Kính cường lực Gorilla là loại kính cứng, nhẹ và chống trầy xước, được sản xuất bởi công ty Corning và hiện đang có mặt trên hầu hết các mẫu smartphone hiện đại ngày nay. Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, loại kính cường lực này có thể sẽ là tiêu chuẩn của kính chắn gió và tất cả các ô cửa kính khác trên các mẫu xe hơi hiện đại ra mắt trong thời gian sắp tới.

Mẫu "siêu xe" điện BMW i8 Plug-in Hybrid có thể coi là mẫu xe tiên phong trong việc sử dụng kính cường lực Gorilla. Tiếp đó, nhà sản xuất xe hơi danh tiếng của Mỹ, hãng Ford Motor cũng đang thử nghiệm và tìm cách sử dụng hóa chất để tăng cường độ cứng cho kính Gorilla, đồng thời tìm cách giảm khối lượng của loại kính này nhằm tăng cường khả năng tiết kiệm nhiên liệu của các mẫu xe sắp ra mắt.
Một chiếc BMW i8 trên đường phố Việt Nam
Tuy nhiên, tương tự như các công nghệ tiên tiến khác, kính cường lực Gorilla đòi hỏi một sự đánh đổi: chi phí. Để trang bị kính Gorilla trên xe hơi thay cho kính thông thường, các nhà sản xuất xe hơi sẽ phải đẩy mức giá lên khá nhiều, và đó có thể là cản trở để người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm của họ. Chưa kể, kính cường lực Gorilla sẽ làm cho xe nặng và tốn nhiên liệu hơn.

Để đơn giản và dễ tưởng tượng hơn thì mặt kính của một mẫu điện thoại như iPhone 6 hiện tại có giá khoảng 1 triệu đồng, trong khi mẫu điện thoại thông minh này của Apple có diện tích màn hình chỉ là 0,009246 mét vuông.

Mẫu điện thoại iPhone 6 với diện tích mặt kính chỉ là 0,009246 mét vuông
So sánh tương quan, một mặt kính chắn gió phía trước của một mẫu sedan hạng D thông thường có diện tích khoảng 1,3 mét vuông. Chưa kể việc sản xuất một tấm kính có hình dáng khá phức tạp và độ lớn như kính chắn gió ô-tô sẽ tiêu tốn nhiều chi phí hơn.

Tuy vậy, theo Giám đốc kỹ thuật cấp cao của Ford Motor về vật liệu và nghiên cứu kỹ thuật sản xuất, Matt Zaluzec, không chỉ Ford mà nhiều nhà sản xuất xe hơi khác vẫn đang nghiên cứu để sử dụng kính Gorilla trên ô-tô.

Một phương án đang được nghiên cứu đó là vẫn sử dụng kính thông thường và mỏng hơn, đồng thời ép thêm lớp kính cường lực Gorilla, giúp kính vẫn cứng hơn đồng thời không quá nặng hay tốn kém về mặt chi phí.

Về mặt người tiêu dùng, đã qua nhiều thập kỷ, các nhà sản xuất xe hơi chưa có một công nghệ gì mới để gia tăng khả năng đảm bảo an toàn của kính xe. Đồng thời, với xu hướng tiêu dùng mới, xe hơi được nhiều người tiêu dùng coi là ngôi nhà thứ 2, chứ không chỉ còn đơn thuần là phương tiện di chuyển.
Một mẫu xe độ nội thất thậm chí còn đẹp hơn nhiều nội thất nhà ở
Do đó mà trong vài năm tới, thị trường kính xe hơi có thể sẽ là mảnh đất màu mỡ của hãng kính cường lực Corning.

Theo kết quả từ chiếc BMW i8, ngoài việc tăng cường độ bền, chống trầy xước, gia tăng độ cứng, kính cường lực Gorilla còn giúp xe có độ cách âm tốt hơn rất nhiều và có phản hồi rất tốt từ khách hàng về độ hài lòng khi ngồi trong xe.

Hãng kính cường lực Corning hiện tại cũng đang kết hợp nghiên cứu cùng các hãng xe hơi để tạo ra một loại kính theo phương án của Ford, đó là sử dụng một lớp kính dày 2,1 mm ở phía ngoài, ghép với 1 tấm kính Gorilla dày 0,7 mm ở bên trong.

Phương án này giúp kính xe mỏng đi khá nhiều so với phương án truyền thống (sử dụng 2 lớp kính 2,1 mm và được bao phủ trong nhựa thông), đồng thời giảm trọng lượng kính xe đi 25 - 30% và tạo ra sự bảo vệ tốt hơn cho người ngồi trong xe.
Một mẫu kính chắn gió thông thường
Như trước đây, chỉ có các mẫu smartphone đắt tiền mới được trang bị kính cường lực Gorilla, đồng thời được các hãng quảng cáo khá rùm beng, thì hiện nay, kính cường lực Gorilla thậm chí đã xuất hiện trên cả những mẫu smartphone có giá chưa tới 2 triệu đồng.

Thị trường xe hơi cũng được kỳ vọng là sẽ sớm "bình dân hóa" loại kính này và mang tới cho người tiêu dùng những mẫu xe nhẹ, cách âm tốt và an toàn hơn.

Thành NT
Tổng hợp