Trong đó, giả về chất lượng công dụng 2.288 vụ; giả mạo về nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý, bao bì 1.534 vụ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ 316 vụ, vi phạm về tem nhãn, bao bì hàng hóa 350 vụ và nhãn dán hàng hóa 22.850 vụ.

Công tác phối hợp giữa các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) nhằm nâng cao hiệu quả thực thi quyền SHTT tại Việt Nam đã được rất nhiều chuyên gia trong và ngoài nước trao đổi tại Tọa đàm diễn ra sáng ngày 20/10.

Được sự đồng ý của Lãnh đạo Bộ Công Thương, Cục Quản lý thị trường tổ chức tọa đàm “Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các lực lượng thực thi trong công tác chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ” tại Hà Nội ngày 20 tháng 10 năm 2016 trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ nhằm nâng cao hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam” do Sứ quán Anh tài trợ.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải và Ông Lord Puttnam, Đặc phái viên Thương mại và Văn hóa của Thủ tướng Anh khai mạc Tọa đàm. Ông Trịnh Văn Ngọc, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường chủ trì Tọa đàm. Tham dự Tọa đàm có ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia; ông Dave Lowe, Trưởng phòng Năng lực và Hoạt động thực thi, Cục Sở hữu trí tuệ Vương quốc Anh; Ông Peter Ratcliffe, Trưởng bộ phận Cảnh sát về tội phạm Sở hữu trí tuệ, Cục Điều tra trinh thám, Cảnh sát London; lãnh đạo các cơ quan thực thi quyền SHTT Việt Nam (Cục Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế và tham nhũng; Cục Cảnh sát phòng chống buôn lậu, Thanh tra Bộ khoa học và Công nghệ, Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục Quản lý giám sát hải quan, Cục Sở hữu trí tuệ); đại diện Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố; đại diện các Hiệp hội.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Trưởng ban chỉ đạo 389 Bộ Công Thương

Phát biểu khai mạc tại Tọa đàm, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Trưởng ban chỉ đạo 389 Bộ Công Thương nhấn mạnh, để nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các lực lượng thực thi trong công tác chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT tại Việt Nam, cần: tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến để cho người dân, các hộ kinh doanh, doanh nghiệp nắm vững hơn các quy định của pháp luật, từ đó nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật, phòng tránh buôn bán, vận chuyển hàng giả, xâm phạm quyền SHTT; thực hiện nghiêm túc Quyết định số 19/2016/QĐ-TTg ngày 06/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về trách nhiệm và quan hệ  phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác đấu tranh phòng chống buôn lâu, gian lận thương mại...

Tại Tọa đàm, chuyên gia đến từ Cục Sở hữu trí tuệ Anh quốc đã có bài tham luận chia sẻ kinh nghiệm của Anh quốc trong công tác phối hợp giữa các lực lượng thực thi, cơ chế phối hợp mang lại hiệu quả cho công tác chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền tại Anh quốc. Đại diện Văn phòng chỉ đạo 389 quốc gia nêu rõ vai trò của Ban chỉ đạo 389 quốc gia trong công tác điều phối các lực lượng chức năng trong thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Đại diện của Cục Quản lý thị trường, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế và tham nhũng, Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục Sở hữu trí tuệ nói về thực trạng phối hợp giữa các cơ quan thực thi trong công tác chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thời gian qua, các thuận lợi, khó khăn, vướng mắc cần khắc phục và kiến nghị.

Đại diện các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ đã cùng nhau thảo luận, đưa ra một số giải pháp tăng cường công tác phối hợp, nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Trong thời gian qua, công tác phối hợp trong kiểm tra, bắt giữ xử lý các hành vi xâm phạm quyền SHTT giữa các lực lượng thực thi đã có chuyển biến tích cực và bước đầu đã đạt được những kết quả khả quan nhưng chưa đạt hiệu quả như mong muốn so với tiềm năng của các lực lượng thực thi do một số nguyên nhân sau:

- Công tác trao đổi thông tin chưa thường xuyên, còn thiếu tính kịp thời, đôi khi phối hợp trong kiểm tra, thanh tra còn chậm trễ, ảnh hưởng đến kế hoạch hành động.

- Nhận thức của cộng đồng về sở hữu trí tuệ chưa được nâng cao, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của lực lượng thực thi còn hạn chế và cơ chế thực thi còn chồng chéo, chưa đồng bộ.

Toạ đàm đã thảo luận, tìm ra các giải pháp tăng cường sự phối hợp giữa các lực lượng thực thi như sau:

- Hoạt động phối hợp nên tiến hành toàn diện trên các mặt: nghiên cứu, để xuất, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện xây dựng chính sách, văn bản pháp luật liên quan đến thực thi quyền SHTT nhằm phù hợp với thực tế trong nước và đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế ; trong đó cơ chế phối hợp phải được thiết lập đồng bộ ở cả trung ương và địa phương, theo cả chiều dọc và chiều ngang.

- Thường xuyên thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để phát hiện, xử lý vi phạm quyền SHTT ở một số địa bàn, khu vực theo kế hoạch; kết hợp kiểm tra định kỳ và kiểm tra đột xuất, kiểm tra các loại mặt hàng có những biểu hiện gây ảnh hưởng đến sự mất ổn định thị trường.

- Tiếp tục xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan thực thi quyền SHTT, chia sẻ các báo cáo hàng năm của lực lượng liên quan đến thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

- Tổ chức họp tổng kết, hội thảo đánh giá thường xuyên và định kỳ về công tác thực thi quyền SHTT để rút kinh nghiệm và bàn các giải pháp trong các giai đoạn tiếp theo. Ký kết quy chế phối hợp giữa các cơ quan để cụ thể hoá các quy định phối hợp cho phù hợp với hoạt động thực tiễn.

- Đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ của các cơ quan thực thi quyền SHTT.

- Tăng cường phối hợp tuyên truyền pháp luật, những tác hại của việc sản xuất buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền, nâng cao nhận thức của công chúng về sở hữu trí tuệ.

- Học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong phối hợp giữa các lực lượng chức năng.

Nguồn: Hồng Hạnh/Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương