Đây là chia sẻ của ông Quách Thế Phong - Trưởng Bộ phận tư vấn Công ty Tư vấn chiến lược phát triển quốc tế Ipsos Business Consulting (IBC) - với phóng viên Báo Công Thương về triển vọng ngành chăn nuôi heo Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
Mới đây Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam đã có tâm thư gửi đại biểu quốc hội để phản ánh về thực trạng khó khăn của ngành chăn nuôi heo Việt Nam và đề xuất đẩy mạnh xuất khẩu thịt heo qua thị trường Trung Quốc. Ông đánh giá vấn đề này như thế nào?
 
Theo khảo sát của IBC trong giai đoạn 2013-2016, lượng heo thịt của Việt Nam tăng chậm dần từ 39,85 triệu con tới 54,46 triệu con, chủ yếu xuất khẩu chính ngạch đi Hồng Kông và Malaysia khoảng 200.000 con. Tuy nhiên trong giai đoạn này, heo xuất tiểu ngạch đi Trung Quốc lại tăng mạnh. Năm 2014 xuất 9,1 triệu con; năm 2016 đạt khoảng 12 triệu con, tương đương khoảng 33.000 con/ngày. Nguyên nhân do nguồn cung heo nội địa tại Trung Quốc bị thiếu hụt trầm trọng, các thương lái Trung Quốc đã tích cực thu mua heo hơi Việt Nam để bù vào. Heo Việt Nam rẻ hơn heo Trung Quốc, điều kiện bán hàng thuận lợi dẫn tới tăng gần gấp đôi lượng heo Việt Nam xuất sang Trung Quốc, tính từ năm 2013 đến giữa năm 2016.
Ông đánh giá thế nào về thị trường Trung Quốc đối với mặt hàng thịt heo của Việt Nam?
Trung Quốc là một trong các quốc gia hàng đầu nhập khẩu thịt heo trên thế giới. Thị trường này có nhiều phân khúc từ thấp đến cao cấp. Lo ngại nhất hiện nay là thịt heo xuất khẩu không chính ngạch từ phía Việt Nam đang được một bộ phận rất lớn người tiêu dùng Trung Quốc ngầm hiểu là phi pháp và tiềm ẩn rủi ro dịch bệnh, do trước đây khi kiểm soát gắt gao việc xuất khẩu, cả người tiêu dùng và nhà chức trách đều không có cái nhìn thiện cảm về việc nhập khẩu tiểu ngạch heo hơi và đây cũng mở đầu cho việc cấm nhập khẩu thịt heo hơi tiểu ngạch. Tuy thị trường lớn nhưng người tiêu dùng Trung Quốc cũng yêu cầu thực phẩm sạch và nhà chức trách Trung Quốc cũng yêu cầu phải kiểm soát được rủi ro dịch bệnh mà việc xuất khẩu heo hơi như Việt Nam làm trong năm 2016 sẽ rất khó đảm bảo.
Ngành công nghiệp chăn nuôi heo của Việt Nam hiện đang gặp nhiều khó khăn. Theo ông đâu là nguyên nhân của tình trạng này?
Chúng tôi đánh giá, khủng hoảng thừa là nguyên nhân gây ảnh hưởng đến hầu hết các bên trong chuỗi giá trị sản xuất thịt heo tại Việt Nam. Trong đó, nhóm nông hộ nhỏ bị ảnh hưởng nặng nề do chi phí chăn nuôi cao, khả năng tài chính hạn chế, thiếu kiến thức về thị trường và chăn nuôi hiện đại. Trong khi năm 2017 và 2018 các trang trại quy mô lớn lại đang tiếp tục tăng đàn, một khi các nông hộ nhỏ bị mất thị phần, họ sẽ có rất ít cơ hội để quay lại thị trường.
Theo đó, nhóm nông hộ nhỏ có thể phải giảm ít nhất 33% trong năm 2017- 2018, tức cứ 10 nông hộ nhỏ thì sẽ có 3 nông hộ phải dừng sản xuất hoàn toàn. Giải pháp rất bức thiết hiện nay là hướng dẫn cụ thể cho nông dân biết về xu hướng giảm đàn, thận trọng trong việc chờ giá tăng lại vào cuối năm nay. Chúng tôi còn nhận thấy, xuất khẩu heo hơi tiểu ngạch sang Trung Quốc năm 2017- 2018 sẽ khó đạt cao như năm 2016, do đó cả thị trường heo hơi Việt Nam phải giảm đàn.
Thưa ông, làm cách nào để bình ổn thị trường thịt heo trong nước và giảm lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc ?
Một số giải pháp đưa ra để “giải cứu” thịt heo chỉ mang tính chất ngắn hạn. Thực tế nhất cần phải làm hiện nay là giảm nguồn cung thịt và nhờ đó giúp nông dân cắt giảm thua lỗ. Điều rất đáng lo hiện nay là có một bộ phận nông dân thiếu tiếp cận thông tin thị trường và vẫn đang mong chờ việc tăng giá trở lại vào cuối năm. Họ nhìn thấy giá heo xuất chuồng tăng lại vào vài tháng trước là dấu hiệu tốt.
Trong khi đó, dữ liệu của cả năm 2017 cho thấy giá heo vẫn đang dao động liên tục khi lên khi xuống. Theo chúng tôi, nguyên nhân là do thị trường đang tự điều chỉnh cung cầu. Việc giá heo có tăng lên cũng chỉ là thời điểm. Về dài hạn, vẫn là nâng cao chất lượng thịt, làm truy xuất nguồn gốc và sản xuất thịt sạch. Theo đó cần có các chính sách ưu đãi rất cụ thể cho DN để họ mạnh dạn đầu tư vào các điểm còn thiếu sót hiện nay trong chuỗi giá trị heo. Hiện vẫn còn thiếu các ưu đãi cụ thể, dài hạn khiến các DN còn e ngại khi muốn đầu tư lớn vào chuỗi giá trị chung. Mặt khác, cần có giải pháp kiểm soát và giúp nông dân nâng cao chất lượng chăn nuôi, đi đôi với việc cắt giảm chi phí nuôi heo.
Xin cảm ơn ông!
Mặc dù thị trường Trung Quốc rất tiềm năng đối với sản phẩm thịt heo nhưng cũng chứa đựng nhiều rủi ro. Để xuất khẩu thịt heo qua Trung Quốc tăng sản lượng và ổn định, ngành công nghiệp chăn nuôi thịt heo Việt Nam cần nâng cao chất lượng thịt và giảm bớt tình trạng buôn bán tiểu ngạch qua thị trường này.
Nguồn: Thế Vĩnh- Nguyễn Phượng/Báo Công Thương điện tử