Theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ tháng 8/2019 tiếp tục tăng trưởng tốt, tăng 14,5% so với tháng 7/2019 và tăng 28,6% so với tháng 8/2018, đạt 6,29 tỷ USD, nâng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này trong 8 tháng đầu năm 2019 lên 39,26 tỷ USD, tăng 27,4% so với cùng kỳ năm 2018.
Nhóm hàng dệt may đứng đầu về kim ngạch, với 9,95 tỷ USD, chiếm 25,3% trong tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Mỹ, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước; điện thoại các loại và linh kiện đứng thứ 2 về kim ngạch đạt 6,16 tỷ USD, chiếm 15,7% trong tổng kim ngạch, tăng 74,3%; tiếp đến nhóm hàng giày dép đạt 4,35 tỷ USD, tăng 14,2%, chiếm 11%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 3,45 tỷ USD, tăng 88,4%, chiếm 8,8%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 3,18 tỷ USD, tăng 33%, chiếm 8,1%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng 2,95 tỷ USD, tăng 45,9%, chiếm 7,5%.
Trong 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu phần lớn các loại hàng hóa sang Mỹ tăng kim ngạch so với cùng kỳ năm 2018; trong đó nhóm dây điện và dây cáp điện tăng rất mạnh nhất 245,9%, đạt 188,47 triệu USD; nhóm sản phẩm mây, tre, cói và thảm cũng tăng mạnh 97%, đạt 86,35 triệu USD; giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 79,9%, đạt 138,82 triệu USD; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày tăng 62,5%, đạt 43,06 triệu USD.
Tuy nhiên, xuất khẩu sắt thép sang Mỹ giảm mạnh nhất 52%, đạt 257,46 triệu USD; cà phê cũng giảm 28,9%, đạt 176,03 triệu USD; hạt điều giảm 22,4%, đạt 685,26 triệu USD.
Các chuyên gia cho rằng, XK của Việt Nam vào thị trường Mỹ vẫn còn rộng mở, cần có các giải pháp hợp lý để duy trì XK bền vững vào thị trường này.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, kể từ khi Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Mỹ (BTA) có hiệu lực, kim ngạch XNK giữa Việt Nam và Mỹ liên tục tăng trưởng ổn định và ở mức cao, tăng từ 220 triệu USD năm 1994 (thời điểm Mỹ chính thức xóa bỏ lệnh cấm vận kinh tế đối với Việt Nam) lên 1,4 tỷ USD vào năm 2001 (là thời điểm trước khi Hiệp định Thương mại BTA có hiệu lực) và đạt 58,8 tỷ USD vào cuối năm 2018.
Sự chuyển dịch mạnh mẽ của chuỗi cung ứng toàn cầu thời gian gần đây đã giúp Việt Nam có bước nhảy vọt từ vị trí thứ 12 trong năm 2018 lên vị trí thứ 9 ngay trong đầu năm 2019. Đồng thời, Việt Nam cũng trở thành thị trường lớn thứ 27 và là đối tác thương mại lớn thứ 16 của Mỹ.
Hoạt động XNK giữa Việt Nam và Mỹ có nhiều thuận lợi nhờ tính chất bổ trợ của hai nền kinh tế. Mỹ có nhu cầu NK lớn những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng hoặc những sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh dựa trên điều kiện kinh tế tự nhiên thuận lợi, lợi thế về nhân công trong nhiều lĩnh vực như dệt may, da giày, máy móc thiết bị điện tử... Ở chiều ngược lại, Việt Nam có nhu cầu NK lớn nhiều loại máy móc, thiết bị công nghệ cao, thiết bị hàng không, viễn thông, các sản phẩm nông nghiệp phục vụ đầu vào cho hoạt động sản xuất để đáp ứng tốc độ tăng trưởng cao và sự mở rộng nhanh chóng của nền kinh tế.
Nhận định về cơ hội XK hàng hoá vào thị trường Mỹ, ông Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế- xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, trong giai đoạn hiện tại, các DN Việt Nam có cơ hội khai thác các “lỗ hổng” thương mại của hàng Trung Quốc tại thị trường Mỹ do tác động của chiến tranh thương mại. Cụ thể, DN Việt Nam có thể gia tăng XK vào Mỹ ở 12 nhóm hàng thực phẩm chế biến như thịt, động vật giáp xác, rau quả... Ngoài ra, một số sản phẩm dệt may có mức thuế không cao và thị phần không nhiều tại thị trường Mỹ như hàng dệt kim, vải thêu ren, vải chần sợi cũng đang có cơ hội tại thị trường này.
Là ngành hàng đang khai thác khá tốt thị trường Mỹ, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (Hawa) cho biết, hiện Mỹ chiếm hơn 40% thị phần XK của toàn ngành gỗ. Mẫu mã và sản phẩm Việt Nam ở mức trung bình nên rất phù hợp với thị trường Mỹ (giá cả và chất lượng vừa phải), trong khi thị trường châu Âu (cái nôi sản xuất đồ gỗ) rất khó khăn cho các DN gỗ Việt.
Dù có nhiều lo ngại về xu hướng bảo hộ tại thị trường Mỹ nhưng ông Nguyễn Hồng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu- châu Mỹ cho rằng Mỹ vẫn luôn dẫn đầu về độ mở cửa thị trường, cạnh tranh, thu hút đầu tư và tự do hoá thương mại. Hiện mức thuế NK của Mỹ bình quân là 10%, thấp hơn nhiều so với mức thuế NK của Nhật Bản, Trung Quốc và EU. Hiện Mỹ là thị trường XK dẫn đầu của Việt Nam với mức tăng trưởng XK lên tới 37%. Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng này thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Việt Nam là rất lớn. Điều này đang tạo sức ép khá lớn cho Chính phủ và các bộ, ngành. Để giảm thâm hụt thương mại với thị trường Mỹ, chúng ta không thể giảm XK mà phải tăng NK vào thị trường này để thu hẹp khoảng cách.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương cũng kêu gọi và khuyến khích các DN chủ động nghiên cứu NK từ Mỹ các hệ thống máy móc, thiết bị, công nghệ cao phù hợp phục vụ sản xuất, XK. Sản xuất và XK đi Mỹ bằng chính công nghệ và nguồn nguyên liệu NK từ Mỹ, gắn với xây dựng chuỗi cung ứng khép kín sẽ là bước đi chắc chắn, nhanh và hiệu quả nhất cho DN. Với tốc độ tăng trưởng GDP trung bình gần 7%/năm, dân số gần 100 triệu người, nhu cầu tiêu dùng không bị chi phối bởi lý do tôn giáo và có sự ưu ái đối với các sản phẩm “Made in USA”, Việt Nam được dự báo sẽ là thị trường đầy tiềm năng cho các công ty của Mỹ hoạt động trên tất cả các lĩnh vực như văn hóa, y tế, giáo dục, viễn thông, hàng không, tài chính, ngân hàng, phân phối bán lẻ, nông nghiệp, hay ở các lĩnh vực mới như kinh tế số, năng lượng tái tạo.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, 2019, ngành dệt may đặt mục tiêu kim ngạch XK đạt 39,5 - 40 tỷ USD, trong đó, thị trường Mỹ chiếm khoảng 40% tổng kim ngạch XK của ngành dệt may. Để giảm thâm hụt thương mại từ thị trường Mỹ, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, ngành dệt may đang tích cực NK bông của Mỹ về sản xuất vải. Việc thúc đẩy tiêu thụ bông của Mỹ tại Việt Nam không chỉ giúp tạo ra sự ổn định về chất lượng sợi và tạo ra nền tảng phát triển nền công nghiệp sản xuất sợi của Việt Nam mà còn góp phần thúc đẩy việc XK hàng dệt may Việt Nam vào thị trường Mỹ. Nâng cao tỉ lệ sử dụng bông Mỹ trong ngành dệt may Việt Nam đồng nghĩa với việc người tiêu dùng Mỹ sẽ được sử dụng các sản phẩm có chỉ số cotton cao và sản phẩm XK của Việt Nam sang Mỹ sẽ có hàm lượng bông Mỹ nhiều hơn. Do vậy, việc tăng cường hợp tác giữa các nhà sản xuất bông của Mỹ và các DN dệt may Việt Nam sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho cả hai bên. Hiện nay, tuy tỷ lệ NK bông Mỹ của Việt Nam đã đạt mức trên 50% tổng sản lượng NK bông vào Việt Nam nhưng Hiệp hội Dệt may Việt Nam vẫn mong muốn có thể NK bông Mỹ nhiều hơn nữa. Để làm được điều này. Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã nhiều lần kiến nghị Hiệp hội Bông Mỹ cần có kiến nghị với Chính phủ Mỹ có chính sách để các DN Mỹ đầu tư tổng kho bông tại Việt Nam. Nếu làm được điều này sản lượng bông của Mỹ bán tại thị trường Việt Nam có thể tăng lên gấp 2, gấp 3 lần so với hiện nay, từ đó ngành nông nghiệp Mỹ phát triển mạnh hơn và các DN Việt Nam cũng sẽ có nguồn cung bông ổn định hơn với thời gian giao hàng nhanh hơn.

Xuất khẩu sang Mỹ 8 tháng đầu năm 2019

 ĐVT: USD

Nhóm hàng

Tháng 8/2019

+/- so với tháng 7/2019(%)

8 tháng đầu năm 2019

+/- so với cùng kỳ năm trước (%)

Tổng kim ngạch XK

6.291.001.806

14,52

39.259.903.653

27,41

Hàng dệt, may

1.470.878.532

0,63

9.951.695.141

9,19

Điện thoại các loại và linh kiện

1.282.650.059

84,06

6.162.985.561

74,28

Giày dép các loại

595.628.444

3,94

4.346.958.654

14,18

Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện

595.289.985

5,32

3.454.281.325

88,42

Gỗ và sản phẩm gỗ

484.235.489

6,79

3.184.856.896

33,03

Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác

473.801.487

13,67

2.954.750.209

45,93

Hàng hóa khác

276.815.591

7,15

1.841.355.863

 

Phương tiện vận tải và phụ tùng

170.833.000

-5,89

1.103.230.997

29,99

Túi xách, ví,vali, mũ và ô dù

155.674.616

0,63

1.075.370.373

27,23

Hàng thủy sản

152.522.559

-0,07

955.103.964

-2,83

Hạt điều

99.303.740

-6,25

685.262.671

-22,41

Sản phẩm từ sắt thép

65.449.068

22,03

443.394.432

47,45

Đồ chơi, dụng cụ thể thao và bộ phận

106.823.386

59,33

420.384.565

39,91

Sản phẩm từ chất dẻo

64.305.634

3,84

415.303.809

32,7

Kim loại thường khác và sản phẩm

34.751.163

-22,9

294.389.143

28,95

Đá quý, kim loại quý và sản phẩm

50.108.239

63,12

266.924.466

4,42

Sắt thép các loại

14.064.027

-30,35

257.455.214

-52,07

Dây điện và dây cáp điện

38.074.397

23,6

188.471.167

245,88

Cà phê

13.601.468

-11,43

176.031.940

-28,92

Giấy và các sản phẩm từ giấy

19.768.463

6,86

138.820.266

79,87

Vải mành, vải kỹ thuật khác

15.071.262

-0,46

136.993.233

10,67

Sản phẩm từ cao su

16.605.360

-4,65

121.506.191

27,81

Hạt tiêu

12.345.528

9,78

100.837.594

-10,46

Hàng rau quả

15.623.740

12,9

99.568.485

14,46

Sản phẩm mây, tre, cói và thảm

12.364.455

-9,89

86.354.295

96,99

Sản phẩm gốm, sứ

6.293.431

-9,86

59.813.550

18,04

Máy ảnh, máy quay phim và linh kiện

7.297.057

9,55

54.158.807

34,24

Bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc

6.935.351

9,22

44.376.219

23,88

Nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày

6.349.729

6,26

43.056.832

62,5

Thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh

6.066.651

0,48

41.511.204

-3,54

Xơ, sợi dệt các loại

4.314.092

-18,52

38.827.992

31,62

Cao su

3.850.227

-32,16

27.281.637

-0,91

Hóa chất

3.504.586

-36,01

26.565.297

26,07

Thức ăn gia súc và nguyên liệu

4.806.997

0,9

26.244.029

-2,95

Sản phẩm hóa chất

2.840.536

-17,75

23.515.301

11,54

Gạo

1.168.811

7,23

7.153.827

-13,38

Chè

984.644

31,13

5.112.503

3,33

 (*Tính toán từ số liệu của TCHQ) 

Nguồn: Vinanet