Theo Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản (Bộ NN&PTNT), trong tháng 5, xuất khẩu cá tra giảm mạnh tới 39% so với cùng kì năm ngoái xuống 106,6 triệu USD.

Giá cá tra nguyên liệu tại các tỉnh thuộc ĐBSCL trong tháng qua vẫn chững ở mức thấp, đạt quanh mức 18.000-18.200 đ/kg đối với cá tra loại I (700- 900g/con).

Các công ty lớn hầu như không bắt cá ngoài mà chủ yếu đang bắt trong hệ thống liên kết, các công ty nhỏ, đơn vị gia công bắt cá ngoài rất ít.
Thị trường vẫn diễn biến chậm do tình hình xuất khẩu vẫn ảm đạm với lượng đặt hàng mới yếu, lượng tồn kho cao cùng với giá xuất khẩu thấp.
Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản dự báo nếu trong quý III, tình hình dịch bệnh tại các nước đang là tâm dịch nằm trong tầm kiểm soát, hoạt động sản xuất, kinh doanh mở cửa trở lại thì xuất khẩu cá tra mới có cơ hội phục hồi trở lại.
Tại thị trường EU, nơi được kì vọng xuất khẩu thủy sản sẽ tăng trưởng nhờ hiệp định EVFTA, được dự báo sẽ tiếp tục khó khăn nói riêng đối với mặt hàng cá tra.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản, tháng 5, EU đã chuẩn bị kịch bản cho một cuộc suy thoái kinh tế lịch sử diễn ra trong năm nay.
Dự báo nền kinh tế khu vực đồng euro sẽ sụt giảm ở mức kỷ lục khoảng 7,75% vào năm 2020, tất cả mọi lĩnh vực đều khó có thể vực dậy.
Điều này dự báo cũng tác động lên hoạt động xuất khẩu cá tra sang EU trong năm nay, nhiều khả năng, giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam sang khu vực này sẽ còn tiếp tục giảm trong các tháng tới.
VASEP cho biết tính đến nửa đầu tháng 5/2020, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường EU đạt 53,4 triệu USD, giảm gần 36% so với cùng kì năm trước.
Trước tình khó khăn ở các thị trường xuất khẩu, ngành cá tra đẩy mạnh việc tiêu thụ ở thị trường trong nước.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Năm 2020 là một năm với nhiều khó khăn đối với cả doanh nghiệp xuất khẩu và người nông dân nuôi cá tra ở ĐBSCL nhưng cũng có thể coi là năm cột mốc đẩy mạnh mẽ tiêu thụ sản phẩm này tại thị trường nội địa.
Để thực hiện điều này, doanh nghiệp sản xuất, chế biến cá và các hãng bán lẻ đã kí kết hợp tác tiêu thụ ở thị trường nội địa.
Trong đó có Công ty IDI và Big C (Central Group); Tập đoàn Massan và Tập đoàn Nam Việt; Công ty Xuyên Việt và Big C; Công ty Hùng Cá và Hiệp hội nông nghiệp Bắc Ninh.

Nguồn: Kinh tế và Tiêu dùng