Cuộc họp diễn một ngày, sau khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc họp với các Bộ, ngành, yêu cầu cả hệ thống chính trị vào cuộc với những giải pháp hữu hiệu, không để người dân rơi vào vùng xoáy của dịch. Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh: "Sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân".
Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo và chuyên viên các Vụ Kế hoạch, Thị trường trong nước, Thị trường châu Á - châu Phi, Dầu khí và Than, Khoa học và Công nghệ; Tổng cục Quản lý thị trường, các Cục Xuất khập khẩu, Xúc tiến thương mại, Công nghiệp và Văn phòng Bộ.
Tại cuộc họp sáng 31/1, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ban Bí thư và Chỉ thị 05/CT-TTg của Thủ tướng về phòng chống dịch nCoV với tinh thần quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả. Đồng thời Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ khẩn trương nghiên cứu, đánh giá tổng quan và toàn diện hơn tác động của dịch nCoV đối với thị trường trong và ngoài nước trên cơ sở cập nhật các diễn biến, đưa ra các phân tích, dự báo những tác động lớn đến Việt Nam do dịch bệnh từ cấp độ thấp nhất đến cao nhất để đưa ra các giải pháp cụ thể hơn cả trong ngắn và dài hạn. Trong những đánh giá, phân tích, cần gắn với bối cảnh hội nhập, mở cửa thị trường hàng hoá, đồng thời, phải gắn với quá trình tái cơ cấu sản xuất, trong đó, giải pháp đưa ra phải bao gồm cả việc nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng của hàng hoá, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Trong quá trình nghiên cứu, đánh giá và đưa ra những giải pháp, các đơn vị cũng cần phân tích, đánh giá và phân định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành có liên quan để Bộ Công Thương tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo trong công tác phối hợp thực hiện. Ngoài việc lập tổ công tác xây dựng báo cáo, đánh giá tác động và đề xuất từng giải pháp đối phó với dịch viêm phổi cấp nCoV…, Bộ trưởng cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cá nhân, người đứng đầu các đơn vị.
Cụ thể, Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường: Phối hợp với đơn vị chức năng của Bộ Y tế đề nghị chỉ đạo các đơn vị sản xuất trong nước tăng cường sản xuất các dụng cụ sản phẩm y tế phục vụ cho việc phòng chống dịch, không để thiếu trang thiết bị phục vụ nhân dân.
- Phối hợp với Vụ Thị trường trong nước tổ các các đoàn kiểm tra về vấn đề cung ứng, phân phối các trang thiết bị y tế, khẩu trang không để các cơ sở bán hàng đầu cơ, trục lợi từ việc nhu cầu sử dụng tăng cao; có văn bản khẩn chỉ đạo các Cục quản lý thị trường địa phương tổ chức kiểm tra, nếu có hiện tượng trục lợi phải xử lý ngay.
- Chỉ đạo Cục quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết liệt triển khai công văn hoả tốc số 147/TCQLTT-CNV ngày 30/01/2020 về tăng cường phối hợp phòng, chống dịch bệnh viêm phổi cấp (Corona) và dịch tả lợn Châu Phi.
Đối với Vụ Thị trường trong nước, Bộ trưởng yêu cầu cần:
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường các hoạt động kết nối cung cầu để đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng tại thị trường trong nước trong đó cần tập trung hỗ trợ các mặt hàng nông, thủy sản từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
- Theo dõi sát diến biến cung cầu và giá cả các mặt hàng có thể mất cân đối cung cầu do dịch bệnh để đề xuất các giải pháp nhằm đảm bảo cân đối cung cầu.
- Theo dõi sát diễn biến của giá dầu thế giới do tác động của dịch bệnh để tham mưu điều hành giá mặt hàng xăng dầu phù hợp với kịnh bản điều hành giá của Chính phủ.
Bộ trưởng cũng yêu cầu Cục Xuất nhập khẩu:
- Theo dõi sát tình hình, diễn biến tại các cửa khẩu, thông báo kịp thời cho các doanh nghiệp, hiệp hội để có phương án thích hợp trong trường hợp hoạt động xuất nhập khẩu với Trung Quốc bị hạn chế hoặc tạm dừng để thực hiện các biện pháp chống dịch.
- Phối hợp với Cục Công nghiệp rà soát nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu để sản xuất khẩu trang tại các cơ sở sản xuất trong nước, đảm bảo nguyên vật liệu cho sản xuất tránh làm gián đoạn các hoạt động sản xuất cung cấp các mặt hàng thiết yếu cho việc phòng, chống dịch bệnh.
“Tôi đề nghị các đơn vị tiếp tục nghiên cứu sâu, đánh giá toàn diện tác động của dịch nCoV đối với cả thị trường trong và ngoài nước” – Bộ trưởng nói và chỉ rõ, cần đánh giá một cách tổng quan, toàn diện trên cơ sở cập nhật các diễn biến, đưa ra các phân tích, dự báo những tác động lớn đến Việt Nam do dịch bệnh từ cấp độ thấp nhất đến cao nhất để đưa ra các giải pháp cả trong ngắn và dài hạn.
“Trong bối cảnh hội nhập mới nhưng lại có dịch bệnh diễn biến phức tạp thì sẽ tác động như thế nào đến hoạt đông giao thương, trong đó có xuất, nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam?” – Bộ trưởng nêu câu hỏi và gợi ý, trong những đánh giá, phân tích, cần gắn với bối cảnh hội nhập, mở cửa thị trường hàng hoá, đồng thời, phải gắn với quá trình tái cơ cấu sản xuất, trong đó, giải pháp đưa ra phải bao gồm cả việc nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng của hàng hoá, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
“Đây là lúc chúng ta phải đẩy mạnh tái cơ cấu lại các ngành kinh tế” – Bộ trưởng nói và cho rằng, cùng với những giải pháp cấp bách trong ngắn hạn thì các đơn vị phải nghiên cứu đưa ra giải pháp ứng phó trong dài hạn ứng với từng kịch bản diễn biến của dịch bệnh.
Cũng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, việc tìm kiếm, mở rộng thị trường là cần thiết và trên thực tế Bộ Công Thương đã và đang tích cực triển khai, tuy nhiên, trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch nCoV thì trước hết cần tập trung vào những thị trường có tiềm năng và còn dư địa phát triển.
Đặc biệt, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, trong quá trình nghiên cứu, đánh giá và đưa ra những giải pháp ứng phó với dịch nCoV của ngành Công Thương, các đơn vị cũng cần phân tích, đánh giá và phân định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành có liên quan để Bộ Công Thương tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo trong công tác phối hợp thực hiện.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, dịch sẽ tiếp tục có diễn biến ngày càng phức tạp, khó dự đoán về thời điểm kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và sẽ gây ảnh hưởng trong ngắn hạn và dài hạn đến hợp tác thương mại, kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc ở 03 phương diện: (i) xuất khẩu các sản phẩm nông, thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc; (ii) giao lưu, trao đổi và giao dịch giữa doanh nghiệp hai nước; (iii) tiến trình thúc đẩy đàm phán mở cửa thị trường và tháo gỡ khó khăn đối với một số sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Trước đó, Cục Xuất nhập khẩu đã có văn bản gửi Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam đề nghị thông báo cho các doanh nghiệp logictics cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản ưu tiên cho thuê kho lạnh với mức giá ưu đãi tại thời điểm hiện nay. Cục đã đề nghị Thương vụ tại các nước hiện đã chính thức cho phép nhập khẩu thanh long (ruột trắng, ruột đỏ) của Việt Nam chủ động tổ chức làm việc, trao đổi với Hiệp hội và các doanh nghiệp nhập khẩu có uy tín ở nước sở tại để cung cấp thông tin và kết nối với các doanh nghiệp, cơ sở đóng gói xuất khẩu thanh long của tỉnh Long An nói riêng và của cả nước nói chung nhằm hỗ trợ tăng cường tiêu thụ và xuất khẩu, giảm bớt sự phụ thuộc vào một thị trường.

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ công Thương