Olam bắt đầu hoạt động tại Việt Nam vào năm 2000, thiết lập nhà máy cà phê đầu tiên ở tỉnh Đắk Nông. Sau đó, công ty này phát triển lan rộng tại khu vực phía Nam bao gồm trụ sở chính tại TPHCM và các văn phòng khu vực tại Long An, Đồng Nai, Đắc Lắc, Lâm Đồng, Gia Lai và mở rộng hoạt động tại Lào và Campuchia.
Hiện tại, Olam là đơn vị xuất khẩu lớn nhất hạt điều, hạt tiêu và cà phê hòa tan tại Việt Nam. Công ty này đã đầu tư 45 triệu USD vào một cơ sở cà phê hòa tan và đang có 7 nhà máy lớn với 1.700 nhân viên trên khắp miền Trung và miền Nam. Olam cũng là nhà xuất khẩu lớn thứ ba cà phê xanh và là người mua số lượng lớn gạo. Olam hiện đang cung cấp bông, sản phẩm gỗ, sản phẩm từ sữa và lúa mì vào Việt Nam.
Làm thế nào để tạo thêm giá trị gia tăng cho cà phê?
Ông Prakash Jhanwer: Hàng hóa Việt Nam đã có một năm tuyệt vời, từ ngô, đậu nành, cà phê, vv. Việt Nam đang khiến nhiều quốc gia ghen tị với sản lượng khổng lồ với diện tích nhỏ bé.
Việt Nam gia tăng tốt về số lượng nhưng giá trị gia tăng chưa đạt kết quả tương xứng. Cà phê vẫn chưa tìm được vị thế trên trường thế giới. Các bạn cũng không thể tìm thấy gạo dễ dàng tại các siêu thị châu Âu và châu Mỹ. Do đó, Olam muốn tham gia sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng. Đây không phải là thách thức của riêng Olam mà còn là của cả ngành công nghiệp xuất khẩu.
Năm 2015, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu cho Mỹ, EU, Trung Quốc và ASEAN. Khi ông Donald Trump trúng cử Tổng thống Mỹ có ảnh hưởng gì đến xuất khẩu của Việt Nam không?
Mỹ là thị trường xuất quan trọng cà phê, hạt điều của Việt Nam. Cao su, gạo thì phụ thuộc vào thị trường châu Á. Xu hướng này vẫn sẽ tiếp tục. Tin tốt là các sản phẩm nông nghiệp của VN không phụ thuộc quá nhiều vào 1 thị trường.
Tự do thương mại sẽ giúp chúng tôi trong quá trình làm việc nhưng tôi không quá lo ngại với các chính sách kinh tế của ông Trump. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn luôn muốn thúc đẩy tự do thương mại bởi điều đó đi kèm tự do lưu chuyển công nghệ - vấn đề sống còn đối với Việt Nam.
Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu có tác động gì với hoạt động nông nghiệp hay không?
Chúng tôi làm việc trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh do đó COP21 rất quan trọng. Dù ông Trump có nói gì thì biến đổi khí hậu vẫn đang diễn ra. Nó đang tác động theo 2 hướng. Thứ nhất, về ngắn hạn, các hiện tượng khí hậu như El-Nino sẽ khiến mùa màng bị ảnh hưởng. Về dài hạn, vấn đề thâm nhập mặn, cháy rừng...đang ảnh hưởng lớn tới Việt Nam. Việc này đòi hỏi sự hợp tác của chính phủ, NGO và các doanh nghiệp tư nhân để giảm thiểu hậu quả.
Olam đang làm gì để đóng góp vào điều này?
Chúng tôi đang có 2 phương án. CEO của chúng tôi đang tham gia CAA – liên minh 14 chủ thể trong ngành. Các nhà lãnh đạo của các công ty hóa chất, chính phủ, nông nghiệp họp với nhau với mục tiêu giảm phát thải nhà kính. Thứ 2, đối với chuỗi cung ứng hiện nay, sẽ có những mục tiêu cụ thể về phát thải khí nhà kính. Một chương trình đối phó với biến đổi khí hậu đang được phát triển.
Tương lai cho hàng hóa nông nghiệp là gì? Điều gì khiến ông quan tâm?
Trong 18 năm trong nghề, tôi thấy rằng các thanh niên không muốn thức dậy lúc 4h30 sáng ở cánh đồng. Nếu không làm nông nghiệp, chúng ta lấy gì để ăn? Mặt khác, cũng có những điều khiến tôi lạc quan hơn. Internet kết nối tất cả chúng ta. Công nghệ đang giúp công việc trở nên dễ dàng hơn, thúc đẩy năng suất rất nhiều. Đối với những người trẻ, họ rất thích công nghệ và điều đó khiến tôi rất lạc quan.
Có một số phong trào sản xuất lương thực hữu cơ, liệu có thị trường cho sản phẩm nông nghiệp cao cấp không?
Có nhiều thị trường mà người tiêu dùng muốn bỏ thêm tiền cho các sản phẩm chất lượng cao. Với các thị trường phát triển, nhiều người thay vì đi nhà hàng lại chọn cách ở nhà nấu các thực phẩm tốt cho sức khỏe.

Xin cảm ơn ông.

Nguồn: Thạch Thảo/Người đồng hành