Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 50 (AEM 50) và các hội nghị liên quan, bao gồm Hội nghị Hội đồng Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) lần thứ 32; Hội nghị liên Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và Hội đồng Khu vực đầu tư ASEAN (AEM-AIA) lần thứ 21; các hội nghị tham vấn giữa Bộtrưởng ASEAN và 9 đối tác: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Ốt-xtrây-lia, Niu Di-lân, Hoa Kỳ, Nga và Ca-na-đa; Hội nghị Bộ trưởng Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) lần thứ 6; và Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế 4 nước Cam-pu-chia, Lào, My-an-ma và Việt Nam (CLMV) lần thứ 10 đã được tổ chức từ ngày 28 tháng 8 đến ngày 01 tháng 9 năm 2018 tại Xinh-ga-po. Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị cùng đại diện của các Bộ, Ngành có liên quan.

Chuỗi các hội nghị này là các hoạt động chính trong kênh hợp tác kinh tế ASEAN, là dịp để Bộ trưởng Kinh tế của 10 nước ASEAN và các đối tác ngoại khối tiến hành trao đổi về việc thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư trong nội khối ASEAN, cũng như giữa ASEAN và các đối tác ngoại khối, chuẩn bị những nội dung hợp tác quan trọng để báo cáo lên Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 33 và các hội nghị liên quan vào tháng 11 tới tại Xinh-ga-po.

Hội nghị AEM 50 tập trung vào việc thảo luận các ưu tiên hợp tác kinh tế, thương mại trong năm 2018 của ASEAN; rà soát tổng thể lộ trình thực hiện những cam kết trong các Hiệp định của ASEAN; tình hình thực hiện các ưu tiên năm 2018 nhằm hướng tới hoàn tất việc xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN 2025; và chỉ đạo định hướng tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)với mục tiêu kết thúc đàm phán về cơ bản vào cuối năm 2018. Trong đó, các nội dung quan trọng nhất là: xây dựng các cơ chế về thủ tục hải quan và thuận lợi hóa thương mại khu vực, chính sách cạnh tranh, sở hữu trí tuệ, xóa bỏ rào cản thương mại, phát triển thương mại điện tử, xây dựng chỉ số thuận lợi hóa thương mại ASEAN, hỗ trợ doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (MSMEs), tận dụng tốt các ưu đãi và hướng tới thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế giữa các nước ASEAN v.v.

Ngoài ra, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đã ký kết Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) để thông qua việc ứng dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứtrong ASEAN, và ký kết Nghị định thư thực hiện Gói cam kết dịch vụ thứ 10 (AFAS 10) thuộc Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ.

Về hợp tác ngoại khối, các Bộ trưởng kinh tế ASEAN đã kiểm điểm lại các kết quả tích cực mà ASEAN với các đối tác đã đạt được trong quá trình thực thi các hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN với các đối tác ngoại khối như Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ốt-xtrây-li-a, Niu Di-lân và TrungQuốc. Các Bộ trưởng cũng ghi nhận tình hình và tiến triển hợp tác với các đối tác khác như: Ca-na-đa, Nga và Hoa Kỳ và đưa ra định hướng nhằm đẩy mạnh hợp tác thời gian tới.

Ngoài ra, bên lề Hội nghị AEM 50, Hội nghị Bộ trưởng RCEP lần thứ 6 cũng đã được tổ chức vào ngày 30 và 31 tháng 8 năm 2018 nhằm triển khai định hướng đã được các Nhà Lãnh đạo đề ra về quyết tâm thúc đẩy đàm phán. Cụ thể, các Bộ trưởng ASEAN đã cùng Bộ trưởng của các đối tác thảo luận những định hướng quan trọng để đi đến thống nhất những nội dung quan trọng trong đàm phán như mở cửa thị trường hàng hoá, dịch vụ đầu tư, sở hữu trí tuệ, hướng tới mục tiêu cơ bản kết thúc đàm phán Hiệp định RCEP vào cuối năm 2018 như chỉ đạo của các nhà Lãnh đạo RCEP.

Trong thời gian diễn ra Hội nghị AEM 50, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng có một số cuộc tiếp xúc song phương với Bộ trưởng và Trưởng đoàn của các nước: In-đô-nê-xi-a, Xinh-ga-po, Ca-na-đa và Hoa Kỳ để thảo luận các biện pháp tăng cường quan hệ hợp tác thương mại, công nghiệp song phương, giải quyết những vấn đề phát sinh trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam với nước đối tác, cũng như thảo luận cơ chế để có thể tăng cường phối hợp trong hợp tác đa phương và khu vực.

Vụ Chính sách thương mại đa biên

Nguồn: Moit.gov.vn