Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) được coi là hiệp định thế hệ mới, mở ra nhiều cơ hội rất lớn cho Việt Nam. Ngay sau khi Việt Nam tuyên bố chính thức kết thúc đàm phán, các doanh nghiệp trong nước đã có chung tâm lý hào hứng trước các cơ hội được mở ra trên thị trường EU.
Mặc dù đứng trước nhiều cơ hội lớn, song vẫn có không ít doanh nghiệp Việt Nam tỏ ra lo lắng trước những thách thức tồn tại và cạnh tranh khi tham gia thị trường hàng hóa rộng lớn này. Hơn nữa, thời điểm 2018 không chỉ có EVFTA mà còn có Hiệp định TPP có thể sẽ có hiệu lực sẽ tạo thêm sức ép lớn cho các doanh nghiệp.
Lợi ích rất rõ ràng...
Trước những lo lắng của các doanh nghiệp, tại hội thảo “FTA Việt Nam- EU: Cơ hội cho doanh nghiệp”, Thứ trưởng Bộ Công Thương - ông Trần Quốc Khánh trấn an rằng, những lo lắng của doanh nghiệp là không cần thiết, bởi lẽ đây không phải lần đầu tiên Việt Nam cam kết giảm thuế cho hàng hóa nhập khẩu từ bên ngoài.
Cụ thể là từ năm 1995, Việt Nam đã cam kết giảm thuế hàng hóa nhập khẩu cho các nước ASEAN trong khuôn khổ khu vực thương mại tự do ASEAN. Hoặc như năm 2000, Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ với các cam kết về mở cửa thị trường dịch vụ cho bên ngoài.
“Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2015 đã tăng 30 lần, đạt trên 160 tỷ USD. Gần đây nhất, năm 2006 khi Việt Nam gia nhập WTO, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sau 10 năm sau đã tăng hơn gấp 3 đạt trên 160 tỷ USD. Như vậy, tác động tích cực của hội nhập kinh tế quốc tế là điều các doanh nghiệp hoàn toàn có thể nhận thức được”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đánh giá.
Cũng theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, khi nhìn về lợi ích cũng như cơ hội đến từ các FTA, các doanh nghiệp đều có thể tính toán được tác dụng của việc dỡ bỏ thuế quan. Đơn cử như với EVFTA, việc giảm thuế mà EU dành cho Việt Nam sẽ giúp 42% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam có thể hưởng thuế suất 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực.
Tuy nhiên, lợi ích từ các FTA mang lại không chỉ dừng ở đó, việc tham gia các FTA thế hệ mới thể hiện nỗ lực của Việt Nam để cân đối lại thị trường xuất khẩu. Thực tế hiện nay, trên 70% hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam đến từ các nước Đông Á như ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… Với tỷ lệ phụ thuộc lớn như vậy, nếu thị trường nhập khẩu rủi ro thì xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ gặp vấn đề.
“Trong quá khứ vấn đề này đã từng xảy ra. Trước năm 1998, xuất khẩu của Việt Nam thường xuyên tăng trưởng trên 20% nhưng khi khủng hoảng Đông Á diễn ra thì xuất khẩu của Việt Nam trong năm 1998 tăng chưa đầy 2%. Nhận thức được rủi ro này, Chính phủ đã quyết định đàm phán các FTA để cân đối thị trường, cân bằng xuất nhập khẩu, giảm thiểu rủi ro”, ông Khánh nói.
Hơn nữa, khi tham gia các FTA thế hệ mới với các đối tác lớn như Mỹ, Nhật Bản, EU… sẽ giúp Việt Nam trở thành một vị thế đặc biệt. Sản phẩm hàng hóa của Việt Nam có thể kết nối với tất cả các thị trường lớn trên thế giới. Cùng với đó, các nhà đầu tư và sản xuất sản phẩm tại Việt Nam sẽ dễ dàng tiếp cận thị trường ASEAN và các thị trường lớn khác trên thế giới mà không phải chịu thuế nhập khẩu. Quan trọng hơn, việc tham gia EVFTA sẽ giúp Việt Nam có điều kiện để cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh cũng như cải cách thể chế.
Bản thân doanh nghiệp là điểm tựa vững chắc
Theo những phân tích của Thứ trưởng Trần Quốc Khánh có thể thấy, các FTA đang mở ra cho Việt Nam những cơ hội rất lớn. Tuy nhiên, cơ hội đó không tự thân biến thành lợi ích. Việc có nắm được cơ hội đó hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào nỗ lực của Chính phủ cũng như của cộng đồng doanh nghiệp.
Vì thế, về phía Chính phủ sẽ làm hết sức mình để có thể nắm bắt được các cơ hội do FTA tạo ra, đặc biệt là các cơ hội về cải thiện môi trường kinh doanh cũng như hiện đại hóa môi trường thể chế. Nhưng cùng với đó, các doanh nghiệp cũng cần tiếp cận FTA theo cách chủ động hơn trước. Nếu doanh nghiệp vẫn tư duy, làm theo cách chờ đợi khách hàng tìm đến mình sẽ không còn phù hợp với tình hình hiện nay.
“Chúng tôi mong các doanh nghiệp đi nhiều hơn, trực tiếp tiếp cận hệ thống phân phối, tiếp cận khách hàng, lắng nghe phản hồi của họ về sản phẩm, từ đó có điều kiện cải thiện mẫu mã, chất lượng sản phẩm để có thể tăng cường xuất khẩu sang EU, cũng như các thị trường khác”, Thứ trưởng Trần Ngọc Khánh đề xuất.
Một số chuyên gia cũng cho rằng, người tiêu dùng EU luôn quan tâm đến môi trường và được bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời, EU là thị trường tương đối đồng nhất, đòi hỏi cao hơn các thị trường khác, do vậy, muốn xâm nhập EU, doanh nghiệp luôn phải suy nghĩ về vấn đề chất lượng và ổn định chất lượng trong thời gian dài. Chỉ khi nào doanh nghiệp quan tâm đến điều đó thì xuất khẩu sang EU mới có tốc độ tăng trưởng tốt hơn.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng chỉ rõ, để tận dụng cơ hội mà FTA mang lại, điểm tựa vững chắc nhất vẫn là ở bản thân các doanh nghiệp, cần tìm hiểu thị trường mới, từ đó đưa ra những chiến lược cạnh tranh cụ thể.
Ông Vinh khích lệ: “Có khi chỉ với một sản phẩm tương đồng, nhưng nếu biết tạo ra sự cạnh tranh bằng giá cả hay sự khác biệt, doanh nghiệp hoàn toàn có thể tranh thủ tận dụng được lợi thế”.
Nguồn: Nguyễn Quỳnh/Vov.vn