Các doanh nghiệp đang tích cực đẩy mạnh hoạt động sản xuất và xuất khẩu nhằm giảm bớt những tác động của dịch bệnh COVID-19 cũng như tiến tới các mục tiêu cao nhất trong năm nay.
Đáng chú ý, thặng dư thương mại của Việt Nam sau 10 tháng tăng kỷ lục, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm 2019.
Công nghiệp chế biến dẫn dắt tăng trưởng
Theo đại diện Bộ Công Thương, trong tháng Mười cả nước đã xuất khẩu được khoảng 26,7 tỷ USD, nâng con số xuất khẩu sau 10 tháng ước đạt 229,27 tỷ USD.
Đáng chú ý, dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19 song xuất khẩu 10 tháng qua vẫn giữ mức tăng trưởng 4,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước tăng 0,7%, chiếm gần 28,7% tổng kim ngạch xuất khẩu còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 6,5%, chiếm 71,3%.
“Đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh thương mại toàn cầu gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhiều nền kinh tế trong khu vực sụt giảm do tác động của dịch bệnh,” đại diện Bộ Công Thương thông tin.
Tuy nhiên, nhiều mặt hàng của Việt Nam đã chịu tác động trực tiếp của dịch bệnh COVID-19. Đơn cử, nhóm hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam chỉ thu về khoảng 20,3 tỷ USD, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong nhóm này, kim ngạch xuất khẩu thủy sản giảm 2,5%; rau quả giảm 12,5%; hạt điều giảm 3,4%; càphê giảm 0,7%; hạt tiêu giảm 15,2%; cao su giảm 4,2% và chè các loại giảm 5,6%.
Còn nhóm hàng công nghiệp chế biến, dù tiếp tục đóng góp chính vào tốc độ tăng trưởng chung song mức độ tăng không còn mạnh ở mức 2 con số như những năm trước.
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy tháng 10/2020 xuất khẩu nhóm công nghiệp chế biến đạt 22,53 tỷ USD, tăng 9% so với tháng 10/2019. Lũy kế 10 tháng, nhóm này đóng góp 194,37 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, nhiều mặt hàng chủ chốt như dệt may, da giày đã chứng kiến sự suy giảm cả cung lẫn cầu do tác động của dịch bệnh COVID-19.
Nhìn lại giai đoạn vừa qua, ông Cao Hữu Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho hay dịch COVID-19 đã khiến tình trạng hủy đơn hàng, giãn đơn hàng ngành may mặc rất nghiêm trọng trong quý đầu năm. Nhiều doanh nghiệp dệt may trong tập đoàn đã chứng kiến mức doanh thu giảm 20% trong quý 1/2020 và tiếp tục trượt giảm ở quý 2/2020.
“Cùng với tình trạng hủy đơn hàng là tình trạng giãn đơn hàng, các đơn hàng giao trong tháng 3 đều bị lùi xuống tháng 4, tháng 5. Với tình trạng hủy đơn hàng ngày càng lan rộng, áp lực về tài chính và lao động là rất lớn đối với doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2020,” ông Cao Hữu Hiếu nói.
Xuất siêu kỷ lục
Ở chiều ngược lại, trong tháng Mười cả nước đã chi khoảng 24,5 tỷ USD để nhập khẩu hàng hóa, máy móc thiết bị và hàng tiêu dùng… tăng 10,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung 10 tháng, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 210,55 tỷ USD, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2019 (cùng kỳ tăng 7,6%). Trong đó, kim ngạch nhập khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 77,38 tỷ USD, giảm 10,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 133,16 tỷ USD, tăng 7,8%.
- Cán cân thương mại sau 10 tháng:
“Trong tháng 10, kim ngạch nhập khẩu đã có xu hướng tăng lên so với cùng kỳ, cho thấy sản xuất bắt đầu phục hồi, các doanh nghiệp đã và đang chuẩn bị kế hoạch sản xuất phục vụ cho nhu cầu cuối năm,” đại diện Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) thông tin.
Với kết quả trên, 10 tháng năm 2020, cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục xuất siêu kỷ lục 18,72 tỷ USD, tăng gấp 2 lần so với với cùng kỳ năm 2019.
Chỉ còn 2 tháng nữa sẽ kết thúc năm 2020, vì vậy để hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu về xuất nhập khẩu, lãnh đạo Bộ Công Thương đã yêu cầu Lãnh đạo các đơn vị bám sát yêu cầu thực tiễn để tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đề nghị các đơn vị nắm bắt kịp thời tình hình thực tiễn, xác định rõ những vướng mắc, khó khăn cụ thể đối với từng ngành, lĩnh vực, từng doanh nghiệp và trên từng địa bàn để có biện pháp, đối sách cụ thể sớm khắc phục, tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.
Cùng với việc tăng cường công tác thông tin định hướng sản xuất, thông tin thị trường phục vụ xuất khẩu, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu cho biết Bộ Công Thương đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương. Đặc biệt là sử dụng hình thức điện tử để vượt qua những khó khăn do dịch bệnh và đa dạng hóa các hình thức xúc tiến thương mại.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng liên tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cơ chế quản lý chuyên ngành để tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp.
Đại diện Cục xuất nhập khẩu nhấn mạnh, với các mặt hàng nông sản, liên bộ Công Thương-Nông nghiệp sẽ họp bàn các giải pháp đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất quy mô lớn, gắn sản xuất với chế biến, thu mua, tiêu thụ, từ đó đẩy mạnh liên kết theo chuỗi giá trị, đem lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và người nông dân.
“Về lâu dài, việc đẩy mạnh xuất khẩu bên cạnh số lượng cần chú trọng về chất lượng, giá trị. Bộ sẽ phối hợp với các ngành để tạo ra các nguồn hàng có chất lượng cao, đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường, gia tăng giá trị sản phẩm,” ông Trần Thanh Hải nói./.
Đức Duy (Vietnam+)