Feihe International là công ty mới nhất đầu tư ra nước ngoài. Họ đã chi 300 triệu đôla Canada (238 triệu USD) xây một nhà máy liên doanh với Canada Royal Milk ở Ontario (Canada). Trước đó, Inner Mongolia Yili Industrial Group cũng đã đổ tiền cho các nhà máy ở Mỹ và New Zealand. Yashili International cũng có động thái tương tự.

Các hãng sữa nước ngoài vẫn đang ăn nên làm ra tại thị trường sữa công thức có quy mô 19,5 tỷ USD tại Trung Quốc. Năm 2008, sữa bột Trung Quốc bị phát hiện nhiễm melamine, khiến ít nhất 6 trẻ thiệt mạng và hàng chục nghìn trường hợp khác nhiễm độc. Khi người tiêu dùng trong nước ngày càng chán ngán với scandal thực phẩm, các thương hiệu nội địa rất khó lấy lại thị phần. Một số giờ chuyển hướng sang sản xuất tại nước ngoài, rồi xuất ngược về quê nhà.

"Việc kiểm soát chất lượng thực phẩm của Trung Quốc đã được cải thiện đáng kể", Dingmian Wang - cựu Chủ tịch Hiệp hội sữa Quảng Đông nhận xét, "Tuy nhiên, ngành này vẫn gặp khó khăn trong việc thay đổi cái nhìn của người tiêu dùng".
Việc này đã giúp các công ty nước ngoài kiếm bộn tại thị trường Trung Quốc. Theo số liệu từ Euromonitor International, Nestle, Danone, Mead Johnson Nutrition, Royal FrieslandCampina, American Dairy và Abbott Laboratories hiện chiếm hơn 50% thị phần tại đây.
Các hãng trong nước cho rằng nếu không cạnh tranh được với các đối thủ ngoại, họ sẽ hợp tác. "Tôi nghĩ đây là cách tốt để các công ty Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt là các nước tiên tiến", Wei Li - giảng viên Trường Kinh doanh thuộc Đại học Sydney cho biết. Một lợi ích khác là họ có thể mở rộng chuỗi cung ứng, giúp họ kiểm soát tốt hơn chất lượng và tận dụng được nhu cầu khổng lồ tại Trung Quốc.
"Từ năm 2008, người tiêu dùng đã mất niềm tin vào sản phẩm trong nước và mù quáng mua sản phẩm nước ngoài", Guogang Zhu - phó giám đốc quan hệ công chúng tại hãng sữa Yashili cho biết. Giờ các thương hiệu trong nước gần như giống hệt nhau và chỉ cạnh tranh chủ yếu về giá.
Sau scandal năm 2008, 22 công ty đã bị phát hiện bán sữa nhiễm độc. Một trong số đó - Sanlu đã phá sản vào cuối năm.
"Sau những sự cố như thế, chúng ta căn bản là đã giao thị trường cho người nước ngoài", Yongning Wu - kinh tế trưởng tại Trung tâm Đánh giá An toàn Thực phẩm Quốc gia cho biết. Để gây dựng lại thị trường, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra hàng loạt tiêu chuẩn mới, được đánh giá khắt khe nhất thế giới. "Nhưng các bà mẹ không còn tin tưởng hàng trong nước nữa", Wu cho biết.
Ủy ban Kế hoạch hóa Gia đình và Sức khỏe Quốc gia Trung Quốc năm 2010 đã công bố hàng loạt quy định để kiểm soát thị trường sữa, từ tiêu chuẩn dinh dưỡng đến hoạt động sản xuất và vận chuyển. Các hãng sữa công thức trong và ngoài nước đều phải đăng ký với Cục Thực phẩm và Dược phẩm Trung Quốc để giới hạn số sản phẩm và thương hiệu.
Tuy nhiên, nhiều năm sau, ký ức về melamine vẫn chưa bị xóa bỏ. Sophia Li (Quảng Châu) mới sinh con được 2 tháng. Cô thường nhờ người thân ở Australia mua sữa bột gửi về. "Tôi không tin các công ty trong nước nữa đâu", cô giải thích.

Nguồn: Hà Thu (theo Bloomberg)/Vnexpress.net