Bán hàng đa cấp chân chính là một mô hình bán hàng hiện đại
Mô hình BHĐC xuất hiện tại thị trường Việt Nam vào đầu những năm 2000. Có thời điểm, cụm từ “bán hàng đa cấp” gắn liền với các công ty bán hàng kém chất lượng với giá cao, thậm chí huy động vốn theo hình thức đa cấp từ những người tham gia. Điều này khiến cho nhiều người có cái nhìn không thiện cảm về BHĐC. Chính vì vậy, người tiêu dùng thường có tâm lý tránh né, cảnh giác với những người bán hàng đa cấp hay những mặt hàng được bán qua kênh đa cấp. Tâm lý này gây ra nhiều khó khăn cho những công ty bán hàng đa cấp chân chính, thường lại là những công ty bán các sản phẩm chất lượng cao hoặc có những tính năng đặc biệt hơn sản phẩm thông thường. Trên thực tế là bán hàng đa cấp chỉ là một kênh bán hàng giống như bán hàng siêu thị, bán hàng qua điện thoại, bán hàng qua Internet, vv… Tuy nhiên, truyền thông đại chúng đã góp phần giúp mọi người được thông tin tốt hơn, phân biệt rõ ràng giữa bán hàng đa cấp chân chính và bán hàng đa cấp bất chính. Ngày nay thì đã có nhiều người biết được rằng bán hàng đa cấp chân chính chỉ đơn thuần là một mô hình bán hàng trực tiếp về bản chất khác xa hình thức đầu tư tiền ảo hay huy động vốn theo hình thức đa cấp.
Một số công ty bán hàng đa cấp lớn, bằng sự nỗ lực không ngừng, đã phần nào mang lại sự yên tâm cho người tiêu dùng về bán hàng đa cấp thông qua việc xây dựng nhà máy sản xuất hiện đại tại Việt Nam, cung cấp những sản phẩm uy tín và thực hiện tốt việc kinh doanh có trách nhiệm.
BHĐC là một hình thức kinh doanh hợp pháp
Mô hình BHĐC được công nhận là mô hình kinh doanh hợp pháp tại Việt Nam, chịu sự quản lý bởi pháp luật Việt Nam sau khi Luật Cạnh tranh ra đời vào cuối năm 2004 và Nghị định 110/2004/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành vào năm 2004. Hiệp hội BHĐC tại Việt Nam ra đời theo quyết định từ Bộ Công Thương vào tháng 3/2010 cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp được hoạt động hợp pháp.
Nhằm bảo vệ doanh nghiệp, người tham gia và người tiêu dùng, năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định 42/2014/NĐ-CP về quản lý hoạt động BHĐC, trong đó quy định rõ trách nhiệm và quyền lợi của những công ty và người tham gia vào mô hình BHĐC tại Việt Nam.
Những hành vi bị cấm trong hoạt động bán hàng đa cấp đối với doanh nghiệp và người tham gia cũng được quy định rõ ràng tại điều 5 của Nghị định với 23 khoản chi tiết. Một điểm dễ nhận biết và lưu ý nhất là kinh doanh theo phương thức đa cấp chỉ được thực hiện đối với hàng hóa. Mọi hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp với đối tượng không phải là hàng hóa (ví dụ dịch vụ hay đầu tư) đều bị cấm.
Khác với những ngành nghề khác, quyền đổi trả hàng hóa của khách hàng cũng được quy định rõ ràng trong luật nhằm đặt quyền lợi người tiêu dùng lên trên hết. Theo đó, tại Điều 26 - Nghị định 42/2014/NĐ-CP ghi rõ, khi người tham gia BHĐC có yêu cầu, doanh nghiệp BHĐC có trách nhiệm mua lại hàng hóa cho người tham gia BHĐC, bao gồm cả hàng hóa được bán theo chương trình khuyến mãi. Yêu cầu mua lại được thực hiện trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày người tham gia BHĐC nhận hàng. Tại một số công ty BHĐC có bộ quy tắc ứng xử riêng biệt như Amway, thời hạn này lên đến 45 ngày.
Công tác đào tạo được đặc biệt chú trong và quy định tại Điều 20- Nghị định 42/2014/NĐ-CP. Sau khi ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp, doanh nghiệp có trách nhiệm đào tạo và cấp chứng chỉ theo mẫu của Bộ Công Thương cho người tham gia bán hàng đa cấp sau khi hoàn thành chương trình đào tạo cơ bản. Trong đó, chương trình đào tạo cơ bản phải bao gồm những nội dung sau: pháp luật liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp; thông tin về hàng hóa được kinh doanh theo phương thức đa cấp; thông tin về doanh nghiệp, quy tắc hoạt động và chương trình trả thưởng của doanh nghiệp bán hàng đa cấp; các kỹ năng cơ bản để thực hiện hoạt động bán hàng đa cấp.
Bên cạnh những kiến thức nằm trong chương trình đào tạo cơ bản, người tham gia BHĐC còn được đào tạo kỹ càng về kiến thức sản phẩm để đảm bảo hiểu đúng, hiểu đủ, hiểu rõ về sản phẩm mình đang tiêu dùng và kinh doanh. Ngoài ra, người tham gia BHĐC còn được công ty đào tạo các kỹ năng mềm như: kỹ năng giao tiếp ứng xử, thuyết trình trong đám đông, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng bán hàng… Đối với những cấp bậc cao trong hệ thống kinh doanh đa cấp, người tham gia BHĐC còn có cơ hội được tham gia các khóa huấn luyện về lãnh đạo, giảng dạy, thương thuyết… Tiêu biểu trong ngành BHĐC với hệ thống huấn luyện được đầu tư bài bản và nghiêm túc, một công ty đầu ngành có cả hệ thống chương trình đào tạo từ huấn luyện sản phẩm, kỹ năng kinh doanh và cả các chương trình Quy tắc ứng xử. Hằng năm, công ty cung cấp hơn 125.000 lượt đào tạo cho nhà phân phối, hơn 1.300 giờ huấn luyện trực tiếp. Đồng thời, công ty này còn có hơn 100 giảng viên cộng tác tham gia để đưa "các lớp học ra thị trường" trên khắp cả nước. Trong tất cả các chương trình huấn luyện, doanh nghiệp này luôn chú trọng nội dung liên quan đến các quy định pháp luật, quy tắc ứng xử, và đạo đức kinh doanh cho nhà phân phối. Như vậy, khi doanh nghiệp làm tốt công tác đào tạo, mô hình bán hàng đa cấp mang lại lợi ích cho người tham gia bên cạnh cơ hội có thêm nguồn thu nhập bổ sung.
Có thể nói rằng, hiếm có ngành nghề nào cung cấp cho người kinh doanh khối lượng kiến thức khổng lồ, và ràng buộc cam kết tham gia đầy đủ, mới đảm bảo đủ điều kiện kinh doanh. Do đó, việc trở thành một người bán hàng đa cấp không phải đơn giản.
Đầu vào của bán hàng đa cấp khá mở, nhưng công việc đòi hỏi phải học tập liên tục. Trên thực tế chỉ những người thật sự chuyên tâm, có tinh thần ham học hỏi, có trách nhiệm với khách hàng của mình mới có thể trụ lại và sống được với nghề.
Nguồn: Cổng Thông tin điện từ Bộ Công thương