Thời gian vừa qua, trên địa bàn cả nước đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm do sử dụng rượu không rõ nguồn gốc, không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, không bảo đảm an toàn thực phẩm, đặc biệt là vụ ngộ độc nghiêm trọng tại huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu ngày 13/2/2017 đã làm 69 người bị ngộ độc, trong đó có 9 người bị tử vong.
 
 
Trước tình hình đó, Bộ Công Thương đã có những văn bản, chỉ thị kịp thời gửi các Sở Công Thương và Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương để nhanh chóng nắm bắt tình hình, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, ngăn ngừa những vụ việc đáng tiếc tương tự xảy ra, cụ thể là: Công văn số 1220/BCT-KHCN, ngày 16/2/2017 đề nghị Sở Công Thương tỉnh Lai Châu báo cáo gấp sự cố an toàn thực phẩm trên địa bàn; Công văn số 1516/BCT-KHCN, ngày 24/2/2017 gửi Sở Công Thương các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn; Công văn số 1982A/BCT-KHCN, ngày 10/3/2017 gửi UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường quản lý an toàn thực phẩm đối với sản phẩm rượu.
 
 
Ngày 10/3/2017, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 371/CĐ-TTg gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc khắc phục hậu quả vụ ngộ độc rượu và tăng cường quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm đối với sản phẩm rượu. Thực hiện Công điện số 371/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 14/3/2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-BCT về việc tăng cường quản lý an toàn thực phẩm, trong đó yêu cầu:
 
 
Sở Công Thương các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương
 
 
- Khẩn trương tổ chức thực hiện Công điện số 371/CĐ-TTg ngày 10 tháng 3 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc khắc phục hậu quả vụ ngộ độc rượu và tăng cường quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm đối với sản phẩm rượu;
 
 
- Tăng cường thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, đặc biệt là rượu do dân tự nấu, tự chế biến, pha chế, rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Nghiêm cấm tổ chức, cá nhân trưng bày, kinh doanh các sản phẩm rượu không nhãn mác, không dán tem, không rõ nguồn gốc xuất xứ dưới mọi hình thức. Chú trọng thanh tra, kiểm tra đột xuất để phát hiện sớm và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm theo quy định tại Luật An toàn thực phẩm, Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, Nghị định số 94/2012/NĐ-CP quy định về sản xuất kinh doanh rượu, Nghị định số 89/2006/NĐ-CP về nhãn hàng hóa, Nghị định số 178/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính về an toàn thực phẩm và các văn bản pháp luật có liên quan. Nội dung thanh tra, kiểm tra tập trung vào chất lượng an toàn thực phẩm, hạn sử dụng, nguồn gốc nguyên liệu, công bố hợp quy, ghi nhãn, quảng cáo và điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất kinh doanh rượu nhất là các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, sử dụng nguyên liệu, sản xuất rượu bằng phương pháp thủ công;
 
 
- Chỉ đạo các Chi cục Quản lý thị trường chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu (bán buôn, bán lẻ, bán tại các cửa hàng ăn uống…) đặc biệt là rượu sản xuất thủ công. Chú trọng kiểm tra, phát hiện các hành vi sản xuất rượu giả, sử dụng cồn công nghiệp, sử dụng nguyên liệu bị cấm để pha chế rượu, kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc, vi phạm về ghi nhãn, quảng cáo, vi phạm về công bố hợp quy và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm bảo vệ sức khỏe, an toàn tính mạng người tiêu dùng, góp phần ngăn chặn các vụ ngộ độc rượu diễn ra trên địa bàn;
 
 
- Phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế, cơ quan truyền thông, thông tin đại chúng và chính quyền địa phương các cấp (đặc biệt là cấp quận, huyện, xã, phường) triển khai mạnh mẽ công tác thông tin, tuyên truyền và hướng dẫn người dân nâng cao trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh rượu và nhận thức của cộng đồng về tác hại của lạm dụng rượu theo đúng quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 244/QĐ-TTg ngày 12/2/2014 về chính sách quốc gia phòng chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020. Đồng thời, công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.
 
 
Các đơn vị thuộc Bộ Công Thương
 
 
Tăng cường quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu; tiến hành rà soát, cập nhật bổ sung để hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, đặc biệt là rượu do dân tự nấu, tự pha chế, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ; chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế rà soát, cập nhật bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với sản xuất, kinh doanh rượu đặc biệt là rượu do dân tự nấu, tự pha chế, các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ, lẻ; đầu mối chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, cơ quan truyền thông, thông tin đại chúng triển khai mạnh mẽ công tác thông tin, tuyên truyền hướng dẫn người dân nâng cao trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh rượu và nhận thức của cộng đồng về tác hại của lạm dụng rượu theo đúng quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 244/QĐ-TTg ngày 12/2/2014 về Chính sách quốc gia phòng chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020; chỉ đạo các sở Công Thương rà soát, tăng cường quản lý hoạt động cấp giấy phép kinh doanh bán buôn, bán lẻ rượu; tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng cồn công nghiệp, methanol và các hóa chất có nguy cơ bị lạm dụng trong pha chế rượu; chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường phối hợp với các cơ quan chuyên môn và lực lượng chức năng trên địa bàn kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
 
 
 

Chi tiết Chỉ thị xem tại đây.

Nguồn: Phương Thảo/Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương