Theo kế hoạch này, các hoạt động tại Trung ương sẽ do Bộ Công Thương chủ trì thực hiện và phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, các cơ quan truyền thông, báo chí và các cơ quan, tổ chức liên quan. Khởi đầu cho các hoạt động do Trung ương tổ chức sẽ là Lễ phát động Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam 2017 (dự kiến tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh).

Bên cạnh các hoạt động như hội thảo, hội nghị, tập huấn, tổ chức mít tinh, tuần hành, treo băng rôn, khẩu hiệu, trong năm 2017, dự kiến Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức nhiều hoạt động để kết nối người tiêu dùng và doanh nghiệp như: các chương trình tri ân người tiêu dùng; các sự kiện đường phố; thúc đẩy, khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại theo định hướng gia tăng quyền lợi cho người tiêu dùng và đẩy mạnh hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp…

Cùng với đó, các hoạt động tại địa phương sẽ do Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trên cả nước lập kế hoạch chi tiết, bố trí kinh phí và tổ chức thực hiện. Các đơn vị tham gia phối hợp bao gồm: Các Sở, Ban, ngành ở địa phương, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh, các Hiệp hội doanh nghiệp, cơ quan truyền thông, báo chí và các tổ chức, cá nhân có liên quan tại địa phương.

Nội dung tổ chức các hoạt động Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2017 tại địa phương có thể tham khảo các nội dung nêu tại hoạt động ở cấp Trung ương hoặc tùy theo yêu cầu và tình hình thực tế của địa phương có thể tổ chức các hoạt động khác. Chẳng hạn như tổ chức các buổi mít tinh, tuần hành, diễu hành; treo băng rôn, khẩu hiệu trên các tuyến phố và các địa điểm công cộng; tổ chức Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam tại các chợ, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh của các tổ chức, cá nhân kinh doanh tại địa phương; phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp địa phương tham gia các hoạt động vì người tiêu dùng…

Nhằm bố trí nguồn kinh phí thực hiện các hoạt động, Kế hoạch số 9701/KH-BCT cũng nêu rõ: Kinh phí thực hiện các hoạt động Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam ở Trung ương từ nguồn ngân sách nhà nước của Bộ Công Thương và các cơ quan, đơn vị theo nhiệm vụ được phân công. Kinh phí thực hiện các hoạt động Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam ở địa phương từ nguồn ngân sách cấp cho các địa phương. Cùng với đó, Kế hoạch cũng nhấn mạnh và khuyến khích các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực của xã hội theo quy định của pháp luật để thực hiện các hoạt động vì quyền lợi người tiêu dùng.

Các hoạt động vì quyền lợi người tiêu dùng được khuyến khích thực hiện trong cả năm. Tuy nhiên, các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2017 được định hướng tổ chức trong tháng 3/2017. Do vậy, trước ngày 30/4/2017, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Bộ, ban, ngành và các cơ quan, tổ chức có liên quan tổng kết, đánh giá và gửi báo cáo kết quả triển khai các hoạt động Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam tại địa phương và đơn vị về Bộ Công Thương và trước ngày 30/ 6/2017, Bộ Công Thương có trách nhiệm tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả triển khai các hoạt động Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam trên toàn quốc.

Nguồn: Uyên Hương/TTXVN

http://baotintuc.vn/kinh-te/doanh-nghiep-vi-nguoi-tieu-dung-20161022211004729.htm