Chen Yan, một nhân viên văn phòng ở thành phố Thiều Quan, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, đã phải lắp camera giám sát để theo dõi con trai học tập ở nhà, khi trường học trong tỉnh bị đóng cửa để đề phòng Covid-19 lây lan. Nhưng mỗi lần mở camera, người mẹ này lại muốn "bốc hỏa", khi con trai làm đủ mọi thứ ở nhà, ngoại trừ nghe giảng.
"Tôi còn không nghe được một câu trọn vẹn từ bài giảng của giáo viên, vì tốc độ Internet quá chậm", Chen giải thích khi thấy con trai đang ngủ gật trước màn hình máy tính. "Tôi đoán giáo viên cũng không thể biết được con tôi có nghe giảng trong giờ học hay không".
Cũng như Chen, hàng triệu phụ huynh Nhật Bản, Trung Quốc đại lục và Hong Kong đang đau đầu với bài toán con nghỉ học khi các trường đều đóng cửa ít nhất tới tháng 4 nhằm ngăn Covid-19.
Nhiều trường học ở Hong Kong đang đối mặt với áp lực trả lại học phí khi học sinh phải nghỉ học ở nhà. Tất cả trường học ở đặc khu này bắt đầu đóng cửa từ cuối tháng 1 và dự kiến chỉ đón học sinh tới lớp vào ngày 20/4.
"Con tôi đang la hét ở nhà", nhân viên bảo hiểm Jade Yang ở Hong Kong cho biết khi nghe tin chính quyền đặc khu quyết định đóng cửa trường học ít nhất đến 20/4. "Thêm vài tuần nữa là nó sẽ phát điên".
Jackie Yang, một chuyên viên kiểm soát rủi ro cho ngân hàng ở Hong Kong, cũng có chung tâm trạng, khi phải kèm con học giữa lúc công việc chất đống. "Hòm thư tràn ngập, danh sách việc cần làm ngày càng dài, trong khi các con không để tôi yên chút nào", Yang nói.
"Tôi ngán đến tận cổ rồi", cô bày tỏ. "Hãy tưởng tượng xem, cứ mỗi phút lại có một đứa hét lên 'Mẹ, con không biết đăng nhập vào máy tính', 'Mẹ, in cái này ra cho con'". Theo thông báo của chính quyền Hong Kong, học sinh nước này sẽ bỏ lỡ ít nhất 13 tuần học để ngăn Covid-19.
Ngày 27/1, chính phủ Nhật Bản cũng ra thông báo tương tự, yêu cầu tất cả trường học đóng cửa hai tuần để kiểm soát dịch. Thủ tướng Shinzo Abe cho rằng hai tuần này là thời gian quan trọng để kiểm soát sự lây lan của nCoV và "ngăn chặn nguy cơ học sinh và giáo viên bị nhiễm bệnh khi tập trung đông ở trường suốt nhiều giờ mỗi ngày". Tuy nhiên, một số trường có thể lựa chọn duy trì hoạt động hoặc trì hoãn thời điểm đóng cửa.

Một trường tiểu học bị đóng cửa ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản hôm 27/2. Ảnh: AP.

Trên mạng xã hội, nhiều phụ huynh đã chỉ trích quyết định trên vì cho rằng họ phải nghỉ làm ở nhà trông con. Tuy nhiên, chính phủ Nhật cho biết sẽ trao đổi với các công ty để giải quyết vấn đề trên.
"Chúng tôi sẽ cố gắng thuyết phục các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp tư nhân tạo điều kiện cho phụ huynh nghỉ ở nhà", Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nói trong buổi họp báo ngày 28/2.
Nhiều cơ quan và doanh nghiệp ở cả Hong Kong và Nhật Bản cho phép nhân viên làm việc ở nhà. Nhưng các phụ huynh cảm thấy rất khó khăn khi vừa phải hoàn thành việc của cơ quan, công ty, vừa phải kèm con học trực tuyến.
Singapore và Hàn Quốc chưa yêu cầu đóng cửa trường học, nhưng tiến hành kiểm tra sức khỏe, đo thân nhiệt cho học sinh, giáo viên và yêu cầu bố mẹ thường xuyên theo dõi tình hình của con ở nhà.
Một người mẹ có hai con gái, 3 và 7 tuổi, đã quyết định kéo dài chuyến về thăm quê ở Nhật Bản và dạy con học tại nhà, bởi trường học ở Hong Kong, nơi gia đình cô sống, đang đóng cửa vì dịch Covid-19. Tuy nhiên, chồng cô vẫn ở lại Hong Kong vì không muốn đến Nhật Bản và phải làm việc từ xa.
"Hai con tôi đã phải xa bố suốt một tháng rưỡi qua", cô nói.
Nhưng giờ, trường học Nhật Bản cũng thông báo đóng cửa vì nCoV, nên cô sẽ sớm trở lại Hong Kong. "Đó là quyết định bất ngờ từ chính phủ Nhật Bản. Chúng tôi quyết định trở về Hong Kong vào tuần tới. Bởi trường học ở đây cũng đóng cửa, tôi không còn lý do gì để ở lại trong khi phải sống xa chồng", cô cho biết cuối tuần trước.
Tuy nhiên, cô lo rằng ba mẹ con nhiều khả năng bị cách ly 14 ngày khi quay lại Hong Kong vào thời điểm này. Ngoài ra, tài chính cũng là vấn đề khiến cô đau đầu bởi trường quốc tế của con gái đầu và trường mẫu giáo của con gái út đều từ chối trả lại học phí, dù cô đã nhận lại 25% phí dịch vụ đưa đón hai con tới trường.
"Chúng tôi phải trả rất nhiều chi phí cho hoạt động ngoại khóa. Hầu hết hoạt động này đều được cho học bù, nhưng chúng tôi khó có thể được bồi hoàn tất cả. Điều đó khiến tôi thấy bực mình", cô chia sẻ.
Những đứa trẻ chơi ở công viên thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Reuters.
Mathew Mohrbach, giáo viên Trường Quốc tế Mỹ ở Hong Kong, ủng hộ quan điểm không trả lại học phí bởi "việc học không dừng lại" ngay cả khi trường học đóng cửa.
"Chúng tôi chưa bỏ lỡ một tiết học nào và giáo viên đang dạy đủ số bài học thông qua các nền tảng chia sẻ video kết hợp dịch vụ Google Classroom (Lớp học Google). Chúng tôi vẫn tổ chức các buổi họp giáo viên hay họp tổ, đồng thời tổ chức các lớp học ngoại khóa cho học sinh có nhu cầu", Mohrbach nói.
Tại trường của Mohrbach, học phí cho khối lớp một đến lớp 4 là 168.000 đô la Hong Kong (khoảng 21.500 USD) và tăng dần qua các khối tiếp theo. Trong khi đó, Trường Quốc tế Anh Kellett có mức học phí tiểu học là 22.000 USD và tăng lên hơn 28.000 USD với cấp ba.
Chính quyền Hong Kong hôm 26/2 cho biết mỗi người dân sẽ nhận gần 1.300 USD tiền hỗ trợ cho khoảng thời gian giới chức thực hiện các biện pháp ngăn dịch Covid-19.
Trường công và trường tư ở Hong Kong đang áp dụng chương trình học trực tuyến và dạy học qua email, theo Ruth Benny, người điều hành công ty tư vấn giáo dục ở Hong Kong. Nhưng lo lắng chương trình học bị gián đoạn, bà Benny đã đưa con gái đang học cuối cấp sang London, Anh để chuẩn bị cho kỳ thi đại học, vốn chỉ được lên kế hoạch vào những thời điểm cố định trong năm.
"Đó không phải là hành động nóng vội bởi năm học này đang bị gián đoạn nghiêm trọng", bà nói.
Với những phụ huynh không có điều kiện cho con du học nước ngoài như vậy, quãng thời gian trường học đóng cửa vì nCoV vẫn tiếp tục là một thử thách lớn. "Khi con bé học, tôi là giáo viên của nó", Ivan Au, một nhân viên bảo hiểm 48 tuổi ở Hong Kong, nói về việc ở nhà kèm cặp cô con gái 5 tuổi. "Khi nó chơi, tôi phải chơi với nó. Khi nó ngủ, tôi phải chuẩn bị đồ dùng học tập cho ngày hôm sau. Tôi không có chút thời gian nghỉ ngơi nào".

Nguồn: Thanh Tâm/VnExpres (Theo BBC, The Star)