Là đối tác với hàng loạt quốc gia thông qua việc thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và được hưởng ưu đãi thuế quan cho nhiều mặt hàng, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ gian lận xuất xứ hàng hóa ngày càng tinh vi. 
Không những thế, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU ( EVFTA) đi vào thực thi từ 1/8 giúp hàng hóa Việt Nam được hưởng ưu đãi khi chuẩn bị xuất khẩu sang nhiều thị trường nhưng hệ lụy cũng đến khi nhiều mặt hàng phải chịu áp lực do gian lận xuất xứ hàng hóa và có thể bị trừng phạt bằng các biện pháp tự vệ. Vì vậy, Bộ Công Thương đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn và đẩy lùi thực trạng này.
*Đối mặt với thách thức
Đại diện Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay, việc gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định, chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đã và đang ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Các nhóm mặt hàng có nguy cơ gian lận, giả mạo xuất xứ, gồm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện; nhôm và các sản phẩm từ nhôm…
Theo đại diện Cục Xuất Nhập khẩu, năm 2020 Chính phủ đặt mục tiêu tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 8% là mục tiêu có cơ sở bởi ngoài thị trường xuất khẩu truyền thống, hàng loạt FTA đã ký kết và đang đàm phán, mở ra cơ hội lớn cho hàng hóa Việt với nhiều mặt hàng được miễn thuế.
Tuy nhiên, mặt trái đi kèm là tình trạng các doanh nghiệp tìm cách lợi dụng xuất xứ hàng hóa, thậm chí giả mạo C/O của Việt Nam để được hưởng ưu đãi, hoặc lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại một cách bất hợp pháp.
Qua khảo sát, Bộ Công Thương đã đưa ra danh sách hàng loạt mặt hàng có nguy cơ bị gian lận xuất xứ; trong đó, có nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng chỉ rõ phương thức, thủ đoạn gian lận xuất xứ phổ biến là sản xuất tại nước ngoài, khi nhập khẩu về Việt Nam ghi sẵn dòng chữ "Made in Vietnam" trên sản phẩm, bao bì sản phẩm, phiếu bảo hành ghi bằng tiếng Việt các thông tin về nhãn hiệu, địa chỉ trụ sở, trang website, trung tâm bảo hành tại Việt Nam.
Ngoài ra, còn có những trường hợp hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài, dán nhãn, ghi xuất xứ hàng hóa trên bao bì, sản phẩm được sản xuất tại nước ngoài nhưng khi đưa ra lưu thông, tiêu thụ nội địa bị bóc nhãn và thay nhãn mới ghi "Made in Vietnam" hoặc, "xuất xứ Việt Nam".
Không những thế, doanh nghiệp còn thành lập nhiều công ty, mỗi công ty nhập khẩu một số cụm linh kiện, phụ tùng hoặc bộ phận tháo rời để lắp ráp hoặc bán cho công ty khác gia công, lắp ráp… không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định, nhưng vẫn ghi "sản xuất tại Việt Nam" hay "xuất xứ Việt Nam" để tiêu thụ thị trường trong nước, đánh lừa người tiêu dùng.
Đáng lưu ý, nhiều thương nhân nước ngoài lợi dụng doanh nghiệp Việt Nam làm dịch vụ vận chuyển quá cảnh; tạm nhập tái xuất để trung chuyển hàng hóa, sau đó thương nhân nước ngoài làm giả C/O Việt Nam để gian lận xuất xứ hàng hóa.
Theo Bộ Công Thương, dù tỷ lệ C/O bị hải quan các nước yêu cầu xác minh xuất xứ trong tổng số C/O ưu đãi được cấp là rất nhỏ nhưng vẫn còn tình trạng làm giả C/O để gian lận xuất xứ.
Hơn nữa, việc hỗ trợ cung cấp số liệu xuất nhập khẩu của cơ quan hải quan, nhất là quá trình đối chiếu, xem xét để cấp C/O cho doanh nghiệp còn chậm. Đặc biệt, một số thị trường không yêu cầu cấp C/O nhập khẩu nên việc phòng, chống gian lận xuất xứ bằng cách tăng cường quản lý khi cấp C/O gặp khó khăn.
Phân tích từ các chuyên gia cho thấy, nguyên nhân là do hành lang pháp lý hiện chưa theo kịp diễn biến thực tế và quy định về quy tắc xuất xứ với một số mặt hàng còn lỏng lẻo.
Hơn nữa, việc quy định kiểm tra hồ sơ xin cấp chứng nhận xuất xứ C/O chưa chặt chẽ; quy định pháp luật về xuất xứ chưa cụ thể, chưa bao quát được, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe và phòng ngừa.
Không những thế, một số doanh nghiệp lợi dụng việc tổ chức cấp C/O tạo sự thông thoáng trong khâu kiểm tra hồ sơ trước khi xuất khẩu để thực hiện hành vi gian lận về chứng từ chứng minh xuất xứ hàng hóa hoặc lợi dụng việc cấp các loại Giấy chứng nhận khác có nội dung tương tự C/O để gian lận…
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Trần Hữu Linh- Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua, Cục Xuất Nhập khẩu nhiều lần gửi hồ sơ sang Tổng cục Quản lý thị trường về nghi vấn gian lận C/O, làm C/O giả. Qua kiểm tra, doanh nghiệp cũng lý giải là do cần gấp C/O, nếu không cấp kịp phía đối tác sẽ huỷ đơn hàng.
Ngoài ra, một nguyên nhân khác là tình trạng lợi dụng việc một số nước nhập khẩu áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ. Một số nước kể cả Mỹ cho phép nhà nhập khẩu được tự khai báo, tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa nên xuất hiện hành vi gian lận xảy ra bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Điều này vượt tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng Việt Nam.
* Đẩy lùi gian lận xuất xứ
Theo ông Lê Triệu Dũng- Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, tới nay, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan, các hiệp hội và các doanh nghiệp tiếp nhận, xử lý 176 vụ việc nước ngoài khởi xướng điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Trong khi đó số vụ việc của Việt Nam điều tra để áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ các ngành sản xuất trong nước mới dừng lại con số 17. Điều này cho thấy, các biện pháp phòng vệ thương mại, bao gồm biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ là các biện pháp được áp dụng phổ biến trong thương mại quốc tế.
Chẳng hạn như Hoa Kỳ, Canada hay EU đã có những quy định về phòng vệ thương mại cách đây gần 100 năm nhưng tại Việt Nam công cụ về phòng vệ thương mại vẫn còn là các nội dung tương đối mới với các cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp.
Ông Lê Triệu Dũng cũng chỉ ra rằng, nếu như năm 2007 Việt Nam mới gia nhập WTO, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 100 tỷ USD thì năm 2019 đã đạt tới con số 500 tỷ USD. Như vậy, chỉ trong vòng 12 năm kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã tăng gấp đôi và số lượng các vụ việc, các biện pháp phòng vệ thương mại với cái hàng hóa xuất khẩu cũng gia tăng theo.
Vì thế, ngay sau khi Đề án 824 về Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 4/7/2019, các bộ, ngành đã tích cực, chủ động triển khai các nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ giao thông qua việc ban hành các Kế hoạch hành động, thành lập các Tổ công tác, triển khai thực hiện quyết liệt trên thực tế.
Danh sách cảnh báo mặt hàng có nguy cơ gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp nhằm lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đã được Bộ Công Thương xây dựng và cập nhật định kỳ để gửi các bộ, ngành, UBND các tỉnh/thành phố.
Ngoài ra, Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan đã phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài có chức năng điều tra các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp cũng như khuyến cáo doanh nghiệp không tiếp tay cho các hành vi gian dối.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 22/2019/TT-BCT ngày 12/11/ 2019 quy định về tạm ngừng kinh doanh chuyển khẩu, kinh doanh tạm nhập gỗ dán vào Việt Nam để tái xuất Hoa Kỳ và Thông tư số 27/2019/TT-BCT ngày 15/11/2019 quy định về danh mục phế liệu tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất, kinh doanh chuyển khẩu.
Mặt khác, Bộ Công Thương còn xây dựng dự thảo thông tư quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam.
Đặc biệt, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các cơ quan cấp giấy chứng nhận xuất xứ tăng cường công tác kiểm tra, đấu tranh với hành vi gian lận thương mại về xuất xứ, đặc biệt các mặt hàng nhạy cảm.
Nhận định về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, việc ban hành và thực thi Đề án 824 của Chính phủ là quyết định quan trọng, thể hiện quan điểm rõ ràng và quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc ngăn chặn các hành vi lẩn tránh bất hợp pháp, gian lận xuất xứ và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần tuân thủ chặt chẽ quy định về chứng nhận xuất xứ; xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý hiện đại để đáp ứng các yêu cầu chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu.
Mặt khác, không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, đồng thời phối hợp theo dõi sát thị trường để có thể kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý khi thấy có dấu hiệu bất thường.
Bộ Công Thương khẳng định sẽ cùng các cơ quan thực thi phòng chống gian lận xuất xứ, gian lận thương mại và quản lý nhà nước phát huy hơn nữa cơ chế phối hợp, đưa ra những biện pháp cụ thể để xử lý vấn đề này.
Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ tạo sự tương tác thường xuyên hơn nữa giữa cộng đồng doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước, giữa khu vực trong nước với đối tác quốc tế để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng từ các biện pháp phòng vệ thương mại.  

Nguồn: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN