm này mọi năm, các ngành đã rục rịch chuẩn bị nguồn cung hàng cho thị trường tết.
Dự báo, giá lợn hơi có thể phục hồi vào cuối năm nay khi xu hướng giảm đàn hoặc nuôi cầm chừng diễn ra trên diện rộng, bên cạnh đó mưa lớn kéo dài ở miền Bắc và bắc Trung Bộ vừa qua đã làm trang trại bị ngập úng trong nước lũ, ảnh hưởng đến việc vận chuyển đàn lợn ra ngoài. Tính đến nay đã có khoảng 6.000 con lợn bị chết do ngập nước, hiện số lợn sống chỉ còn chừng 300 con. Như vậy, thời gian tới nguồn cung sẽ bị thiếu hụt trong khi nhu cầu tiêu thụ thịt lợn dự báo tăng để phục vụ thị trường Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán.
Về thị trường Trung Quốc, nước tiêu dùng thịt lợn nhiều nhất trên thế giới, nhưng trong tháng 9/2017 quy mô đàn lợn đã giảm với tốc độ nhanh nhất trong vòng 2 năm trở lại đây, giảm 6,1% so với cùng kỳ 2016 - mức giảm mạnh kể từ tháng 1/2016. Để đạt được kết quả trên Chính phủ Trung Quốc đã đẩy mạnh chiến dịch đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường, một trong những ngành quan trọng của nông nghiệp nước này.
Mặc dù Chính phủ Trung Quốc không công bố số liệu chi tiết về quy mô đàn lợn thịt, nhưng thông tin chính thức về quy mô cả đàn lợn nái và lợn thịt đều giảm liên tục kể từ đầu năm 2016 (lợn nái giảm 5% - mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2016), nhưng tốc độ giảm bắt đầu tăng nhanh từ tháng 7/2017 do các nỗ lực thực thi những quy định mới (đàn lợn thịt giảm 4,8%, đàn lợn nái giảm 4,2%).
Hiện Bắc Kinh đã đóng cửa hàng ngàn trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ trên khắp cả nước để đặt ra các quy chuẩn ô nhiễm mới đến tháng 12/2017, đẩy giá lợn tăng và mang lại cơ hội cho các nhà sản xuất thịt lợn tại nước này.
Trung Quốc sản xuất khoảng 55 triệu tấn thịt lợn hàng năm, tương đương một nửa sản lượng thịt lợn toàn cầu.
Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), năm 2018 giá thịt lợn tại Trung Quốc có thể tăng 20%, khi tác động toàn diện của hoạt động đóng cửa cơ sở chăn nuôi được thể hiện rõ thông qua chỉ số quy mô đàn lợn nái. Mặc dù giá lợn được dự báo tăng, nhưng nguồn cung thịt lợn lại không đáng lo ngại, quy mô đàn lợn thịt sẽ giảm nhẹ từ nay đến cuối năm 2018 nhưng năng lực sản xuất và tính hiệu quả sẽ tiếp tục tăng.
Là quốc gia có vị trí địa lý gần và vận chuyển hàng hóa thuận lợi, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lợn chính của Việt Nam. Hiện nước bạn chưa mở cửa cho thịt lợn xuất theo đường chính ngạch nên chủ yếu xuất tiểu ngạch. Tuy nhiên xuất khẩu tiểu ngạch gặp phải khó khăn khi nước này hạn chế nhập khẩu lợn sống. Như vậy, triển vọng xuất khẩu thịt lợn sang thị trường Trung Quốc thời gian tới không mấy khả quan và từ nay tới cuối năm thị trường nội địa tiếp tục là kênh tiêu thụ quan trọng đối với các sản phẩm thịt lợn.

Nguồn: Tri thức trẻ