Giá vàng thế giới chốt phiên cuối tuần qua giảm, nhưng vẫn ở mức trên 1.800 USD/ounce và ghi dấu tuần tăng thứ năm liên tiếp, khi sự lây lan dịch COVID-19 ở nhiều bang của Mỹ và nhiều nước khác làm tăng nhu cầu với các tài sản an toàn trong bối cảnh triển vọng kinh tế vẫn không chắc chắn.
Trong phiên giao dịch đầu tuần ngày 6/7, giá vàng thế giới đã tiến sát mức cao nhất trong gần 8 năm ghi nhận được vào tuần trước, giữa lúc số ca nhiễm COVID-19 mới tăng mạnh tiếp tục thúc đẩy nhu cầu đối với các tài sản an toàn, mặc dù thị trường chứng khoán khởi sắc và dữ liệu tích cực về lĩnh vực dịch vụ của Mỹ hạn chế đà đi lên của giá vàng. Kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay tăng 0,5%, lên 1.783,75 USD/ounce.
Giá vàng tiếp tục đi lên trong phiên 7/7 trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 tăng mạnh làm dấy lên hy vọng trong giới đầu tư rằng chính phủ các nước sẽ triển khai thêm các biện pháp chính sách tiền tệ phù hợp đồng thời đẩy tăng nhu cầu đối với tài sản an toàn. Khép phiên này, giá vàng giao ngay tăng 0,7% lên 1.796,08 USD/ounce.
Giá vàng thế giới đã vượt ngưỡng 1.800 USD/ounce phiên 8/7, mức cao nhất kể từ tháng 9/2011, khi các nhà đầu tư đổ dồn vào các kênh "trú ẩn an toàn", còn các ngân hàng trung ương "mạnh tay" tiến hành các biện pháp kích thích để ngăn chặn tác động kinh tế do dịch COVID-19 gây ra. Cụ thể, giá vàng giao ngay tăng 0,9% lên 1.811,01 USD/ounce.
Tuy nhiên sau đó, giá vàng giao tháng Tám đã giảm 1,9 USD, hay 0,1%, chốt phiên cuối tuần (10/7) ở mức 1.801,9 USD/ounce tại bộ phận Comex của Sàn giao dịch hàng hóa New York. Trước đó, vào lúc đóng cửa phiên giao dịch ngày 9/7, giá vàng cũng giảm nhưng vẫn ở mức trên 1.800 USD/ounce, khi số liệu cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu hàng tuần tại Mỹ vẫn trên 1 triệu đơn. Hợp đồng vàng giao tháng Tám được giao dịch nhiều nhất giảm 16,8 USD, hay 0,92%, xuống 1.803,8 USD/ounce.
Mặc dù giảm trong hai phiên cuối tuần, song tính chung cả tuần, giá vàng tăng khoảng 0,7% so với mức chốt phiên 2/7, phiên giao dịch cuối cùng của tuần trước do thị trường nghỉ lễ Ngày Độc lập. Giá vàng có tuần tăng thứ năm liên tiếp và tăng hơn 18% kể từ đầu năm.
Nhà phân tích tại FXTM, Lukman Otunuga, cho rằng vàng tăng sức hấp dẫn nhờ các yếu tố như triển vọng kinh tế trong trung và dài hạn không chắc chắn. Nhà phân tích này nhận định sau khi chạm mức cao kỷ lục trong chín năm, giá vàng có thể chứng kiến sự điều chỉnh mang tính kỹ thuật, xuống khoảng 1.780-1.765 USD/ounc, trước khi có được động lực mới nhờ tâm lý tránh rủi ro.
Các nhà phân tích cho rằng giá vàng tăng một phần do lãi suất trái phiếu của Mỹ tiếp tục giảm, khi nhà đầu tư ít hoặc không phải chịu chi phí cơ hội cho việc nắm giữ các tài sản không sinh lời như vàng. Lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm giảm trong tuần qua, xuống 0,619% trong phiên cuối tuần, một ngày sau khi rơi xuống mức thấp nhất kể từ ngày 24/4. Vàng cũng giữ được sức hấp dẫn nhờ những lo ngại các nỗ lực kích thích mạnh mẽ có thể gây sức ép lạm phát.
Theo các nhà phân tích tại Goldman Sachs, vàng chịu tác động từ hai yếu tố chính. Một là sự lo ngại khiến nhu cầu đầu tư tăng tại các thị trường phát triển và hai là sự phục hồi đang thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng ở các thị trường mới nổi. 
Các nhà phân tích tại Goldman Sachs cho rằng vàng đang có một môi trường lý tưởng, khi đà phục hồi tại Mỹ chậm lại do làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai, trong khi Trung Quốc, nước tiêu thụ vàng bán lẻ lớn nhất thế giới, đang phục hồi mạnh. Tình hình tại Mỹ cũng khiến đồng USD giảm, nhờ đó tăng sức mua vàng của những người tiêu dùng bên ngoài nước Mỹ.

 

Nguồn: Lê Minh/BNEWS (Tổng Hợp)