Bất cứ một nhãn hàng nào từ nước ngoài khi muốn thâm nhập thị trường Việt Nam đều phải tìm hiểu về tâm lý, thói quen tiêu dùng cũng như phương thức thanh toán mà người dân ưa thích. Từ đó mới có thể xây dựng những chiến lược phù hợp nhằm kinh doanh hiệu quả, thậm chí thay đổi thói quen vốn có qua nhiều thế hệ này.

Hiện nay các mặt hàng tiêu dùng nhanh, phương tiện giao thông và hình thức thanh toán là những sản phẩm, dịch vụ được sử dụng nhiều nhất.

Mới đây, các nhân sự cấp cao của các thương hiệu nổi tiếng trong từng lĩnh vực là Mastercard, Uber và Coca Cola đã nói lên quan điểm của mình cũng như cách thức của họ trong việc thay đổi thói quen người tiêu dùng Việt Nam.

Bà Trần Thanh Thủy, giám đốc marketing của Mastercard Việt Nam:

“Việt Nam là một thị trường vô cùng tiềm năng nhưng cũng rất nhiều thách thức. Đặc biệt, thói quen dùng tiền mặt của người Việt được hình thành từ thế hệ này sang thế hệ khác nên đã ăn sâu vào tư tưởng của mọi người, do đó rất khó có thể thay đổi trong một thời gian ngắn.

Tuy nhiên, rất may mắn là hiện nay những người trẻ có cơ hội tiếp cận với nền kinh tế tài chính hiện đại hơn, do đó thói quen dùng thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, visa cũng vì thế mà tăng lên. Chúng tôi hy vọng trong tương lai tỷ lệ dùng tiền mặt tại Việt Nam sẽ giảm xuống để nhường chỗ cho phương thức thanh toán điện tử an toàn và tiện lợi hơn.”
Anh Douglas Ma, Giám đốc phát triển thương hiệu của Uber tại Việt Nam:

"Vấn đề khó nhất đối với Uber hiện nay là thay đổi thói quen từ đi xe máy thành sử dụng ô tô. Douglas nhận thấy ngoài yếu tố về con người còn tồn tại những ngoại cảnh khiến người dân khó thay đổi như giá ô tô cao do thuế nhập khẩu, cơ sở hạ tầng chưa đủ để đáp ứng nhu cầu đi lại bằng ô tô.

Khiến người dân di chuyển bằng ô tô đã khó, mong muốn họ sử dụng smartphone để sử dụng ô tô của hãng còn khó hơn. Tuy vậy, Douglas vẫn vô cùng lạc quan khi Việt Nam là một thị trường tiếp nhận và thích nghi rất tốt với những điều mới lạ.

Việc sử dụng những ứng dụng trên smartphone đối với người Việt, đặc biệt là những người trẻ tuổi nên Uber có quyền kì vọng vào thời gian tới sẽ cải thiện được độ phủ sóng, tình hình kinh doanh cũng vì thế sẽ dần tốt lên."

Bà Phạm Nhã Uyên, giám đốc marketing của Coca Cola Việt nam:

“Khi bước đầu thâm nhập vào thị trường Việt Nam chúng tôi gặp khó khăn từ những thương hiệu trong nước. Người dân đã quen với việc sử dụng các mặt hàng này nên khoảng thời gian đầu phải mất rất nhiều công sức mới có thể khiến Coca Cola trở thành sản phẩm được tiêu thụ nhiều như hiện nay.

Chúng tôi phải cảm ơn những tài năng của Việt Nam đã giúp chúng tôi rất nhiều trong việc thấu hiểu thói quen cũng như tâm lý người tiêu dùng tại đây, qua đó mới có thể xây dựng chiến dịch marketing phù hợp và hiệu quả”.

Theo Trí Thức Trẻ

Nguồn: Trí Thức Trẻ