Đóng góp lớn cho nền kinh tế
Nhằm tôn vinh doanh nghiệp, quảng bá thương hiệu và hình ảnh Việt Nam, từ năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, lấy ngày 20/4 hàng năm trở thành “Ngày thương hiệu Việt Nam”. Có thể khẳng định, việc xây dựng và phát huy giá trị “Thương hiệu Việt Nam” nhận được sự quan tâm lớn từ Chính phủ, các địa phương đến từng doanh nghiệp. Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, bước vào giai đoạn phát triển mới, với sự quan tâm sâu sắc đến hoạt động phát triển thương mại và xúc tiến xuất khẩu, từ năm 2003, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì thực hiện Chương trình Thương hiệu Quốc gia (THQG) với mục đích quảng bá hình ảnh quốc gia, THQG thông qua thương hiệu sản phẩm. Đây là chương trình xúc tiến thương mại quốc gia dài hạn nhằm xây dựng, quảng bá nhãn hiệu hàng hóa và dịch vụ, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý và tên gọi xuất xứ hàng hóa của Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước.
Một trong những nội dung quan trọng của Chương trình THQG là lựa chọn các doanh nghiệp đạt THQG để hỗ trợ theo các giá trị mà quốc gia đang hướng tới. Việc lựa chọn các doanh nghiệp có thương hiệu sản phẩm đạt THQG được tiến hành hai năm một lần, từ năm 2008 đến nay đã tiến hành 4 đợt lựa chọn với hàng nghìn lượt doanh nghiệp đăng ký tham gia. Các doanh nghiệp có thương hiệu sản phẩm được lựa chọn phải có vị thế dẫn đầu ngành và cùng chia sẻ, theo đuổi những giá trị mà quốc gia hướng tới trong giai đoạn hội nhập hiện nay là chất lượng - đổi mới, sáng tạo - năng lực tiên phong. Trên cơ sở phát huy những giá trị này, các doanh nghiệp đạt THQG đã trở thành đại diện tiêu biểu và dẫn đầu trong từng ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh như các thương hiệu VNPT, Việt Tiến, Cadivi, Traphaco, PTSC, Nhựa Bình Minh, Tân Á Đại Thành, Vinacafe, VietinBank, Sabeco, Vinamilk, Hoa Sen, Viglacera...
Thời gian qua, số lượng các doanh nghiệp đạt THQG đã tăng dần (từ 30 doanh nghiệp năm 2008 đến 63 doanh nghiệp năm 2014) chứng tỏ sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp trong vấn đề xây dựng thương hiệu, cũng như năng lực của các doanh nghiệp ngày càng tăng. Trên thực tế, những đóng góp của các doanh nghiệp đạt THQG vào nền kinh tế Việt Nam là vô cùng to lớn. Tổng doanh thu năm 2014 của các doanh nghiệp này đạt gần 180 ngàn tỷ đồng, tăng gần 5 lần so với năm 2012. Giá trị xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ USD và đóng góp cho ngân sách nhà nước gần 80 ngàn tỷ đồng, tăng gần 50% so với năm 2012 với hàng trăm ngàn lao động đã được tạo công ăn việc làm tại các doanh nghiệp trên. Công tác xã hội và từ thiện cũng đã được các doanh nghiệp tích cực thực hiện khi đã đóng góp hơn 200 tỷ đồng trong năm 2014.
Tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ
Dành nhiều sự quan tâm cho Chương trình THQG, ông Bùi Huy Sơn – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) - chia sẻ: Thương hiệu có vai trò quan trọng trong gia tăng giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường cho sản phẩm. Vì vậy, xây dựng thương hiệu cho hàng hóa, dịch vụ Việt Nam để thúc đẩy xuất khẩu, cũng như tăng cường năng lực của hệ thống phân phối và khả năng nhận biết hàng hóa, dịch vụ lưu thông trong nước và trên thị trường quốc tế là yêu cầu quan trọng trong tiến trình hội nhập, phát triển đất nước…
Trong điều kiện nguồn lực thực hiện Chương trình còn nhiều hạn chế, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Ban Thư ký Chương trình (Cục Xúc tiến thương mại) nỗ lực xây dựng và đổi mới các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp, thu hút sự đồng hành tích cực của doanh nghiệp trong nhiều hoạt động. Các hoạt động bao gồm tư vấn, đào tạo về xây dựng và phát triển thương hiệu, thực hiện các hoạt động tuyên truyền, quảng bá đa dạng, hiệu quả truyền thông cao, tăng cường sự nhận biết của cộng đồng đối với các sản phẩm dịch vụ mang thương hiệu Việt Nam... đã mang lại hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ giúp tăng cường quảng bá THQG, quảng bá thương hiệu sản phẩm tiêu biểu của các doanh nghiệp Việt Nam.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận một thực tế là, nhận thức của một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp Việt Nam trong công tác xây dựng hình ảnh, quảng bá thương hiệu còn chưa đầy đủ, hoặc tiềm lực còn hạn chế để đầu tư vào xây dựng và phát triển thương hiệu một cách hiệu quả. Do vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần được tiếp tục phổ biến thông tin và nâng cao năng lực xây dựng và phát triển thương hiệu. Ông Nguyễn Tiến Vượng - Phó Tổng giám đốc thường trực Tổng công ty Thương mại Hà Nội, một doanh nghiệp được công nhận THQG - phấn khởi chia sẻ: Việc đạt THQG đóng góp rất lớn trong việc tạo dựng lòng tin nơi khách hàng với doanh nghiệp, đặc biệt trong mảng kinh doanh phân phối, bán lẻ nội địa của Hapro, nơi thói quen tiêu dùng của người dân phần lớn dựa trên sự tin tưởng đối với thương hiệu. Bên cạnh đó, với biểu trưng thương hiệu quốc gia Vietnam Value xuất hiện trên bao bì, nhãn mác, sản phẩm của Hapro giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh, khẳng định uy tín và tầm vóc của doanh nghiệp. Việc đạt THQG như một sự khẳng định mạnh mẽ về chất lượng của sản phẩm, dịch vụ của Hapro. “Điều đó càng giúp chúng tôi vững bước tự tin hơn trong các hoạt động sản xuất kinh doanh của mình”, ông vượng khẳng định.
Ông Nguyễn Duy Chính - Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Á Đại Thành - cho biết: Vinh dự là 1 trong 63 đơn vị đạt THQG (năm 2014)- Tân Á Đại Thành đã nâng tầm được vị thế và thương hiệu trên trường quốc tế. Chương trình THQG cũng giúp Tân Á Đại Thành nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nâng cao nhận thức về thương hiệu, tăng cường năng lực kinh doanh, các hoạt động tuyên truyền quảng bá; đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu…
Ông Nguyễn Hoàng Ngân - Tổng giám đốc Công ty CP Nhựa Bình Minh - tự hào: Việc Nhựa Bình Minh được 4 lần vinh danh THQG đã phản ánh kết quả của cả một quá trình xây dựng thương hiệu một cách chủ động, bền bỉ không mệt mỏi trong suốt hơn 30 năm hoạt động của mình. Công ty đã ý thức và xác định phương thức để xây dựng thương hiệu dựa trên các yếu tố về chất lượng, sản phẩm, dịch vụ, phân phối, truyền thông, nhân lực… vượt trội của mình. Để tham gia vào các thị trường quốc tế, đòi hỏi DN phải chuẩn bị cho mình hình ảnh tốt. Bất kỳ DN nào muốn xây dựng thương hiệu ở thị trường nội địa cũng như thị trường quốc tế điều đầu tiên phải khẳng định được có cung cấp sản phẩm chất lượng hay không!.
Chương trình THQG Việt Nam với biểu trưng Vietnam Value (giá trị Việt Nam) được thực hiện nhằm xây dựng hình ảnh Việt Nam là quốc gia có các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ chất lượng và khả năng cạnh tranh cao, tạo uy tín vững chắc trên thị trường trong nước và quốc tế.
Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử