Hơn 100 đại biểu gồm các nhà nghiên cứu, chuyên gia về chính sách thương mại, ngoại giao đoàn, nghị sĩ châu Âu, đại diện các Hiệp hội thương mại tự do châu Âu, Hiệp hội tài chính châu Âu, Phòng thương mại Bỉ, Liên minh người Việt Nam tại Bỉ và một số doanh nghiệp châu Âu đã tham dự Hội thảo.
Mục đích của Hội thảo là nhằm đánh giá các thành tựu hợp tác kinh tế giữa EU và Việt Nam trong thời gian qua và triển vọng phát triển trong thời gian tới trong bối cảnh EVFTA có khả năng được ký kết và thực thi trong năm 2018.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Jan Zahradil, Chủ tịch nhóm nghị sĩ ‘Những người bạn của Việt Nam’ đánh giá cao những thành tựu mở cửa của Việt Nam và tinh thần làm việc cao độ của các nhà thương thuyết thương mại đã kết thúc Vòng đàm phán cuối cùng EVFTA đầu tháng 12 năm 2015.
Trong khi bà Fraus Sommer - Phụ trách quan hệ EU – VN của Tổng vụ thương mại - Ủy ban châu Âu, ông Piere Groning - Trưởng ban chính sách thương mại của Hiệp hội thương mại tự do châu Âu, bà Luisa Santos - Giám đốc quan hệ quốc tế của Hiệp hội doanh nhân châu Âu (BusinessEurrope), ông Konstantin von Mentzingen – Phụ trách quan hệ với Việt Nam của Vụ hành động đối ngoại và bà Laurence Vandewalle – đại diện Tổng vụ chính sách đối ngoại có quan điểm tích cực và đánh giá khách quan lợi ích mà EVFTA có thể mang lại cho kinh tế Việt Nam và kinh tế các nước thành viên EU, ông Pascal Kerneis - Giám đốc điều hành Diễn đàn Dịch vụ châu Âu (European Services Forum) đại diện Hiệp hội các ngành dịch vụ châu Âu lại tỏ ra thất vọng vì không nhìn thấy sự hiện diện đáng kể của các ngành dịch vụ châu Âu tại Việt Nam và cho rằng cam kết mở cửa thị trường dịch vụ của EVFTA là rất hạn chế.
Trong phần Hỏi – Đáp, đại diện Tiểu ban nhân quyền (Quốc hội châu Âu) cho rằng Ủy ban châu Âu đã không đánh giá một cách đầy đủ, đúng thủ tục tác động nhân quyền của EVFTA và đề nghị phải có Báo cáo bổ sung về vấn đề này theo Quy định của Quốc hội. Đáp lời, bà Laurence Valdewalle nhắc lại Báo cáo đánh giá tác động nhân quyền của EU – ASEAN FTA và bày tỏ quan điểm "trách nhiệm tuân thủ nhân quyền (ví dụ như tuân thủ các quyền của người lao động) trong khuôn khổ các Hiệp định thương mại tự do nên thuộc về chủ doanh nghiệp là chính".
Phát biểu kết luận Hội thảo, Đại sứ Vương Thừa Phong nhắc lại tầm quan trọng ngày càng tăng của EU đối với Việt Nam đặc biệt về kinh tế và khẳng định chiến lược tiếp tục tăng cường quan hệ Việt Nam – EU trong chính sách mở cửa hội nhập của Chính phủ mới vừa được Quốc hội bầu ra.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương/ Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU