Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, để công tác triển khai Hiệp định EVFTA đạt kết quả tốt, cần có sự vào cuộc của các tổ chức, cơ quan nhà nước, của cả hệ thống chính trị nhưng bản thân chúng ta cũng phải có sự chuẩn bị một cách chủ động và chu đáo.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại buổi họp
Báo cáo về tình hình thực hiện các thủ tục phê chuẩn Hiệp định EVFTA, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên Lương Hoàng Thái cho biết, ngày 12/3 tới đây, phía EU sẽ hoàn thành thủ tục ở khâu Hội đồng châu Âu, sẵn sàng cho khâu thực hiện phê chuẩn và chuẩn bị thực thi Hiệp định. EU cũng đã chủ động dựng dự thảo các văn bản để thực thi trước khi trình Nghị viện châu Âu, nên có thể đưa Hiệp định vào thực thi ngay.
Về phía Việt Nam, Vụ trưởng Lương Hoàng Thái cho hay, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ hồ sơ về việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA; Văn phòng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tư pháp phối hợp với các Bộ, ngành rà soát lại danh mục các văn bản quy phạm pháp luật cần ban hành, sửa đổi, bổ sung để thực thi Hiệp định EVFTA, hiện Văn phòng Chính phủ đang lấy ý kiến các thành viên Chính phủ về Tờ trình này của Bộ Công Thương.
Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên Lương Hoàng Thái
Để đẩy nhanh tiến trình phê chuẩn Hiệp định, đáp ứng các quy định về trình tự, thủ tục của Luật, Vụ Chính sách thương mại đa biên kiến nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương có kế hoạch triển khai một số công việc cụ thể, như làm việc với Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước và Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội để thống nhất các nội dung hồ sơ trình Quốc hội cũng như công tác phục vụ cho các Ủy ban và đại biểu Quốc hội tiến hành thẩm tra, xem xét việc phê chuẩn Hiệp định.
Ông Lương Hoàng Thái đề xuất ý kiến về việc Lãnh đạo Bộ Công Thương làm việc với Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc công nhận EU là một thực thể trong các vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật, trong trường hợp cần thiết thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, Vụ Chính sách thương mại đa biên cũng đồng thời làm việc với EU để xác nhận về Chương trình hành động của Chính phủ để EU có thể đảm bảo Việt Nam thực hiện được các cam kết của Hiệp định một cách hiệu quả nhất.
Về công tác xây dựng văn bản pháp luật để thực thi EVFTA, Vụ Chính sách thương mại đa biên kiến nghị Lãnh đạo Bộ giao Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát lại công tác xây dựng pháp luật, có kiến nghị về hình thức và nội dung văn bản quy nhạm pháp luật Bộ Công Thương chịu trách nhiệm làm đầu mối xây dựng. Đồng thời Lãnh đạo Bộ giao Cục Xuất nhập khẩu đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện nội dung của Thông tư về xuất xứ hàng hóa và nghiên cứu hình thức hướng dẫn cho doanh nghiệp thực thi cam kết về phân bổ hạn ngạch thuế quan đối với gạo xuất khẩu sang EU.
Kết luận lại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh giao Vụ Kế hoạch chủ trì tổ chức thực hiện công tác phối hợp với các đơn vị đầu mối Bộ Công Thương để hoàn thiện các nhóm giải pháp; Cục Xuất nhập khẩu phối hợp với Vụ Thị trường châu Âu – Mỹ xây dựng kịch bản khai thác thị trường và phát triển thị trường theo các nhóm ngành mà chúng ta có lợi thế và điều kiện để khai thác; Cục Xuất nhập khẩu phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ, ngành khác để thúc đẩy biện pháp cụ thể mở cửa thị trường để tạo điều kiện cho các sản phẩm có thế mạnh của chúng ta trên thị trường đó; Cục Phòng vệ thương mại cung cấp thông tin cho doanh nghiệp về phát triển thị trường châu Âu, những vấn đề về tập quán, quy định cụ thể về tranh chấp thương mại, tự vệ thương mại, để từ đó hướng cho các hiệp hội, ngành hàng của chúng ta phát triển bền vững tại thị trường châu Âu.
Bộ trưởng yêu cầu Vụ Thị trường trong nước chủ động rà soát, có định hướng để tổ chức cung cấp thông tin cho các địa phương, các hiệp hội, ngành hàng, các doanh nghiệp đầu tư trong nước cũng như các tổ chức đại diện của người tiêu dùng để có biện pháp cụ thể giải tỏa áp lực cạnh tranh tại thị trường nội địa, cũng như áp lực đặt ra trong công tác đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, tránh những tác động xấu đến đời sống của nhân dân.
Bộ trưởng giao các trường thuộc Bộ và Trường Đào tạo – Bồi dưỡng cán bộ Công Thương Trung ương khẩn trương rà soát, đề xuất phương án tổ chức chương trình bồi dưỡng kiến thức về pháp luật cho các địa phương để nâng cao năng lực địa phương trong hội nhập, đặc biệt phải gắn với yêu cầu cụ thể của các FTA; đồng thời có định hướng cụ thể để phối hợp với các hiệp hội, ngành hàng, các tổ chức đại diện doanh nghiệp để có định hướng cho việc đào tạo cơ bản và chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Bộ trưởng cũng yêu cầu Văn phòng Bộ đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông; xây dựng website về Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu, với cơ sở dữ liệu đầy đủ để đảm bảo cung cấp thông tin một cách đầy đủ, cụ thể.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng yêu cầu các đơn vị trong Bộ, đặc biệt Vụ Chính sách thương mại đa biên sớm làm việc với Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội, thống nhất các nội dung của hồ sơ trình Quốc hội cũng như công tác phục vụ cho các Uỷ ban và đại biểu Quốc hội tiến hành thẩm tra, xem xét việc phê chuẩn Hiệp định.

Nguồn: Cổng Thông Tin Điện Tử Bộ Công Thương