Tại Ấn Độ, giá liên tiếp giảm từ cuối tháng 8/2018 đến giữa tháng 9/2018, xuống mức thấp nhất trong vòng 17 tháng, do nhu cầu gạo xuất khẩu yếu và đồng rupee trượt giá. Tuy nhiên, kể từ giữa tháng 9/2018 giá hồi phục khi nhu cầu gạo xuất khẩu được cải thiện (chủ yếu từ khách hàng châu Phi). Tính chung trong tháng 9/2018, giá giảm khoảng 15 USD/tấn (4%), loại đồ 5% tấm từ 389 – 393 USD/tấn xuống 373-377 USD/tấn, tiếp tục duy trì rẻ hơn so với gạo cùng loại của Thái Lan và Việt Nam. Tính chung trong quý 3/2018, giá giảm khoảng 5%.
Tại Thái Lan, giá trong tháng 9/2018 vững mặc dù thiếu vắng nhu cầu từ các nhà nhập khẩu. Lý do bởi đồng nội tệ mạnh lên. Đồng baht đã tăng khoảng 0,6% giá trị trong vòng 1 tháng qua, trong đó riêng 2 tuần vừa qua tăng 1,2%. Gạo 5% tấm giá vững ở 390- 393 USD/tấn (FOB Bangkok). Tính chung trong quý 3/2018, gạo xuất khẩu của Thái Lan giá tăng nhẹ khoảng 1%.
Tại Việt Nam, giá gạo xuất khẩu cũng vững trong tháng 9/2018. Nhu cầu hiện thấp, nhưng nguồn cung cũng không nhiều vì vụ thu hoạch đã kết thúc. Triển vọng một số khách hàng truyền thống như Philippines và Indonesia sắp mua cũng góp phần giữ giá gạo xuất khẩu của Việt Nam ổn định trong những tuần vừa qua. Loại 5% tấm xuất khẩu hiện ở mức 395 – 405 USD/tấn. Gạo Việt Nam tiếp tục đắt hơn so với gạo cùng loại của Ấn Độ và Thái Lan. Tính chung trong quý 3/2018, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm khoảng 12%, giảm nhiều nhất trong khu vực.
Tại Philippines, giá gạo bán lẻ tại Philippines đã tăng đều đặn kể từ đầu năm do các kho dự trữ của Chính phủ sụt giảm gây thiếu nguồn cung gạo trợ giá cho thị trường. Giá gạo tại Philippines thường tăng trong những tháng ăn chay (tháng 7 - tháng 9 hàng năm). Đó cũng là thời điểm giáp vụ. Giá gạo tại các chợ, siêu thị và cửa hàng tiếp tục xu hướng tăng do nguồn cung trong nước khan hiếm vì gạo nhập khẩu về chậm và không đủ đáp ứng nhu cầu. Lần đầu tiên trong lịch sử nước này, giá gạo bán lẻ trung bình vượt quá 47 peso/kg. Theo Cơ quan Thống kê Philippines (PSA), giá gạo xát kỹ bán buôn trung bình tăng 17% lên 45,51 peso/kg trong tuần thứ hai của tháng 9/2018 so với một năm trước, gạo xát kỹ bán lẻ trung bình cũng đạt 48,93 peso/kg, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái; giá gạo xát thường bán buôn đạt 43,13 peso/kg, tăng 21% so với năm trước, xát thường bán lẻ trung bình cũng tăng 20% lên 45,71 peso/kg; giá lúa trung bình tăng từ mức 19,62 peso/kg trong năm ngoái lên 23,04 peso/kg.
Tại Nigeria, giá tăng do chính sách kiềm chế nhập khẩu. Gạo đồ đầu tháng 9/2018 giá 12.000 – 12.500 naira/bao 50 kg, đã tăng lên 13.000 – 14.500 naira/bao vào trung tuần tháng 9/2018. Nhiều người lo ngại, nếu Chính phủ không khẩn cấp triển khai các giải pháp thì giá có thể sẽ còn tiếp tục tăng trong vài tuần tới, và sẽ duy trì cao tới tháng 12/2018 hoặc lâu hơn nữa. Gạo tăng giá kéo lạm phát tăng theo, bởi gạo là lương thực chủ yếu ở Nigeria.
Cung - cầu tại một số thị trường chủ chốt
Nhu cầu nhìn chung thấp. Đang mùa thu hoạch ở nhiều nước nên nhiều nhà nhập khẩu trì hoãn việc mua để chờ giá giảm. Trung Quốc mua chậm lại bởi tác động của chính sách tăng thuế nhập khẩu gần đây.
Về nguồn cung, quý 3/2018 là giai đoạn nhiều nước thu hoạch lúa vụ phụ, nguồn cung do đó tương đối dồi dào. Tuy nhiên, tại một số nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam và Thái Lan, mưa lũ kéo dài trong tháng 8/2018 đã ảnh hưởng tới việc thu hoạch.
Ấn Độ ước tính đã thu hoạch 112,91 triệu tấn gạo trong năm 2017 – 2018 (kết thúc vào tháng 9/2018), so với mức 109,70 triệu tấn của năm trước. Chính phủ đặt mục tiêu thu mua 37,5 triệu tấn trong năm 2017 – 2018, nhưng tới đầu tháng 9/2018 khối lượng đã vượt kế hoạch cả năm (đạt 38 triệu tấn). Hơn 33% tổng sản lượng gạo trên cả nước đã được mua ở mức giá hỗ trợ tối thiểu (MSP).
Trong tài khóa 2017/18, xuất khẩu gạo basmati của Ấn Độ đạt 26,87 tỷ rupee, tăng 23% so với 21,51 tỷ rupee của tài khóa trước, mặc dù khối lượng chỉ tăng nhẹ, từ 3,98 triệu tấn lên 4,06 triệu tấn. 4 tháng đầu tài khóa hiện tại, khối lượng xuất khẩu vẫn giữ ở 1,57 triệu tấn (so với 1,56 triệu tấn cùng kỳ năm trước), nhưng trị giá tăng 14% lên 11,58 tỷ rupee.
Tuy nhiên, xuất khẩu gạo Basmati đang bộc lộ một số khó khăn. Xuất khẩu gạo basmati sang Liên minh châu Âu giảm 58% về khối lượng và 40% về trị giá trong giai đoạn tháng 1-7/2018 do việc thắt chặt quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; xuất khẩu sang Iran gần đây tăng mạnh, nhưng bắt đầu gặp một số trục trặc do một số nhà nhập khẩu khó khăn trong việc thanh toán; Saudi Arabia cũng sắp thắt chặt các quy chế về thuốc bảo vệ thực vật.
Thái Lan đã thu hoạch xong vụ lúa phụ (tháng 6-8/2018), sản lượng khá cao nhờ thời tiết tốt lúc cây sinh trưởng. Tuy nhiên, mưa lũ đã ảnh hưởng tới nhiều tỉnh thành, trong đó có một số khu vực trồng lúa, gây khó khăn cho quá trình thu hoạch, phơi sấy và vận chuyển.
Sản lượng gạo trắng cao cấp Hom Mali của Thái Lan đã giảm 40% kể từ đầu năm 2018 do thời tiết bất lợi. Là sản phẩm đặc trưng của Thái Lan nhưng loại gạo này chỉ có thể được trồng ở vùng Đông Bắc Thái Lan nên phụ thuộc lớn vào điều kiện thời tiết.
Thái Lan đang thực hiện đa dạng hóa các giống lúa, và trong năm đầu tiên thực hiện, các doanh nghiệp xuất khẩu dự tính tổng sản lượng gạo trắng hạt dài chất lượng trung bình đạt 5.000 tấn.
Theo Vụ Ngoại thương Thái Lan, xuất khẩu gạo từ đầu năm đến nay đạt 7,65 triệu tấn, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó gạo 5% tấm chiếm 55%, tiếp đến là gạo đồ (25%), gạo Hom mali (16%) và còn lại là các loại khác. Trị giá xuất khẩu đạt 3,85 tỷ USD. Do thiếu hụt nguồn cung, giá gạo Hom mali tăng cao khiến xuất khẩu loại này giảm 20% từ đầu năm tới nay so với cùng kỳ năm ngoái.
Việt Nam. Trong nửa đầu năm 2018, xuất khẩu gạo Việt Nam (VN) sang Trung Quốc diễn ra rất thuận lợi. Nhưng từ tháng 7/2018 đến nay, hạt gạo Việt bắt đầu gặp những khó khăn không nhỏ khi Trung Quốc điều chỉnh chính sách thuế nhập khẩu gạo, theo đó từ ngày 1/7/2018, thuế nhập khẩu tất cả loại gạo từ các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, ở mức 40%-50% (riêng tấm là 5%).
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, khối lượng gạo xuất khẩu trong nửa đầu tháng 9/2018 là 192.761 tấn, giảm 17,4% so với cùng kỳ năm ngoái, giá trị xuất khẩu giảm 12,3% xuống gần 92 triệu USD. Lũy kế đến ngày 15/9/2018, tổng lượng gạo xuất khẩu tăng gần 9% so với cùng kỳ năm 2017 lên 4,7 triệu tấn, trong khi trị giá tăng 24,4% lên 2,4 tỷ USD.
Campuchia. Xuất khẩu gạo có xu hướng giảm vì nhiều nước có thế mạnh về xuất khẩu trong khu vực hạ giá thành, làm giảm sức cạnh tranh của gạo Campuchia trên thị trường quốc tế, đồng thời các nhà máy xay xát có lượng thóc dự trữ hạn chế, trong khi lượng lúa thu mua mới không đủ đáp ứng nhu cầu. Trong 6 tháng đầu năm 2018, Campuchia xuất khẩu 271.537 tấn gạo, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm trước, và xu hướng giảm vẫn tiếp diễn trong những tháng tiếp theo.
Trung Quốc. Sản lượng gạo vụ thứ nhất của Trung Quốc (vụ sớm) năm nay thấp hơn 4,3% so với cùng vụ năm ngoái, đạt 28,59 triệu tấn, do thực hiện chương trình cải cách cơ cấu nguồn cung cấp nông sản đồng thời nông dân giảm diện tích lúa để tăng trồng đậu tương và thiếu mưa ở khu vực miền nam. Diện tích lúa vụ sớm năm nay của Trung Quốc là 4,79 triệu ha, giảm 6,8% so với cùng vụ năm ngoái, trong khi năng suất trên mỗi ha tăng 2,7% lên 5,96 tấn.
Philippine. Siêu bão Mangkhut mới đây đã gây thiệt hại khoảng 250.730 tấn lúa của Philippines, cao hơn 60% so với mức dự kiến của Bộ Nông nghiệp nước này, và điều đó khiến cho tình hình thị trường lúa gạo Philippines càng thêm căng thẳng, bởi ngay cả trước khi bão xảy ra, giá gạo đã tăng rất mạnh trong thời gian dài. Bộ trưởng Nông nghiệp nước này cho biết sản lượng gạo năm nay chắc chắn sẽ không đạt mục tiêu 19,8 triệu tấn.
Do chính sách kiềm chế nhập khẩu của mấy năm qua nên nguồn cung tại nước này năm nay trở nên khan hiếm. Chính phủ Philippines đã tiến hành nhập khẩu gạo 500.000 tấn gạo để hạ nhiệt thị trường trong nước, nhưng do thời tiết xấu nên việc vận chuyển gạo để phân phối của Cơ quan Lương thực Quốc gia (NFA) bị chậm trễ. Ngày 24/9/2018, Chính phủ Philippines quyết định nhập khẩu thêm 500.000 tấn gạo, ngoài khối lượng 250.000 tấn dự định sẽ mua thông qua hình thức đấu thầu tự do. Khối lượng bổ sung dự kiến sẽ cập cảng vào tháng 11/2018, trước khi mùa thu hoạch lúa chính của nước này bước vào giai đoạn cao điểm. Tư nhân nước này hàng năm được cấp phép nhập khẩu 805.200 tấn.
Indonesia. Nội bộ Indonesia đang mâu thuẫn về việc nhập khẩu gạo. Trong khi Bộ Nông nghiệp dự báo sản lượng tăng, và Giám đốc điều hành Cơ quan Hậu cần Quốc gia (Bulog) khẳng định không cần nhập khẩu gạo cho tới tháng 6/2019, thậm chí không cần sử dụng tới lượng gạo dự trữ trong kho của đơn vị này (Bulog dự tính dự trữ gạo của đơn vị hiện đạt 2,4 triệu tấn, dự kiến sẽ tăng lên 3 triệu tấn vào cuối mùa khô), thì Bộ trưởng Thương mại Enggartiasto Lukita lại yêu cầu nhập khẩu thêm gạo vì giá trong nước đang có xu hướng tăng lên.
Ngày 27/8/2018, Bộ trưởng Thương mại Indonesia, ông Enggartiasto Lukita cho biết, chính phủ quốc gia này đã tái khẳng định kế hoạch nhập khẩu 2 triệu tấn gạo trong năm nay để đảm bảo cân đối cung – cầu (quyết định nhập khẩu 2 triệu tấn gạo đã được đưa ra trong một cuộc họp giữa các bộ có liên quan Bulog hồi tháng 4/2018).
Tới thời điểm hiện tại, Chính phủ Indonesia đã nhập khẩu 1,4 triệu tấn gạo trong kế hoạch nhập 2 triệu tấn. Tuy nhiên, ngày 20/9/2008, Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonessia, ông Darmin Nasution cho biết, chính phủ đã hủy bỏ việc nhập khẩu 600.000 tấn gạo vì “các nước xuất khẩu không đảm bảo được tiến độ”.
Bangladesh. Sản lượng gạo vụ Boro (trồng vào mùa Hè) đạt 19,5 triệu tấn, cao hơn so với mục tiêu 19 triệu tấn, vì nông dân tăng diện tích trồng lúa khi thấy giá gạo lên cao. Năm ngoái, sản lượng gạo vụ Boro của nước này giảm hơn một nửa so với thông thường. Hiện Chính phủ Bangladesh vẫn tích cực thu mua lúa gạo nội địa để dự trữ. Kho dự trữ của Chính phủ nước này hiện có gần 1,3 triệu tấn.
Sau khi Chính phủ áp thuế 28% đối với gạo nhập khẩu để hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm vì sản lượng trong nước tăng, hoạt động nhập khẩu vào nước này sụt giảm đáng kể, giai đoạn tháng 7 – 8/2018 chỉ đạt 26.730 tấn. Trong tài khóa 2017-2018 (kết thúc vào tháng 6/2018), Bangladesh nhập khẩu 5,7 triệu tấn gạo. Còn tính từ đầu năm 2018 đến nay, lượng gạo nhập khẩu vào nước này đạt 1,3 triệu tấn.
Dự báo
Triển vọng giá gạo xuất khẩu sẽ vững hoặc tăng nhẹ trong tháng 10/2018 bởi thị trường xuất khẩu đang có nhiều tín hiệu tích cực. Mới đây nhất, Chính phủ Philippines đã công bố quyết định nhập khẩu thêm 500.000 tấn gạo, ngoài 250.000 tấn đang tiến hành thủ tục mở thầu mua.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhận định, xuất khẩu gạo sẽ sôi động trong những tháng cuối năm do thiên tai, sự thiếu hụt về nguồn cung trên thị trường nội địa… đang khiến cho nhiều nước nhập khẩu gạo phải tính tới việc nhập khẩu với khối lượng lớn trong những tháng tới.
Philippines vốn đã trong tình trạng lạm phát cao do giá gạo tăng từ nhiều tháng nay, mới đây lại bị bão Mangkhut gây thiệt hại không nhỏ tới sản lượng lúa. Ngoài ra, một số khách hàng truyền thống khác như Indonesia, Malaysia, Châu Phi… cũng đang lên kế hoạch nhập khẩu.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Trung Quốc vừa qua cũng đã làm việc với các doanh nghiệp ĐBSCL để tìm cơ hội hợp tác trong thương mại gạo, đáp ứng nhu cầu rất lớn của thị trường này. Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất trong số các thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm với 24,7% thị phần.
Ngoài ra, sản lượng lúa của Campuchia sụt giảm đáng kể do ảnh hưởng của lũ lụt liên tiếp từ cuối tháng 7 vừa qua có thể khiến xuất khẩu gạo nước này trong các tháng tới giảm sút, đây là cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cao cấp của Việt Nam tiếp cận các thị trường nhập khẩu truyền thống của Campuchia như Trung Quốc, Châu Âu để cung cấp nguồn thay thế.
Nghị định 107/2018 mới về xuất khẩu gạo mà Chính phủ vừa ban hành sẽ tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu các loại gạo cao cấp, gạo đặc sản đang có nhu cầu tiêu thụ lớn từ các thị trường như Trung Quốc, Cchâu Âu, châu Phi, Iraq, Cu Ba, Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất. Nghị định đã nới lỏng các quy định về kho chứa, cơ sở xay xát, chế biến lúa gạo cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng như đơn giản hóa thủ tục hải quan cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng.

Nguồn: Vinanet