7 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản ước gần 39,5 tỷ USD; trong đó xuất khẩu ước đạt 22,3 tỷ USD, giảm 2,8% so cùng kỳ năm 2019; nhập khẩu ước khoảng 17,2 tỷ USD, giảm 4,6%; xuất siêu gần 5,2 tỷ USD, tăng 3,8%.
Riêng lĩnh vực thủy sản, giá trị xuất khẩu đã có sự phân hóa rõ rệt giữa hai mặt hàng tôm và cá tra. Tính chung 7 tháng, xuất khẩu tôm thu về gần 2 tỷ USD (tăng 12,1%), trong khi cá tra đạt 828 triệu USD (giảm 26,9%).
Trong tháng 6/2020, XK tôm Việt Nam đạt 349,9 triệu USD, tăng 19,2% so với tháng 6/2019. Đây là mức tăng trưởng tốt nhất kể từ tháng 3/2020. Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, XK tôm đạt 1,5 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn tiếp diễn ở các thị trường chính.
Đáng chú ý, XK tôm Việt Nam sang hai thị trường chủ chốt là Mỹ và Trung Quốc trong tháng 6 vẫn ghi nhận mức tăng trưởng tích cực và dự kiến XK tôm Việt Nam sang các thị trường này vẫn tăng trưởng tốt trong những tháng tiếp theo.
Trung Quốc vẫn tiếp tục là thị trường lớn nhất với kim ngạch đạt gần 5,4 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2019 và chiếm 24,1% thị phần. Tiếp đến là Mỹ, trị giá ước 5,2 tỷ USD, tăng 9,5% và chiếm 23,1% thị phần; xuất khẩu sang châu Âu ước 2,2 tỷ USD, giảm 2,7% và chiếm 9,9% thị phần; Nhật Bản đạt gần 1,9 tỷ USD, giảm 0,1% và chiếm gần 8,6% thị phần...
Sáu tháng đầu năm nay, tôm chân trắng chiếm 70,1% tổng XK tôm của Việt Nam, tôm sú chiếm 18,2%, còn lại là tôm biển. Tổng giá trị XK tôm chân trắng tăng 11% trong khi XK tôm sú giảm 15%. XK tôm chân trắng chế biến (mã HS 16) và tôm chân trắng sống/tươi/đông lạnh (mã HS 03) tăng lần lượt 18% và 6%. XK tôm sú chế biến khác (HS16) tăng 32% trong khi XK tôm sú sống/tươi/đông lạnh (HS03) giảm 18%. XK tôm biển khô (HS 03) tăng mạnh nhất 100%. Trong thời điểm xảy ra dịch Covid-19, XK tôm chân trắng có giá hợp lý tăng tốt hơn tôm sú, các sản phẩm tôm đã qua chế biến được tiêu thụ nhiều hơn so với sản phẩm tươi/sống/đông lạnh.
Trái ngược với Tôm, cá tra vẫn trong tình trạng gặp khó, theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), 6 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra sụt giảm tại hầu hết các thị trường mà nguyên nhân chính là do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong tháng 6 của nước ta tiếp tục giảm 10%, ước đạt 626 triệu USD. Trong đó mặt hàng có giá trị giảm sâu nhất là cá tra với 31% so cùng kỳ.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), liên tục nhiều tháng nay, cá dưới ao càng lớn thì nông dân lại càng lo lắng. Bởi giá thành đã hơn 22 ngàn đồng, trong khi giá bán chỉ 17 ngàn, lại vắng người mua. Với cá trong ao, giờ thì phải 2, 3 ngày mới cho ăn 1 lần, thay vì đều đặn như trước. Đó là cách mà những hộ nuôi cá tra tự cứu mình. Còn ở doanh nghiệp, khi đầu ra bế tắc do Covid-19, họ cũng tự xoay bằng cách khai thác thị trường nội địa, nhất là phía Bắc. Tuy nhiên, thị trường gần 100 triệu dân cần có thời gian để chinh phục và cũng chỉ có thể giải quyết khoảng 10 – 15% tổng sản lượng cá tra. Thế nên, rất nhiều doanh nghiệp cũng đang chờ cứu. Đó là những chính sách thông thoáng hơn về vốn, để họ có thể thu mua tạm trữ cá tra ngay trong thời điểm này.

Đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có dấu hiệu lạc quan khi dịch Covid-19 bùng phát lần 2 và tăng mạnh tại các thị trường lớn như Mỹ, EU và Trung Quốc. Nếu giải pháp tự cứu và chờ cứu không còn khả thi, thì ngành hàng tỉ USD sẽ khó càng thêm khó. 

Tại Mỹ, giá trung bình của cá tra phi-lê đông lạnh nhập khẩu trong tháng 4-2020 là 2,86 USD/kg, thấp hơn 35,1% so với cùng kỳ năm 2019. Ðơn vị này dự báo nếu tình hình dịch bệnh tại các nước được kiểm soát, hoạt động sản xuất, kinh doanh mở cửa trở lại thì xuất khẩu cá tra mới có cơ hội phục hồi trở lại trong quý III.

Nguồn: VITIC