Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Cục trưởng Cục QLTT (Bộ Công Thương) - khẳng định, lực lượng QLTT sẽ vẫn bảo đảm ổn định, không phát sinh tăng đầu mối, biên chế và bảo đảm vận hành hiệu quả theo hướng chính quy, chuyên nghiệp, hiện đại.  

Xây dựng lực lượng QLTT chính quy, chuyên nghiệp, hiện đại

Pháp Lệnh QLTT và Nghị định số 98/2017/NĐ-CP quy định lực lượng QLTT được tổ chức từ trung ương đến địa phương theo nguyên tắc tập trung, thống nhất và thành lập Tổng cục QLTT trên cơ sở Cục QLTT hiện nay. Những quy định này tác động như thế nào đến địa vị pháp lý và cơ cấu tổ chức của lực lượng QLTT?

Triển khai quy định tại Pháp lệnh QLTT và Nghị định số 98/2017/NĐ-CP, Cục QLTT được giao chủ trì phối hợp với các đơn vị hữu quan xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục QLTT, kèm theo Đề án Tổng cục QLTT trực thuộc Bộ Công Thương. 

Dự thảo Quyết định và dự thảo Đề án có thay đổi căn bản về mô hình tổ chức, theo đó Tổng cục QLTT được tổ chức thành hệ thống ngành dọc từ Trung ương đến địa phương theo đơn vị hành chính hoặc theo yêu cầu nhiệm vụ, bảo đảm sự chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành của Bộ trưởng Bộ Công Thương theo nguyên tắc tập trung thống nhất. Việc kiện toàn lại tổ chức Tổng cục QLTT trên cơ sở kế thừa và phát triển tổ chức hiện có, thống nhất mối quan hệ chỉ đạo, điều hành từ Trung ương đến địa phương; đảm bảo ổn định, tránh xáo trộn lớn, không phát sinh tăng đầu mối, biên chế và đảm bảo vận hành ngay, đạt hiệu quả cao. 

Việc thành lập Tổng cục QLTT theo mô hình ngành dọc là sự nâng cấp về địa vị pháp lý của cơ quan QLTT trung ương và cơ quan QLTT địa phương tương tự các lực lượng khác có cùng chức năng, nhiệm vụ, như: Thuế, hải quan… Theo đó, tại địa phương, cơ quan QLTT được thành lập đơn vị cấp Cục và trực thuộc Tổng cục thay cho mô hình hiện nay Chi cục trực thuộc Sở Công Thương. Việc này sẽ khắc phục các vướng mắc, bất cập về tình trạng "cắt khúc" theo địa giới hành chính, trong chỉ đạo điều hành của lực lượng QLTT; khắc phục sự thiếu thống nhất, đồng bộ trong công tác quản lý, đào tạo, bồi dưỡng công chức và trang bị phương tiện làm việc cho lực lượng QLTT giữa các địa phương hiện nay và tiến tới xây dựng lực lượng QLTT chính quy, chuyên nghiệp.

Bộ Công Thương đã hoàn thành dự thảo Quyết định và dự thảo Đề án thành lập Tổng cục QLTT chuyển các cơ quan hữu quan thẩm định, cho ý kiến. Xin ông cho biết những nội dung chính của các dự thảo này?

Căn cứ Pháp lệnh QLTT và Nghị định số 98/2017/NĐ-CP, dự thảo Quyết định và Đề án thành lập Tổng cục QLTT quy định 2 chức năng, nhiệm vụ chính là là giúp Bộ trưởng chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý nhà nước đối với lực lượng QLTT và tổ chức thực thi pháp luật về kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại trên thị trường, các lĩnh vực khác theo quy định của pháp luật. 

Về cơ bản, nhiệm vụ, quyền hạn của tổng cục được xây dựng trên cơ sở 4 nhóm sau: Nhiệm vụ trình Bộ trưởng Bộ Công Thương để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; nhiệm vụ trình Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét, quyết định theo thẩm quyền; nhiệm vụ tham mưu, tổ chức thực thi do tổng cục trực tiếp thực hiện theo phân công, phân cấp, ủy quyền và nhiệm vụ phối hợp theo quy định của pháp luật; nhiệm vụ quản lý nội bộ của tổng cục. Về cơ cấu tổ chức, dự thảo Quyết định đang xây dựng theo hướng tinh gọn, bảo đảm không phát sinh đầu mối, đồng thời, sẽ tiếp tục tiến hành nghiên cứu, lập phương án sắp xếp các đơn vị thuộc tổng cục theo lộ trình thực hiện Đề án, nhằm bảo đảm triển khai chủ trương của Đảng, Nhà nước và hiệu quả hoạt động của lực lượng QLTT.

Trong nhiều năm qua, vấn đề "lực lượng mỏng", "thiếu cơ sở vật chất, phương tiện làm việc" vẫn được xem là nguyên nhân dẫn đến hoạt động của lực lượng QLTT còn hạn chế. Vậy, cơ sở và giải pháp nào để có thể nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong quá trình hoạt động của lực lượng sau khi chuyển đổi mô hình tổ chức?

Với nguyên tắc không làm tăng biên chế, đầu mối tổ chức để tinh gọn, hiệu quả xác định biên chế hợp lý theo yêu cầu nhiệm vụ, nên số lượng biên chế, nhân sự bổ sung cho các đơn vị thuộc tổng cục ở trung ương sẽ thực hiện từ việc rà soát, sắp xếp, điều chuyển từ Chi cục QLTT địa phương.

Bên cạnh đó, dù nhu cầu chuẩn hóa nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chức ngày càng cấp thiết nhưng việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ cho đội ngũ công chức QLTT hiện nay ở địa phương không thường xuyên, thiếu thống nhất và chưa đáp ứng yêu cầu theo chỉ đạo của Bộ Công Thương do kinh phí của từng địa phương khác nhau và còn hạn chế. Để khắc phục, sau khi thành lập, Tổng cục QLTT sẽ tham mưu cho Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định chi tiết về tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý trong cơ quan QLTT và đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ theo vị trí việc làm đối với công chức QLTT và xây dựng, hoàn thiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao nghiệp vụ, tiến tới xây dựng lực lượng QLTT chính quy, chuyên nghiệp, hiện đại.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn: Baocongthuong.com.vn