Chính vì vậy, giữ vững chất lượng chính là yếu tố quan trọng nhất để duy trì diện tích ca cao hiện tại và phát triển trở lại theo hướng bền vững trong thời gian tới.

Theo Cục Trồng trọt, trong năm 2016, diện tích ca cao tiếp tục giảm. Đến nay chỉ còn 10.072ha, giảm hơn 1.000ha so với cuối năm 2015, và đã giảm 15.628ha so với năm 2012.

Trong khi diện tích tiếp tục giảm thì sản lượng ca cao lại tăng lên nhờ tăng năng suất bình quân. Cụ thể, năng suất bình quân của ca cao trong năm 2016 là 0,97 tấn hạt khô/ha (tăng 0,13 tấn/ha so năm 2015), sản lượng 7.372 tấn (tăng 595 tấn).

Đặc biệt, chất lượng ca cao Việt Nam ngày càng được khẳng định trên thị trường thế giới. Trong năm 2016, ca cao Việt Nam đã được Hội đồng Ca cao quốc tế xếp vào danh sách 23 nước có ca cao hương vị tốt (tỷ lệ ca cao hương vị của Việt Nam là 40%). Các sản phẩm chocolate của Công ty Marou được sản xuất từ hạt ca cao Việt Nam đã được quốc tế đánh giá cao.

Còn theo tiết lộ của ông Nguyễn Văn Thiết, đại diện UTZ tại Việt Nam, dù sản lượng ca cao Việt Nam hiện còn khá khiêm tốn, nhưng vẫn được một tập đoàn thực phẩm quốc tế duy trì thu mua, bởi ca cao Việt Nam đã được tập đoàn này đưa vào pha chế các sản phẩm chocolate của họ và được khách hàng chấp nhận.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Thiết, diện tích ca cao bị mất đi trong mấy năm qua chủ yếu ở những nơi không thích hợp cho việc phát triển ca cao hoặc ở những hộ không có điều kiện đầu tư thâm canh cho ca cao. Vì vậy diện tích ca cao hiện còn giữ được, chủ yếu là những nơi, những vườn ca cao vẫn đang đem lại hiệu quả kinh tế cho nông dân. Chính vì vậy, phải giữ bằng được chất lượng và năng suất ca cao trong thời gian tới. Có như vậy mới có thể duy trì được diện tích ca cao cũng như ngành hàng ca cao Việt Nam.

Bà Thái Thị Hòa, Trưởng đại diện Chi nhánh Bến Tre (Công ty Puratos), cho biết, nhu cầu thu mua ca cao đang lớn hơn nhiều so với sản lượng. Chi nhánh Bến Tre của Công ty Puratos có nhà xưởng lên men với công suất thiết kế 1.000 - 1.500 tấn hạt khô/năm, nhưng chưa bao giờ thu mua đủ lượng hạt khô để chạy hết công suất nói trên. Sắp tới, nhà máy sẽ nâng công suất lên trên 2.000 tấn/năm, thì nhu cầu thu mua hạt khô lại càng lớn. Vì thế, chính quyền địa phương và nông dân trồng ca cao không cần phải lo lắng về đầu ra.

Vấn đề lớn nhất đối với ca cao hiện nay là phải tổ chức lại sản xuất theo hướng bền vững, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân để giữ được chất lượng và tăng năng suất, qua đó nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân.

Theo bà Thái Thị Hòa, hiện nay chúng ta đã có bộ giống ca cao chất lượng tốt, đã xây dựng được quy trình kỹ thuật canh tác. Nếu ngành nông nghiệp các địa phương tích cực hướng dẫn nông dân sử dụng đúng giống tốt, tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật canh tác, hoàn toàn có thể tăng năng suất lên gấp 2 - 3 lần.

Tìm kiếm những mô hình xen canh hiệu quả cho ca cao cũng là một giải pháp quan trọng để duy trì và tăng diện tích ca cao trở lại. Thông tin từ Trung tâm Khuyến nông Bến Tre cho hay, trên địa bàn tỉnh này đã xuất hiện những mô hình trồng xen ca cao trong vườn cây ăn trái, nhất là vườn sầu riêng, đạt hiệu quả tích cực. Ca cao trồng xen trong vườn sầu riêng không hề ảnh hưởng gì tới sầu riêng, mà lại đạt năng suất cao gấp 3 - 4 lần ca cao trồng ở nơi khác.

Một tín hiệu vui cho ca cao Việt Nam là đã có sự quan tâm đầu tư từ nhiều DN nước ngoài, trong đó có những tên tuổi lớn như Lotte. Hiện tại, một số tổ chức quốc tế, doanh nghiệp nước ngoài đang xúc tiến xây dựng vùng sản xuất ca cao tập trung, quy mô lớn ở Đăk Lăk và Đồng Nai.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã quan tâm nhiều hơn tới việc phát triển ca cao. Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Bình Phước, cho biết, tỉnh này hiện có 181.000ha điều, trong đó, 1/3 diện tích thích hợp để trồng xen ca cao. Điều là cây chủ lực của Bình Phước. Mà muốn giữ được diện tích điều, phải trồng xen cây khác để nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân.

Vì thế, ca cao đang có nhiều cơ hội để phát triển ở tỉnh này. Ngoài ra, theo ý kiến một số chuyên gia, khu vực từ nam đèo Hải Vân đến Bình Định, ven sông Ba và sông Hinh (Phú Yên), có thể phát triển tốt ca cao nhờ nguồn nước dồi dào, khí hậu thích hợp... và không bị cạnh tranh bởi những cây trồng có giá trị cao.

Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam