Sự kiện thuộc Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2020, nhằm quảng bá rộng rãi tiềm năng, thế mạnh xuất khẩu của hàng nông sản, thực phẩm và dược phẩm tự nhiên của Việt Nam, đồng thời kết nối doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam với các đối tác kinh doanh nhập khẩu, phân phối, bán buôn, bán lẻ tiềm năng ở thị trường nước ngoài trên môi trường trực tuyến.
Phát biểu tại Phiên toàn thể của hội nghị, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục XTTM cho biết, ngành nông nghiệp và công nghiệp nguyên liệu tự nhiên của Việt Nam đang trải qua giai đoạn chuyển đổi ấn tượng, đưa Việt Nam trở thành nguồn cung nguyên liệu thực phẩm và dược phẩm tự nhiên quan trọng cho thị trường thế giới.
Những năm qua, thông qua đa dạng hoạt động XTTM và hỗ trợ kỹ thuật, các đối tác nhập khẩu, nhà phân phối bán buôn, bán lẻ cũng như người dân nhiều khu vực trên thế giới đã có cái nhìn khác đối với quá trình hiện đại hóa và đổi mới của ngành nguyên liệu tự nhiên Việt Nam.
Doanh nghiệp nguyên liệu thực phẩm và dược phẩm tự nhiên của Việt Nam đang ngày càng đáp ứng tốt hơn những yêu cầu, đòi hỏi khắt khe của đối tác nước ngoài, có khả năng cung ứng sản phẩm mang giá trị gia tăng cao, chất lượng tốt, an toàn cho nhiều nhà nhập khẩu hàng đầu và các kênh phân phối cao cấp tại nhiều khu vực trên thế giới.
Cũng theo Cục trưởng Vũ Bá Phú, với việc kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid 19 tại Việt Nam, các doanh nghiệp nông sản, thực phẩm Việt Nam có thể duy trì hoạt động sản xuất, cung ứng an toàn, ổn định cho thị trường trong nước và quốc tế.
“Việt Nam đang trở thành sự lựa chọn lý tưởng trong bối cảnh hiện nay khi chúng tôi có nguồn cung cấp nguyên liệu thực phẩm, dược phẩm tự nhiên phong phú với chất lượng đảm bảo, phù hợp nhiều phân khúc tiêu thụ khác nhau để cung ứng cho thị trường quốc tế”, ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh.
Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Đình Tuấn, Giám đốc Dự án Biotrade cho biết, hơn 5.000 thành phần tự nhiên (trên tổng số 10.000 loài động vật) có nguồn gốc từ Việt Nam, dùng làm nguyên liệu cho ngành thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm. Hàng trăm trong số đó có tiềm năng xuất khẩu. Cùng với đó, hàng trăm doanh nghiệp nhỏ và vừa với tư cách là nhà sản xuất nông nghiệp, nhiều chuỗi cung ứng/sản phẩm được chứng nhận quốc tế. Các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp (BSO) luôn sẵn sàng cung cấp dịch vụ một cách hiệu quả.
Đánh giá cao tiềm năng nguyên liệu thực phẩm, dược phẩm tự nhiên của Việt Nam, ông DC Choi, đại diện Cơ quan Xúc tiến Thương mại & Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA), Việt Nam giàu tài nguyên thiên nhiên với đất đai màu mỡ, lượng nắng dồi dào và lượng mưa hầu như quanh năm. Đây là những điều kiện rất tốt cho việc trồng trọt. Việt Nam có nhiều mặt hàng nông sản nằm trong danh sách các quốc gia xuất khẩu hàng đầu như hạt tiêu, gạo, cà phê, thủy sản và chè.
Theo ông DC Choi, Việt Nam có nguyên liệu và bí quyết sản xuất lương thực tốt. Nếu doanh nghiệp Việt Nam có thể kết hợp với sự đầu tư của các công ty chế biến thực phẩm như Hàn Quốc sẽ có cơ hội để tăng thêm giá trị cho sản phẩm.
“Mở rộng quy mô sản xuất, với mức độ kiểm soát vệ sinh cao hơn với tiêu chuẩn quốc tế và tiếp thị chuyên nghiệp là những gì chúng ta nên làm”, ông DC Choi nhấn mạnh.
Ông DC Choi cho biết, phía KOTRA sẽ tìm cách gia tăng giá trị nguyên liệu thực phẩm của Việt Nam và kết nối chúng với đầu tư và công nghệ chế biến thực phẩm của Hàn Quốc, giúp các trang trại Việt Nam xuất khẩu nông sản Việt Nam với quy mô và số lượng cao hơn.
Ông DC Choi cũng lưu ý, để thu hút đầu tư và công nghệ chế biến thực phẩm của nước ngoài, trước hết công ty phải đảm bảo chỗ đứng vững chắc trên thị trường nội địa, trở thành nhà cung cấp đáng tin cậy và nổi tiếng trong nước là điều kiện tiên quyết để tìm kiếm thị trường xuất khẩu… Việc phát triển thêm thực phẩm chức năng hoặc thực phẩm bổ sung có thành phần hoàn toàn từ thiên nhiên cũng sẽ gia tăng giá trị cho ngành. Đảm bảo công nhận thành phần tự nhiên tinh khiết là một trong những phần thiết yếu để thành công trong lĩnh vực này.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp ngành nguyên liệu thực phẩm, dược liệu Việt Nam phát triển, ông Phạm Văn Lương, Giám đốc Tổ chức Helvetas Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) được xác định là nhân tố quan trọng trong các chuỗi giá trị phát triển kinh tế, là đối tượng trọng yếu của các dự án HELVETAS Việt Nam đã và đang triển khai.
Nhằm đạt được các mục tiêu song trùng trong phát triển thương mại bền vững, HELVETAS Việt Nam và Cục XTTM cũng hợp tác thực hiện các hoạt động: tổ chức thực hiện và tham gia các sự kiện XTTM trong và ngoài nước để hỗ trợ các doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm, tìm hiểu cơ hội thị trường, qua đó, tăng cường cơ hội kết nối mở rộng thị trường cả nội địa và xuất khẩu với sản phẩm đạt tiêu chuẩn chứng nhận quốc tế; hỗtrợ, ủng hộ thực thi các chính sách khuyến khích XTTM; thực hiện quảng bá XTTM, xúc tiến đầu tư trên các phương tiện truyền thông trong nước và quốc tế.
Về phía Cục XTTM, ông Vũ Bá Phú khẳng định, Cục luôn sẵn sàng phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp Việt Nam và các nhà nhập khẩu nước ngoài có thêm nhiều cơ hội kết nối kinh doanh một cách có hiệu quả, bền vững và ổn định.
Ngay sau Phiên toàn thể, 21 doanh nghiệp sản xuất, cung cấp nguyên liệu thực phẩm, dược phẩm tự nhiên của Việt Nam lần lượt giao thương trực tuyến 1:1 với hơn 100 doanh nghiệp, nhà nhập khẩu nước ngoài phân nhóm mặt hàng và thị trường.
Những ngành hàng được giới thiệu, quảng bá và giao thương tại hội nghị gồm: trà, quế, hồi, thảo dược từ hoa cúc, tinh dầu, các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và làm đẹp, nhựa cây…
Các phiên giao thương sẽ được kéo dài đến hết ngày 25/9/2020.
Cục Xúc tiến thương mại

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương