Mặc dù chính phủ các nước đang chi hàng tỷ USD để trợ cấp cho các công nghệ năng lượng thay thế, như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, nhưng dầu thô vẫn chiếm ưu thế trong thế giới hiện đại, với nhu cầu tiêu thụ tăng tới 1,5%/năm.
Triển vọng nhu cầu dầu thô
Thị trường đang không có sự đồng thuận trong dự báo về thời điểm nhu cầu dầu thô sẽ đạt đỉnh vì điều này phụ thuộc rất lớn vào phản ứng của các chính phủ đối với hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Trong một bài thuyết trình hồi tháng 8, chuyên gia Bassam Fattouh và Anupama Sen của Viện nghiên cứu Năng lượng Oxford cho rằng: “Thị trường tranh luận về việc nhu cầu dầu sẽ đạt đỉnh thường là vì họ nghĩ thế giới sắp tới giai đoạn chuyển đổi năng lượng, trong đó dầu cuối cùng sẽ bị thay thế bởi các nguồn năng lượng tạo ra ít carbon hơn”.
Tổng thư ký Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), ông Mohammad Barkindo từng dự báo rằng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ lên 100 triệu thùng/ngày trong năm nay, sớm hơn dự báo của nhiều cơ quan khác.
Trong số gần 100 triệu thùng dầu được tiêu thụ hiện nay, lĩnh vực vận tải, đặc biệt là hàng không, “ăn” hơn 60 triệu thùng. Phần lớn số dầu còn lại được sử dụng để sản xuất nhựa. Tuy nhiên, các chính phủ đang gây áp lực lên lĩnh vực sản xuất để hạn chế sử dụng dầu. Thay vào đó, xăng và than lại được sử dụng nhiều hơn và một số chuyên gia phân tích tin rằng nhu cầu dầu sẽ giảm trong thập kỷ tới.
Nếu thế giới duy trì các chính sách hiện nay, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu dầu toàn cầu tăng trong ít nhất 20 năm tới, đạt đỉnh vào năm 2020 và có thể đạt khoảng 125 triệu thùng/ngày vào năm 2040. IEA cho biết nhu cầu dầu sẽ tăng bớt nhanh hơn và chỉ giảm nếu các chính phủ có kế hoạch thay đổi toàn diện về thói quen sử dụng năng lượng.

Một số chuyên gia phân tích cũng cho rằng nhu cầu dầu thế giới có thể giảm nhanh hơn nếu các phương tiện dùng năng lượng thay thế cho thấy nhiều hiệu quả hơn, tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại và giá nhiên liệu lên cao.

Hiện tại, vốn đầu tư vào năng lượng mặt trời đang gia tăng nhanh chóng. Ngay cả Arab Saudi, quốc gia đứng đầu Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), cũng đang hỗ trợ lĩnh vực này. Quốc gia Trung Đông này đang lên kế hoạch tạo ra dự án điện mặt trời lớn nhất thế giới.
Khi nào nhu cầu dầu đạt đỉnh?
Trong khi các nước thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) có xu hướng giảm tiêu thụ dầu, nhu cầu sử dụng nhiên liệu này tại những nước nằm ngoài tổ chức này lại gia tăng nhanh chóng. Cụ thể, nhu cầu dầu của các nước ngoài OECD gần gấp đôi trong 20 năm qua vì có sự xuất hiện của nhiều ngành công nghiệp mới tại khắp châu Á, Trung - Nam Mỹ, và châu Phi.
Theo dự báo của phòng nghiên cứu thuộc Tập đoàn Dầu mỏ Quốc gia Trung Quốc, nhu cầu dầu của nước này tăng mạnh và đạt khoảng 13,8 triệu thùng/ngày vào ngày đầu năm 2030.
Goldman Sachs cho biết nhu cầu dầu có thể đạt đỉnh vào năm 2024 trong một số trường hợp. Tuy nhiên, lộ trình này có thể thay đổi vì các nền kinh tế kém phát triển hơn khá chậm chạp trong việc tiếp nhận các công nghệ mới.
Công ty tư vấn Wood Mackenzie cũng dự báo, thế giới sẽ tiêu thụ kỷ lục dầu thô vào khoảng năm 2036, với nhu cầu sử dụng dịch vụ vận tải đi ngang từ năm 2030.
Nguồn: Người đồng hành, Reuters