Với việc Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký kết, các quốc gia thành viên nhận được không chỉ là những lợi ích trước mắt và đơn thuần về thương mại trong việc dỡ bỏ các rào cản quan thuế và cũng như một số lĩnh vực khác, mà vấn đề cơ bản là những động lực mà hiệp định này sẽ mang lại cho sự phát triển của bản thân mỗi nước về các khía cạnh về kinh tế, chính trị, xã hội.
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, Trưởng đoàn đại biểu Việt nam tham dự lễ ký kết CPTPP ngày 8/3 tại thủ đô Santiago của Chile, trong cuộc trao đổi với các cơ quan báo chí Việt Nam bên lề lễ ký kết.
Theo Bộ trưởng, tất cả các quốc gia thành viên đều đánh giá rất cao về chất lượng của Hiệp định tự do thương mại thế hệ mới cho dù không còn có nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ tham gia.
Đề cập đến ý nghĩa của việc tham gia CPTPP đối với Việt Nam, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, với tư cách là một quốc gia độc lập và có chủ quyền rất cao trong các hoạt động chính trị đối ngoại, cũng như kinh tế, việc Việt Nam tham gia ký kết CPTPP cũng chính là một bước cụ thể hóa chiến lược về đa phương hóa và đa dạng hóa các mối quan hệ hợp tác.
Trên thực tế, trong bối cảnh toàn cầu đang diễn biến vẫn còn phức tạp, mặc dù dòng chảy chính vẫn là tự do hóa thương mại nhưng cũng đã có những dấu hiệu rất rõ ràng của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, chủ nghĩa biệt lập, đang cản trở và tác động không thuận lợi đến dòng chảy của toàn cầu hóa.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, tham gia CPTPP là minh chứng cho việc Việt Nam tiếp tục thực thi một cách rất quyết tâm và nhất quán chủ trương và chiến lược của Đảng, cũng như chính sách của Nhà nước trong hội nhập một cách chủ động, sâu rộng.
Trong thời gian vừa qua, với những bài học kinh nghiệm quý báu và những thành quả đạt được trong việc mở cửa nền kinh tế, thực hiện chủ động hội nhập, chúng ta có cơ sở, có niềm tin trong chiến lược hội nhập sắp tới và vì vậy, CPTPP có thể nói là biểu hiện ở mức độ mới, trình độ mới của Việt Nam trong quá trình hội nhập khu vực và quốc tế. Đặc biệt, với vị thế là nước sáng lập CPTPP, Việt Nam có thể nói là đã đạt được nhiều mục đích.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh (phải) và Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi tại lễ ký Hiệp định CPTPP ở Santiago sáng 9/3. AFP/ TTXVN
Một là chính trị đối ngoại Việt Nam đã khẳng định được vai trò trên các diễn đàn chính trị song phương, đa phương, khu vực và quốc tế, khẳng định được vị thế trong sân chơi chung của toàn cầu.
Thứ hai, khi đã hội nhập vào CPTPP, về mặt thể chế Việt Nam sẽ có các điều kiện để hoàn thiện một nhà nước pháp quyền, và một nền kinh tế mà năng lực cạnh tranh ngày càng cao dựa trên nền tảng minh bạch hàng hóa, công khai hàng hóa, cũng như tiếp tục thuận lợi hóa cho các hoạt động thương mại theo nguyên tắc của nền kinh tế thị trường.
Hơn nữa, với tư cách là một quốc gia sáng lập CPTPP, sau này khi đàm phán để xem xét cho một quốc gia khác gia nhập, Việt Nam có điều kiện để bảo vệ và tiếp tục tối đa hóa những lợi ích của mình.
Cuối cùng, những lợi ích về kinh tế thương mại gắn liền với lợi ích mang tính chiến lược lâu dài giúp Việt Nam có điều kiện tiếp tục cất cánh ở mức độ mới, cao hơn ở thị trường mới và những thị trường đang còn có tiềm năng.
Đồng thời, những động lực tăng trưởng trong những thập kỷ tới sẽ được tiếp tục quan tâm thông qua cải cách hàng loạt các lĩnh vực cả về mặt pháp lý, thậm chí cả về các cải cách thể chế rất quan trọng như chúng ta nói trong các lĩnh vực phi truyền thống.
Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình đàm phán để đạt được kết quả như hiện nay, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết ngay từ khi đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)- tiền thân của CPTPP đã là một quá trình rất căng thẳng, phức tạp và kéo dài bởi các nước đều đặt rất nhiều yêu cầu trong các tiêu chuẩn cao của hiệp định.
Khi tưởng chừng đã đến được điểm cuối với việc ký kết được hiệp định TPP thì đầu năm 2017 Hoa Kỳ tuyên bố quyết định rút lui khiến cho tất cả phải bước vào mọt thử thách mới. Rất may là tất cả 1 thành viên còn lại đều quyết tâm xác định lại mục tiêu, xác định lại những điểm cân bằng mới cho các quốc gia khi tham gia CPTPP.
Và trong một thời gian rất ngắn từ tháng 11/2017 khi kết thúc hội nghị cấp cao APEC và hội nghị bộ trưởng TPP-11 ở Đà Nẵng với tuyên bố tiếp tục quyết tâm cho CPTPP, cả 11 nước thành viên đã nỗ lực hết mình để có được kết quả như ngày hôm nay.
Về sự chuẩn bị của Việt Nam trong việc triển khai thực hiện CPTPP, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, sẽ có chương trình hành động được chính phủ ban hành để xác định rõ những nội dung, nhiệm vụ, trong đó việc đầu tiên và quan trọng nhất là phải rà soát pháp lý và điều chỉnh các khung pháp luật của nhà nước để thực hiện nội luật hóa những cam kết hội nhập của hiệp định CPTPP.
Tiếp đó, sẽ phải chương trình tổ chức công bố và cung cấp thông tin đầy đủ, cũng như thực hiện các hoạt động tuyên truyền giới thiệu về hiệp định CPTPP cho tất cả các đối tượng chủ thể của hội nhập quốc tế của Việt Nam, trong đó đặc biệt lưu ý đến vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc triển khai thực hiện; vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong việc tiếp cận với những nội dung, điều kiện và cơ hội, cũng như những thách thức, yêu cầu của hiệp định CPTPP để các doanh nghiệp biến nó vào trở thành những chương trình hành động trong việc thực thi cam kết hội nhập, đồng thời khai thác những cơ hội và điều kiện thuận lợi của hiệp định CPTPP và thực hiện tái cơ cấu để ứng phó, cũng như hạn chế những thiệt hại và tác động theo chiều khác của hiệp định hội nhập này.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, cũng cần phải thành lập về mặt thể chế các cơ chế để đôn đốc, giám sát, kiểm tra việc thực hiện hiệp định CPTPP. Trong khuôn khổ của CPTPP các quốc gia cũng đã thống nhất có những cơ chế chung trong việc tổ chức đôn đốc, kiểm tra việc thực thi hiệp định ở mỗi quốc gia thành viên.
Ông cũng nhấn mạnh đến một yếu tố rất quan trọng đó là vai trò, sự chủ động của mỗi cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là các bộ ngành là thành viên chính phủ bởi vì những nội dung, nhiệm vụ liên quan đến việc thực thi hiệp định CPTPP đòi hỏi sự tham gia rất sâu rộng và chủ động của mỗi bộ ngành.
Ngoài ra, không chỉ các cơ quan nhà nước mà cả các tổ chức trong hệ thống chính trị cũng phải xác định và thấu hiểu rõ những nhiệm vụ và yêu cầu đặt ra trong việc tổ chức thực thi hiệp định CPTPP.