Uy tín của ngành Công Thương nâng lên với sự đóng góp nhiều mặt cho đất nước

 

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương toàn thể các cán bộ, người lao động ngành Công Thương đã đoàn kết, nỗ lực, vượt qua khó khăn, đóng góp to lớn vào thành tích chung của cả nước trong 2017. Thủ tướng nhiệt liệt biểu dương Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, các Lãnh đạo Bộ, các Tập đoàn, Tổng công ty, các hiệp hội, ngành hàng, các địa phương doanh nghiệp… Tất cả đã nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

 

Nhà bác học Lê Quý Đôn đã nói: phi nông bất ổn, phi công bất phú, phi thương bất hoạt, phi trí bất hưng. Theo đó, nếu không có nông nghiệp thì xã hội bất ổn; không công nghiệp, đất nước không giàu; không có thương mại thì xã hội không hoạt động; không có trí thức thì xã hội không hưng thịnh. Xã hội có bốn loại hình quan trọng thì Bộ Công Thương chiếm hai thứ là công nghiệp và thương mại. Đây là trách nhiệm, là vinh dự, danh dự của ngành Công Thương trước vận mệnh phát triển của quốc gia, dân tộc, đóng góp cho sự hưng thịnh của đất nước.

 

Thủ tướng khẳng định: Với tất cả thành tựu đạt được trong năm 2017, "ngành Công Thương hoàn thành toàn diện, xuất sắc nhiệm vụ 2017", theo đó, "...uy tín của ngành Công Thương nâng lên với sự đóng góp nhiều mặt cho đất nước, nhất là cải cách phát triển".

 

Năm 2017 có nhiều yếu tố khách quan, chủ quan ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của Ngành như: tình hình biển đông, việc không ký được TPP 12, nhiều khuyết điểm bất cập trong nhiều dự án thua lỗ... Trong bối cảnh đó, Ngành đoàn kết, vượt qua khó khăn. Những đơn vị trong toàn Ngành đã vượt qua khó khăn, trong đó có các Tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Thủ tướng khẳng định, quyết tâm của toàn Ngành rất cao, không chùn bước. Các giải pháp tháo gỡ khó khăn rất thực tế. Nếu không có doanh nghiệp, không có người dân, chúng ta không phát triển. Ngành Công Thương đã từng bước tháo gỡ khó khăn. Trong sản xuất phát triển, công nghiệp có nhiều đóng góp lớn. Chúng ta có một tinh thần quyết tâm trong sản xuất, kinh doanh, nhất là công nghiệp, rất lớn. Thủ tướng đã liệt kê những doanh nghiệp lớn của Nhà nước và tư nhân, có nhiều nỗ lực lớn, vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ: Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn, Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội, Tổng công ty Giấy Việt Nam, Tổng công ty Giấy Việt Nam, Tập đoàn Hòa Phát, Công ty TNHH ôtô Trường Hải, Tập đoàn Thành Công…

Theo Thủ tướng, ngành Công Thương đã biết gạt bỏ những lợi ích cục bộ, vượt lên chính mình đồng thời là Bộ, đi đầu trong việc tiên phong cắt bỏ các thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình xử lý, giảm số lượng và đơn giản hóa nội dung hồ sơ, giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính góp phần quan trọng tăng năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo đó, theo đánh giá của thế giới, năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam tăng 5 bậc, môi trường đầu tư Việt Nam tăng 14 bậc.

 

Thủ tướng cũng cho biết, mới sáng nay, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã trình Thủ tướng ký Nghị định số 08 ngày 15/01, ngay tại Hội trường, cắt giảm 675 điều kiện đầu tư kinh doanh trong tổng số 1216 điều kiện (tương đương 55%). Đây là con số rất lớn chứng tỏ Bộ Công Thương đang rất quyết tâm nhằm đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, theo thông lệ quốc tế.

 

Thủ tướng đánh giá, Bộ Công Thương luôn thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về cấu trúc lại bộ máy, giúp cho Bộ hoạt động mạnh mẽ, đạt kết quả. Trong đó có việc xử lý 12 dự án thua lỗ, cắt bỏ và giảm đầu mối Cục, Vụ với 5 đơn vị. Về điểm này, Thủ tướng khẳng định, Bộ đã làm quyết liệt với thái độ dũng cảm, không né tránh. Ngoài ra, Thủ tướng đánh giá Bộ đã thực hiện hiệu quả chỉ đạo về việc thoái vốn Sabeco. Đây dược coi là hình mẫu, khuôn khổ để nhiều ngành và đơn vị phải học hỏi, đảm bảo nguyên tắc công khai minh bạch, chống lại tiêu cực, lợi ích nhóm.

 

Tại Hội nghị, Thủ tướng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế của ngành Công Thương. Cụ thể, một số chiến lược quy hoạch ngành Công Thương vẫn còn chậm bổ sung, sửa đổi đảm bảo tính khoa học, đổi mới đất nước, gắn với định hướng thị trường xã hội chủ nghĩa; sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước có bước tiến song còn chậm và chưa đạt hiệu quả mong muốn; một số chính sách kìm hãm sự phát triển, chưa thoát ra được, nhiều chính sách cần tiếp tục tháo gỡ tốt hơn trước yêu cầu mới. Sản xuất gắn với tiêu dùng và thị trường nhưng dự báo, cung cầu thị trường còn thiếu, chưa gây dựng liên kết sản xuất với thị trường để giảm rủi ro...

 

Thủ tướng đồng ý với những giải pháp phát triển Ngành trong năm 2018, đồng thời chỉ đạo: các cấp, Bộ, ngành và địa phương cần có sự vào cuộc đồng bộ, phát huy hơn nữa trong chỉ đạo điều hành 2018 và các năm tiếp theo; đổi mưới tư duy, xác định tầm nhìn dài hạn, vượt qua tư duy nhiệm kỳ, e ngại khó khăn, không dám đối mặt khó khăn để tận dụng cơ hội, biến khó khăn thành cơ hội để đạt mục tiêu cao hơn; cụ thể hóa thể chế, chính sách tiếp tục triển khai mạnh mẽ cơ cấu ngành công nghiệp giai đoạn 2018-2020 xét đến năm 2025 theo Nghị quyết Chính phủ đã thảo luận; đẩy mạnh hơn nữa sản xuất kinh doanh, đảm bảo cân đối cung cầu đất nước; tập trung phát triển thị trường trong nước với gần 100 triệu dân, với tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, hệ thống bán lẻ gắn với tiêu dùng nội địa phải chú trọng; triển khai phòng vệ thương mại, tăng kiểm soát nhập khẩu, cải thiện thâm hụt thương mại, không để thua trên sân nhà; hàng Việt Nam chất lượng cao phải nâng cao uy tín và tâm thế để chiếm lĩnh chứ không phải yêu cầu người Việt Nam dùng hàng Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị toàn thể cán bộ Bộ Công Thương một tầm nhìn mới, một quyết tâm mới, đặc biệt là một chương trình hành động sống động, quyết liệt để hoàn thành xuất sắc toàn diện các chỉ tiêu 2018; đặt nền tảng cao hơn, lâu dài hơn cho hội nhập của đất nước nhất là trong thời đại khoa học công nghệ.

 

2017: Bước chuyển căn bản trong đổi mới và tái cơ cấu ngành

 

Năm 2017 là một năm nhiều thử thách nhưng cũng là năm đánh dấu bước chuyển khá căn bản của ngành Công Thương trong quá trình đổi mới và tái cơ cấu ngành. Trước bối cảnh và điều kiện để thực hiện kế hoạch phát triển của ngành Công Thương năm 2017 có cả những yếu tố thuận lợi nhưng cũng phải đối diện với nhiều khó khăn, phức tạp mới nảy sinh, đánh giá chung công tác lãnh đạo, chỉ đạo và kết quả thực hiện kế hoạch năm 2017 của toàn ngành Công Thương cho thấy những nét chủ yếu như sau:

 

Về thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển được Quốc hội, Chính phủ giao cho ngành

 

Đây là năm ngành Công Thương đạt được những kết quả hết sức tích cực và toàn diện trên các mặt công tác. Theo đó, tất cả các chỉ tiêu được Quốc hội, Chính phủ giao cho ngành Công Thương đều thực hiện đạt và vượt, trong đó nhiều chỉ tiêu có mức vượt khá ngoạn mục đã đóng góp tích cực vào kết quả đạt được trong bức tranh kinh tế - xã hội chung của cả nước năm 2017.

 

Về sản xuất công nghiệp: Năm 2017, sản xuất công nghiệp của Việt Nam tăng trưởng mạnh với chỉ số sản xuất toàn ngành tăng 9,4%, cao hơn nhiều so với mức tăng 7,4% của năm 2016 và vượt mức chỉ tiêu kế hoạch đã được đặt ra từ đầu năm (tăng 7,1 - 8%). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng cao (tăng 14,5%, cùng kỳ năm 2016 chỉ tăng 11,2%, năm 2015 tăng 10,5%), là động lực chính cho tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp trong năm 2017.

 

Về xuất nhập khẩu và phát triển thị trường ngoài nước: Năm 2017 là một năm đặc biệt thành công của xuất khẩu. Lần đầu tiên, xuất khẩu của Việt Nam đã vượt mốc 200 tỷ USD, với mức tăng trưởng trên 21%, là mức tăng rất ấn tượng trong bối cảnh tăng trưởng thương mại toàn cầu vẫn đang ở mức thấp, nhiều thị trường quay trở lại xu hướng bảo hộ trong nước, hạn chế nhập khẩu. Đã kiểm soát tốt khâu nhập khẩu, qua đó đã tạo thặng dư thương mại ở mức 2,7 tỷ USD. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để góp phần bảo đảm cho các cân đối vĩ mô khác của nên kinh tế.

 

Công tác khai thác cơ hội từ cam kết hội nhập đã được thực hiện có hiệu quả hơn nhiều năm trước. Ở tất cả các thị trường mà Việt Nam có ký kết hiệp định thương mại tự do FTA đều ghi nhận tăng trưởng vượt trội. Công tác theo dõi, phản ứng chính sách của Bộ Công Thương và các Bộ ngành đã chủ động, linh hoạt, kịp thời hơn; năng lực tham gia xử lý các vấn đề về tranh chấp thương mại của các địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp đã được nâng cao hơn...; qua đó, công tác xử lý các vấn đề phát sinh từ hội nhập cũng được chúng ta xử lý một cách bài bản và có hiệu quả hơn.

 

Về tổ chức, phát triển thị trường trong nước: Năm 2017 thương mại nội địa tiếp tục giữ vững được đà tăng trưởng với tốc độ tăng tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ xã hội ở mức 2 con số (cả năm đạt 10,9%), qua đó đã cùng với xuất khẩu và đầu tư là trụ đỡ quan trọng để góp phần vào bảo đảm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế chung của cả nước. Cung cầu, giá cả hàng hóa, dịch vụ trong nước được bảo đảm ổn định, không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá, kể cả trong các dịp lễ, tết hoặc ở các địa bàn và ở những thời điểm xảy ra mưa lũ. Phối hợp chặt chẽ và linh hoạt trong công tác điều hành giá các mặt hàng do nhà nước quản lý và triển khai công tác bình ổn thị trường đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả nước năm 2017 ở mức dưới 4%.

 

Công tác quản lý thị trường được tổ chức triển khai bài bản, quyết liệt, hiệu quả hơn. Nhiều lĩnh vực nóng trước đây đã được giải quyết đạt kết quả rõ nét, nhiều vụ việc lớn nhanh chóng được chỉ đạo vào cuộc và xử lý đạt kết quả tích cực. Bên cạnh đó, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và tăng cường môi trường cạnh tranh lành mạnh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước phát triển được thực hiện ngày càng hiệu quả.

 

Công tác hội nhập quốc tế: Công tác hội nhập được triển khai thực hiện một cách chủ động, sáng tạo, góp phần vào thành công nổi bật của Việt Nam trong tổ chức các sự kiện APEC với tư cách là chủ nhà. Bộ Công Thương đã tham gia chủ trì nhiều sự kiện quan trọng, dẫn dắt các chủ đề thảo luận lớn của năm APEC; xử lý vấn đề về Hiệp định CPTPP được các nước đánh giá cao.

Về tổ chức, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh không còn phù hợp, triển khai mạnh dịch vụ công trực tuyến gắn với đơn giản hóa thủ tục hành chính

 

Bộ Công Thương đã tiến hành những bước cải cách mạnh mẽ trên quan điểm toàn diện: Từ cải cách tổ chức bộ máy, thu gọn đầu mối từ 35 đơn vị xuống còn 30 đơn vị trực thuộc Bộ; thực hiện lộ trình cắt giảm 675 điều kiện đầu tư kinh doanh không còn phù hợp (chiếm 55,3% tổng số điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Công Thương); xóa bỏ khoảng 420 mã trong tổng số 720 mã HS phải kiểm tra trước thông quan thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương, đạt tỷ lệ xóa bỏ lên tới 58,3%; cắt giảm và đơn giản hóa 183 trong tổng số 451 thủ tục hành chính của Bộ (trong đó cắt giảm 49 TTHC, đơn giản hóa 134 TTHC); triển khai 161 trong tổng số 298 dịch vụ công trực tuyến của Bộ ở cấp độ 3 và cấp độ 4 thông qua một Cổng dịch vụ công trực tuyến thống nhất của Bộ Công Thương; cùng với đó là thực hiện áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành và phối hợp công tác trong cơ quan Bộ cũng như trong các đơn vị thuộc ngành Công Thương.

 

Năm 2017, ngoài 2 dự án Luật được Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì xây dựng (gồm Luật Quản lý ngoại thương và Luật Cạnh tranh sửa đổi) được chuẩn bị và trình Quốc hội, trong đó Luật Quản lý ngoại thương đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 5 năm 2017), dự án Luật Cạnh tranh đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 5 theo đúng thời hạn đề ra, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Chính phủ 14 Nghị định của Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (trong đó đã có 02 Nghị định đã chính thức được ban hành). Tính đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2017, 34 Thông tư đã được Bộ trưởng Bộ Công Thương ký chính thức ban hành (hoàn thành 100% kế hoạch đề ra).

 

Về công tác thoái vốn, thực hiện cổ phần hóa, xắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ một cách thực chất

 

Công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước đã được Bộ Công Thương tập trung xử lý và đạt được những kết quả cụ thể. Điển hình như việc thoái vốn rất thành công tại Tổng công ty Sabeco và đang tiến hành thoái vốn tại một số doanh nghiệp lớn như Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, PVoil, PV Power.

 

Về xử lý, giải quyết các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương

 

Bộ Công Thương đã khẩn trương hoàn thiện Đề án xử lý 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc Ngành và triển khai thực hiện đạt kết quả tốt. Đến nay 5 nhà máy đã đi vào sản xuất, khắc phục dần thua lỗ, các dự án đều đã có lộ trình xử lý cụ thể.

 

Về các mặt công tác khác như nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo phát triển nguồn nhân lực... trong ngành Công Thương

 

Năm 2017 đã tiếp tục được tập trung đẩy mạnh. Qua đó các chủ trương, định hướng lớn của Trung ương và của Chính phủ đều được cụ thể hóa bằng các chương trình hành động cụ thể để thống nhất chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện trong toàn ngành.

 

2018: 9 nhiệm vụ trọng tâm để tạo bước phát triển mới

 

Để phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội, Chính phủ giao cho năm 2018, Bộ Công Thương xác định sẽ tập trung đi thẳng vào giải quyết những vấn đề được coi là điểm nghẽn, là hạn chế trong phát triển của Ngành như đã nêu trên, đồng thời phát huy những thuận lợi, những kết quả tích cực đã đạt được trong những năm vừa qua để tạo bước phát triển mới. Trong đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh xác định năm 2018 sẽ tập trung vào 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm như sau:

 

Một là, tiếp tục tập trung vào xây dựng, hoàn thiện thể chế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư kinh doanh, khơi dậy các nguồn lực phục vụ cho phát triển các lĩnh vực công nghiệp, thương mại. Gắn với đó là việc tiếp tục cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến của ngành Công Thương.

 

Hai là, đẩy nhanh quá trình thực hiện các mục tiêu tái cơ cấu trong ngành Công Thương theo Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt gắn với triển khai mạnh mẽ và thực chất cuộc Cách mạng khoa học công nghệ lần thứ tư trong các lĩnh vực hoạt động của ngành Công Thương theo Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

 

Ba là, rà soát, cân đối lại tổng thể cơ cấu các nguồn năng lượng và thực hiện các cơ chế chính sách, biện pháp để bảo đảm cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong dài hạn và theo hướng bền vững trên cơ sở huy động sự tham gia mạnh mẽ hơn của khu vực kinh tế ngoài nhà nước theo đúng tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; và về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Trong đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tập trung để tính toán, cân đối lại bài toán năng lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong dài hạn và trong bối cảnh, điều kiện mới. Đặc biệt là vấn đề về cơ cấu năng lượng tái tạo và năng lượng không tái tạo trong phát triển điện năng; tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, than đá...

 

Bốn là, tập trung hoàn thành việc xử lý căn bản các tồn tại, yếu kém của các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành Công Thương, bảo đảm đến năm 2020 sẽ hoàn thành việc xử lý dứt điểm các tồn tại, yếu kém ở các dự án này theo đúng lộ trình và phương án xử lý đã được phê duyệt.

 

Năm là, tập trung xử lý một cách căn bản hơn các vấn đề về xuất nhập khẩu, xúc tiến thương mại và phát triển thị trường ngoài nước. Theo đó, Bộ Công Thương xác định sẽ tập trung mạnh vào đổi mới, nâng cao hiệu quả của cơ chế phối hợp với các Bộ ngành, địa phương và hiệp hội doanh nghiệp để tạo sự kết nối, phối hợp đồng bộ hơn trong việc xử lý các vấn đề phát sinh trong thương mại quốc tế như vượt qua các rào cản thương mại, kiểm dịch động thực vật, các vấn đề về chống trợ cấp, chống bán phá giá của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Cùng với đó là thay đổi một cách mạnh mẽ hơn công tác xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

 

Sáu là, thực hiện đổi mới một cách căn bản công tác theo dõi, hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế của Việt Nam, bảo đảm cho quá trình hội nhập của Việt Nam hiệu quả và bền vững hơn.

 

Bảy là, nhanh chóng tổ chức lại lực lượng quản lý thị trường theo mô hình mới gắn với thay đổi phương thức hoạt động và nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng quản lý thị trường trên địa bàn cả nước. Coi đây là biện pháp để tạo bước chuyển quan trọng trong công tác đấu tranh chống kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại. Qua đó, tạo lập môi trường lành mạnh, công bằng cho sản xuất và kinh doanh trong nước, trực tiếp góp phần vào nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước.

 

Tám là, tổ chức triển khai có hiệu quả Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm tạo sự chuyển biến căn bản và bền vững hơn cho khu vực thị trường trong nước, tiếp tục làm trụ đỡ quan trọng cho tăng trưởng kinh tế những năm tiếp theo.

 

Chín là, tiếp tục đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước và tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước thuộc ngành Công Thương một cách thực chất, thúc đẩy phát triển các thành phần kinh tế và các loại hình doanh nghiệp theo đúng tinh thần của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

 

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định: Tất cả những nội dung nhiệm vụ trọng tâm nêu trên đã được Bộ Công Thương nghiên cứu, xây dựng thành những những Chương trình hành động cụ thể để tổ chức triển khai ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2018.

Nguồn: Hồng Hạnh/Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương