Ngày 8/6, Quốc hội Việt Nam thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA), rộng mở cánh cửa cho hàng hóa Việt Nam vào một thị trường lớn nhưng cũng đi kèm với những tiêu chuẩn cao hơn.
Điều này đặt doanh nghiệp và cả các nhà quản lý Việt Nam trước nhiều thử thách trong kỳ vọng nắm bắt các cơ hội to lớn đang tới.
Cao ủy thương mại của EU, Phil Hogan, đã viết trên Twitter rằng EVFTA sẽ giúp tăng cơ hội hợp tác kinh doanh giữa hai bên, tạo việc làm, thúc đẩy đầu tư và cải thiện các tiêu chuẩn. Với các quy tắc chuẩn mực, thương mại có thể mang lại lợi ích cho tất cả mọi người.
Với EVFTA, Việt Nam và EU cùng cam kết xóa bỏ tới 99% số dòng thuế nhập khẩu trong khoảng thời gian 7 năm đối với EU và 10 năm với Việt Nam.
Theo đó, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ số dòng thuế tới 48,5% ngay khi Hiệp định có hiệu lực; 58,7% sau 3 năm; 79,6% sau 5 năm; 91,8% sau 7 năm và 98,3% sau 10 năm, đối với các sản phẩm nhập khẩu từ EU.
Còn về xuất khẩu, Việt Nam cam kết xóa bỏ phần lớn thuế xuất khẩu hàng hóa sang EU với lộ trình lên đến 15 năm.
Hiệp định mở ra những cơ hội mới to lớn cho hàng Việt vào thị trường EU, nhưng đi kèm với đó là những thách thức không hề nhỏ.
Rào cản tiêu chuẩn chất lượng
Trên thực tế, EVFTA cho phép giảm thuế nhưng các tiêu chuẩn kỹ thuật là không đổi nên muốn vào được thị trường châu Âu thì hàng hóa của Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chuẩn của EU.
Một khi cánh cửa thị trường được mở, doanh nghiệp Việt phải sản xuất cái thị trường cần, theo tiêu chuẩn của thị trường – cụ thể trong trường hợp EVFTAlà các tiêu chuẩn của EU.
Ví dụ như trong đại dịch COVID-19, các nước EU rất thiếu trang thiết bị y tế và khẩu trang. Các doanh nghiệp Việt Nam có năng lực sản xuất nhưng sản phẩm của nhiều đơn vị chỉ mới đạt tiêu chuẩn của Việt Nam nên không vào được thị trường châu Âu.
Nông sản Việt Nam xuất sang châu Âu cũng khá nhiều, nhất là ở những nước có đông bà con người Việt.
Ông Nguyễn Cảnh Cường, người từng đảm nhiệm vị trí tham tán thương mại của Việt Nam tại Vương quốc Bỉ cho biết, châu Âu có những quy định rất chặt chẽ và luôn được bổ sung trong vấn đề sử dụng thuốc trừ sâu, thông thường quy định của họ còn đi trước cả nghiên cứu của các công ty hóa chất.
Mỗi khi EU thay đổi quy định, doanh nghiệp xuất khẩu buộc phải thay đổi loại thuốc trừ sâu khiến chi phí sản xuất bị đội lên.
Nhưng nếu không tuân thủ thì hàng hóa xuất sang EU sẽ phải hủy hoặc bị trả lại nếu bị phát hiện vi phạm.
Tiến sĩ Pierre Groning, thuộc Hiệp hội công nghiệp hóa học Đức, đánh giá thị trường EU có yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn và trên thực tế cũng là những tiêu chuẩn cao nhất thế giới.
Một số chuẩn được áp dụng, đó là luật REACH (đăng ký, đánh giá, cấp phép và hạn chế hóa chất), RoHs (hạn chế sử dụng một số chất độc hại trong thiết bị điện và điện tử) và chỉ thị về kiểm dịch thực vật và điều kiện kiểm dịch thực vật để ngăn chặn sự ra đời và lây lan của các sinh vật gây hại cho thực vật và các sản phẩm từ thực vật.
Vấn đề nguồn gốc xuất xứ
Với việc EVFTA đi vào thực thi, Việt Nam sẽ tôn trọng 169 chỉ dẫn địa lý châu Âu trong khi phía EU cũng sẽ tôn trọng các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam, do đó chỉ dẫn địa lý sẽ được quản lý và bảo vệ tốt hơn.
Tiến sĩ Pierre Groning nhận định quy tắc về xuất xứ cũng có thể là thách thức với các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam.
Để chứng nhận nguồn gốc hàng hóa theo quy tắc về xuất xứ của Hiệp định, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tìm hiểu các điều kiện của châu Âu, điều này có thể dẫn đến việc điều chỉnh cả về quy trình sản xuất cũng như nguồn nguyên liệu đầu vào.
Hiệp định Thương mại Tự do EVFTA sẽ là cơ hội lớn cho cho ngành da giày của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU. Ảnh: TTXVN
Tuy vậy, EVFTA đồng thời mang đến cho họ cơ hội hiếm có để phát triển theo hướng tăng cường năng lực cạnh tranh quốc tế và đổi mới với việc tuân thủ các công ước về quyền của người lao động.
Theo ông Cảnh Cường, chỉ các sản phẩm có nguồn gốc hoàn toàn từ Việt Nam mới đủ điều kiện hưởng ưu đãi về thuế quan.
Nếu sản phẩm có nguồn gốc từ một nước thứ ba thì nguy cơ bị áp thuế chống bán phá giá hoặc gian lận thương mại là rất cao.
Khía cạnh pháp lý
Theo đánh giá của Phòng thương mại Bỉ-Việt, sự cạnh tranh giữa các công ty không chỉ về chất lượng, tiêu chuẩn và giá cả mà còn cả trong khâu tổ chức, sự am hiểu về thị trường châu Âu, đặc biệt trong việc sử dụng các rào cản kỹ thuật-thương mại và khung pháp lý.
Ông Huỳnh Trang Long, Chủ tịch Phòng thương mại Bỉ-Việt cho biết có những khác biệt quan trọng giữa Việt Nam và châu Âu trong sử dụng kỹ thuật thương mại.
Rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam, xuất khẩu cũng như nhập khẩu, sử dụng hình thức thanh toán điện chuyển tiền bởi nó đơn giản.
Ông Trang Long phân tích rằng trong xuất khẩu, có thể rủi ro là không lớn với phía các công ty Việt Nam, nhưng tình hình không hoàn toàn giống như vậy khi doanh nghiệp là bên nhập khẩu hàng hóa.
Ông cho rằng phương thức thanh toán này không đảm bảo chắc chắn và có thể là nguyên nhân dẫn tới tranh chấp. Còn phía các công ty châu Âu thường ưu tiên thanh toán qua hình thức thư tín dụng (L/C).
Về mặt pháp lý, hình thức thanh toán này an toàn hơn. Các doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu chuyển sang hình thức thanh toán này.
Ông Trang Long đánh giá biện pháp phòng ngừa là rất quan trọng trong thương mại quốc tế bởi hoạt động này luôn phải đối mặt với những rủi ro không thể lường trước, ví dụ như khoảng cách địa lý, rủi ro trong quá trình vận tải, sự khác biệt về pháp luật giữa các quốc gia, doanh nghiệp thiếu kiến thức về đối tác hay sơ suất trong công tác kiểm tra, giám định hàng hóa. Trang bị văn hóa phòng ngừa và quản lý rủi ro cho doanh nghiệp Việt là việc làm rất cần thiết.
Ông Cảnh Cường cũng cảnh báo về khả năng đánh giá rủi ro, doanh nghiệp không có nhân sự đủ năng lực đánh giá rủi ro có thể đứng trước nguy cơ bị đối tác o ép, từ đó nguy cơ thiệt hại tài chính là rất cao.
Đánh giá rủi ro là vấn đề rất khó, nhiều khi phải tốn cả thời gian và tiền bạc để có thể đúc rút được kinh nghiệm.
Có những doanh nghiệp châu Âu vốn chỉ vài nghìn euro nhưng vẫn ký hợp đồng nhập khẩu giá trị từ hàng chục đến hàng trăm ngàn euro, nếu bán được hàng họ sẽ có tiền để thanh toán cho nhà cung cấp, ngược lại nếu họ phá sản thì bên xuất khẩu sẽ mất trắng. Không có chuyên gia thông hiểu pháp luật châu Âu thì khả năng rủi ro thua thiệt sẽ là rất cao.
Ông Pierre Groning băn khoăn là liệu các cơ quan chức năng ở Việt Nam có đủ thông tin và phương tiện để thực hiện thỏa thuận ngay từ ngày đầu tiên có hiệu lực hay không.
Thực tế đòi hỏi phải nâng cao năng lực và tăng cường công tác đào tạo, nhất là đối với cán bộ hải quan Việt Nam.
So với thông lệ quốc tế thì cả thể chế kinh tế và môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam vẫn tồn tại những khoảng cách.
Việt Nam cần phải nỗ lực cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, nếu không đây sẽ là rào cản ngăn dòng vốn đầu tư nước ngoài có chất lượng vào Việt Nam, làm vuột mất cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trong thương mại quốc tế.

Nguồn: BNEWS/TTXVN