Ông Tri lý giải, việc đầu tư thay thế công tơ điện tử EVN đã giao cho các Tổng công ty điện lực trên nguyên tắc đảm bảo không tăng chi phí lắp đặt công tơ phục vụ bán điện cho khách hàng theo định mức đã được Tập đoàn phê duyệt; đảm bảo tiêu chuẩn, yêu cầu kỹ thuật và chất lượng của công tơ điện tử cũng như hệ thống thu thập dữ liệu đo đếm từ xa, đồng thời đảm bảo hiệu quả đầu tư.

Theo EVN, việc ghi chỉ số công tơ đã và đang thực hiện theo hai hình thức. Thứ nhất, công nhân viên ngành điện trực tiếp ghi chỉ số. Theo quy định hiện nay của EVN, đối với mỗi cán bộ công nhân viên trực tiếp làm việc với khách hàng sử dụng điện thì phải thực hiện các công việc như quản lý vận hành đường dây và trạm biến áp hạ thế, treo tháo công tơ, ghi chỉ số công tơ, thu tiền điện, chăm sóc, giải đáp các thắc mắc của khách hàng sử dụng điện…, không phân biệt riêng khâu ghi chỉ số. Vì vậy, công tác ghi chỉ số, thu tiền điện chỉ là một khâu trong chuỗi công việc mà người công nhân phải thực hiện.

Thứ hai, để đảm bảo người dân được sử dụng điện an toàn, ổn định và đúng nhà nước quy định, EVN đã thực hiện chương trình tiếp nhận điện nông thôn từ nhiều năm qua. Đến 30/6/2015, EVN đã bán điện trực tiếp đến 88% số xã trên cả nước (7.932 xã) với 83,9% số hộ nông thôn (14,25 triệu hộ).

Khi tiếp nhận, tại các khu vực nông thôn, miền núi, khách hàng thưa thớt, cự ly di chuyển xa nên các Tổng công ty Điện lực đã ký hợp đồng dịch vụ bán lẻ điện năng, sử dụng lao động địa phương vào công việc chính là ghi chỉ số công tơ và thu tiền điện, nhằm tối ưu hóa chi phí, không tăng lực lượng lao động của điện lực. Chi phí thuê dịch vụ bán lẻ điện năng được tính toán theo khu vực vùng miền. Có những khu vực tính chi phí lên đến 5.000/công tơ nhưng không áp dụng đối với tất cả khách hàng.

Trên thực tế, Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội đã hoàn thành việc đầu tư 1.129 thiết bị ghi chỉ số công tơ cho tất cả 30 công ty điện lực trên địa bàn Hà Nội để tăng tính minh bạch trong quá trình ghi chỉ số công tơ. Ghi chỉ số công tơ bằng thiết bị ghi chỉ số giúp tăng năng suất lao động, đảm bảo an toàn cho nhân viên đi ghi chỉ số. Thiết bị ghi chỉ số này không chỉ được thực hiện với máy tính bảng mà còn được áp dụng trên máy ảnh điện tử, điện thoại thông minh…

Thông tin về hình ảnh chỉ số công tơ được lưu trữ trên các máy tính sẵn có của các Công ty Điện lực, giúp tăng hiệu quả và tính chính xác trong kinh doanh bán điện, không phát sinh thêm chi phí giá thành./.

Nguồn: TTXVN/Vietnam+