Công ty nông nghiệp tư nhân Guangxi Yangxiang Co Ltd đang điều hành hai cơ sở chăn nuôi lợn nái 7 tầng với 1.000 con lợn nái mỗi tầng trên núi Yaji ở phía nam Trung Quốc. Công ty này đang chuẩn bị xây dựng thêm 4 cơ sở nữa, trong đó có một cơ sở 13 tầng sẽ trở thành tòa nhà chăn nuôi lợn cao nhất thế giới, Reuters hôm qua đưa tin.
Trang trại lợn 2 - 3 tầng đã được thử nghiệm ở châu Âu. Một số vẫn đang hoạt động trong khi số khác bị bỏ hoang. Rất ít trang trại mới mọc lên trong những năm gần đây do khó khăn trong quản lý và phản ứng của cộng đồng đối với các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn.
Giờ đây, khi Trung Quốc đẩy mạnh công nghiệp hóa đàn lợn lớn nhất thế giới, một phần trong nỗ lực kéo dài 30 năm nhằm hiện đại hóa lĩnh vực chăn nuôi và tăng sự trù phú cho vùng nông thông, các công ty đang thử nghiệm trang trại cao tầng dành cho lợn dù chi phí cao. Những "khách sạn" kiểu này cho thấy một số công ty chăn nuôi sẵn sàng đổi mới tới đâu khi Trung Quốc cải tiến mô hình trang trại.
"Tòa nhà cao tầng có nhiều lợi thế lớn", Xu Jiajing, quản lý trang trại trên đỉnh núi của Yangxiang, cho biết. "Mô hình mới giúp tiết kiệm năng lượng và tài nguyên. Diện tích trên mặt đất không đủ để nuôi nhiều lợn".
Các công ty như Yangxiang đang rót tiền vào nhà cao hơn, nhiều hơn khoảng 30% so với trang trại một tầng hiện đại, dù giá thịt lợn ở Trung Quốc vẫn ở mức thấp trong 8 năm qua. Đối với một số nhà chăn nuôi, việc đầu tư quá rủi ro. Ngoài giá bán thấp, có nhiều ý kiến lo ngại về dịch bệnh lây lan qua những cơ sở quy mô lớn như vậy.
Nhưng thành công của trang trại chăn nuôi lợn cao tầng ở Trung Quốc có nhiều ý nghĩa đối với nhiều khu vực thưa dân và khan hiếm đất thuộc châu Á cũng như đối với các nhà cung cấp thiết bị. "Chúng tôi nhận thấy nhu cầu cho tòa nhà 2 - 3 tầng đang tăng", Peter van Issum, giám đốc quản lý Microfan, nhà cung cấp Hà Lan phụ trách thiết kế hệ thống thông gió cho công ty Yangxiang, cho biết.
Núi Yaji dường như không phải là địa điểm hứa hẹn cho một trang trại chăn nuôi khổng lồ. Đường lên núi rất hẹp, cách xa làng quê, những tòa nhà chăn nuôi lợn bằng bê tông nhìn ra thung lũng rừng cây rậm rạp mà Yangxiang dự định phát triển thành địa điểm du lịch. Tuy nhiên, địa điểm này tương đối gần Quý Cảng, thành phố có cảng sông và đường sông thông với châu thổ sông Châu Giang, một trong những khu vực dân cư đông đúc nhất thế giới.
Trong khi chính phủ khuyến khích đẩy mạnh chăn nuôi gia súc ở vựa lương thực của Trung Quốc ở đông bắc, nhiều chuyên gia lo ngại trang trại tại đó sẽ gặp khó khăn trong việc vận chuyển thịt lợn sạch an toàn đến những thành phố lớn ở cách hàng nghìn kilomet. Điều đó góp phần thúc đẩy đầu tư chăn nuôi ở các tỉnh phía nam như Quảng Tây và Phúc Kiến, nơi có địa hình đồi núi nhưng gần với nhiều thành phố lớn nhất Trung Quốc hơn.
Yangxiang sẽ nuôi 30.000 con lợn nái trong khu chuồng rộng 11 hecta vào cuối năm, sản sinh 840.000 lợn con mỗi năm. Kế hoạch này sẽ biến nơi đây thành trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn nhất thế giới. Một trang trại chăn nuôi lợn thông thường cỡ lớn ở Trung Quốc nuôi khoảng 8.000 con lợn nái trên diện tích 13 hecta.
Xây chuồng trại cao tầng đòi hỏi chi phí cao hơn và độ phức tạp lớn hơn, như lắp đường ống thức ăn cho tòa nhà, theo Xue Shiwei, phó giám đốc công ty tư vấn công nghệ chăn nuôi gia súc Pipestone. "Phương pháp chăn nuôi này tiết kiệm diện tích đất nhưng làm tăng độ phức tạp của kết cấu, và chi phí vật liệu sẽ cao hơn", Xue nói.
Những lo ngại về sức khỏe cũng làm tăng chi phí, do nguy cơ lây lan dịch bệnh của trang trại nhiều tầng cao hơn so với trang trại một tầng. Quản lý trang trại Xu cho biết Yangxiang giảm nguy cơ dịch bệnh bằng cách quản lý mỗi tầng riêng biệt. Lợn nái mới tập trung ở tầng trên cùng, sau đó di chuyển bằng thang máy tới tầng chúng được phân.
Thiết kế hệ thống thông gió giúp ngăn không khí lưu thông giữa các tầng hoặc tới tòa nhà khác. Không khí đi qua đường dẫn trên mặt đất và thoát ra qua ống thông khí ở mỗi tầng. Các ống thông khí nối với bộ thông gió trung tâm trên nóc nhà, bao gồm nhiều quạt công suất mạnh thổi không khí qua máy lọc và xả ra qua đường ống cao 15 mét.
Nhà máy xử lý chất thải đang được xây dựng trên núi Yaji để giải quyết phân từ cơ sở. Sau khi xử lý, chất lỏng được phun lên cánh rừng ở xung quanh, trong khi chất rắn được bán cho các trang trại gần đó làm phân bón hữu cơ.
Nguồn: Phương Hoa/Vnexpress.net