Gần một nửa dân số toàn cầu bị hạn chế đi lại nhưng họ vẫn mua hàng trực tuyến. Điều này có nghĩa là các chuỗi cung ứng vẫn tiếp tục phải hoạt động.
Theo Forbes, nhiều hãng hàng không đã phải huỷ đến 90% các chuyến bay đã lên lịch trình vì Covid-19. Thông thường, doanh thu từ vận chuyển hàng hoá chỉ đóng góp 10-15% cho các hãng hàng không chuyên chở khách. Tuy nhiên, với lượng hành khách rất ít hiện tại và chưa biết khi nào nhu cầu đi lại mới phục hồi, máy bay của các hãng đang có rất nhiều chỗ trống cho hàng hoá. Giải pháp là các hãng đang bắt đầu đưa máy bay chở khách đi chở hàng.
Virgin Atlantic tuần này đã khai thác chuyến bay chỉ chở hàng hoá đầu tiên và các hãng khác đã làm theo. Họ không chỉ chở hàng hoá dưới khoang hầm, mà còn đưa cả lên khoang hành khách.
American Airlines vừa bay chuyến chỉ chở hàng đầu tiên kể từ năm 1984. British Airways, Lufthansa, Emirates và United cũng chuyển đổi một số chuyến bay sang chỉ chở hàng.
Tại Việt Nam, lần đầu tiên trong lịch sử, Vietnam Airlines có những chuyến bay chở hàng thuần tuý sau khi phải giảm mạnh bay chở khách nội địa và quốc tế vì Covid-19. Nửa tháng nay, hãng có 45 chuyến chỉ chở hàng từ Hà Nội, TP HCM đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hong Kong, Singapore, Malaysia và Thái Lan bằng máy bay Boeing 787-9, Airbus A350. Vietnam Airlines cho biết, với sản lượng đạt 20-25 tấn mỗi chiều, hệ số sử dụng tải đạt 95-100%.
Một số hãng khác cũng có đội bay để chở hàng riêng biệt nhưng nó chỉ bằng một phần nhỏ máy bay chở khách. Qatar Airways chỉ có 28 máy bay chở hàng trong đội bay 243 chiếc, British Airways có 3 chiếc Boeing 747 chở hàng trong đội bay 282 chiếc.
Hầu hết hãng bay Mỹ không có máy bay chở hàng nên phải tối ưu chỗ trống trên máy bay chở khách. Trong khi đó, những hãng chỉ chở hàng như CargoLux, Atlas Air, FedEx và DHL đang có thêm máy bay từ những hãng này.
Theo Bloomberg, vài tuần gần đây, lượng hàng hoá đường hàng không đã tăng 10%. Đồng thời, cước chở hàng bằng máy bay cũng lên cao. Theo Telegraph, giá gửi hàng bằng máy bay từ Thượng Hải (Trung Quốc) đến sân bay Heathrow (Anh) tăng hơn 35% trong tuần trước.
Do nhu cầu thiết bị y tế tăng mạnh, giá bay thuê chuyến chở hàng cũng tăng phi mã. "Giá bay thuê chuyến đã tăng lên đến 600.000 - 800.000 USD vài ngày qua. 4 - 6 tuần trước ngày trước, giá chỉ dưới 300.000 USD", Anthony Lau, chủ tịch và sáng lập công ty logistics của Cathay Pacific cho biết. Ông cho rằng đây là một sự điên rồ.
Với nhu cầu cao, Vietnam Airlines cho biết, tháng tới, dự kiến có 150 chuyến bay chuyên chở hàng giữa Hà Nội - TP HCM và từ Nha Trang, Cần Thơ đi Hà Nội. Trên mạng quốc tế, hãng khai thác hơn 130 chuyến bay chuyến chở hàng hóa đi các thị trường Đông Bắc Á, Đông Nam Á, châu Âu và Australia.
Từ năm 2009, Delta Air Lines không khai thác các chuyến bay chở hàng thường lệ. Tuy nhiên, hãng này vừa ra mắt chặng chuyên chở hàng Thượng Hải (Trung Quốc) - Detroit (Mỹ) bằng máy bay A350, với tần suất 3 chuyến mỗi tuần để đáp ứng nhu cầu cao về vật tư y tế tại
Việc đẩy mạnh khai thác đội tàu bay chở hàng giúp hạn chế tình trạng tàu bay "nằm đất", tối ưu hóa nguồn lực sẵn có và đóng góp một phần doanh thu.
Anh Tú
 

Nguồn: VnExpress