Ôtô sản xuất, lắp giáp trong nước giảm mạnh
Tháng 2/2008, thị trường ôtô Việt Nam lại chứng kiến hiện tượng xe nhập khẩu tăng mạnh, trong khi xe sản xuất, lắp giáp trong nước giảm mạnh.
Đây là tháng thứ hai liên tiếp sản lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước giảm. Tất cả các DN sản xuất lắp ráp ôtô thành viên của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) đều sụt giảm sản lượng. Cụ thể, 18 DN trong tháng 2/2008 chỉ bán được 8.920 chiếc, so với 12.084 chiếc trong tháng 1/2008.
Toyota Việt Nam bán được 1.464 chiếc, giảm 377 chiếc so với tháng 1/2008. Trong đó, mẫu Innova bán được 986 chiếc so với 1065 chiếc của tháng 1/2008. Tuy  giảm mạnh, nhưng Toyota Việt Nam vẫn tiếp tục dẫn đầu về sản lượng bán hàng trong mảng thị trường xe du lịch.
 
Ford Việt Nam chỉ bán ra được 536 chiếc, giảm 273 chiếc so với tháng 1/2008. Vidamco (GM-Daewoo), cũng đã giảm sản lượng bán hàng từ 1.005 chiếc trong tháng 1/2008 xuống còn 745 chiếc trong tháng 2/2008.
Các liên doanh khác như Vinastar (Mitsubishi), Isuzu, Mekong, VMC, Suzuki và Mercedes-Benz cũng đồng loạt giảm sản lượng bán hàng. Trong đó Vinastar giảm từ 324 xuống còn 235 chiếc, Isuzu giảm từ 276 xuống còn 219 chiếc, Mekong giảm từ 241 xuống còn 131 chiếc, VMC giảm từ 73 xuống còn 38 chiếc, Suzuki giảm từ 272 xuống còn 224 chiếc và Mercedes-Benz giảm từ 276 xuống còn 136 chiếc.

Mảng thị trường xe thương mại (xe tải và buýt), các hãng ôtô nội địa cũng rơi vào tình trạng giảm đồng loạt. Công ty Ôtô Trường Hải giảm từ 2.007 trong tháng 1/2008 xuống còn 1.277 chiếc, Vinamotor giảm từ 2.792 xuống còn 2.562 chiếc, Vinaxuki (Xuân Kiên) giảm từ 1.260 xuống còn 770 chiếc.
Lý do sụt giảm sản lượng được các DN nhận định là do tháng 2/2008 trùng với dịp nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tý nên nên nhu cầu về xe giảm và tất cả các DN phải ngừng sản xuất khoảng 10 ngày vì vậy mà lượng xe giao cho khách hàng cũng ít hơn các thời điểm khác. 
Các DN cho rằng số lượng xe thống kê như trên chỉ đơn thuần là những xe đã giao cho khách hàng, còn nhu cầu vẫn cao. Chẳng hạn với Toyota Việt Nam, những khách hàng đặt mua xe trong tháng 2 thì phải  đợi tới cuối tháng 3/2008 hoặc đầu tháng 4/2008 mới nhận được xe và lượng xe các DN nghiệp nợ khách vẫn không có nhiều thay đổi, khoảng 10.000 chiếc.
Nhưng theo một số ý kiến, lượng xe bán ra của các DN sụt giảm ngoài nguyên nhân chính là nghỉ Tết dài thì còn những nguyên nhân khác. Thị trường ôtô bị tác động dây chuyền từ thị trường chứng khoán sụt giảm và thị trường bất động sản đóng băng cùng với nhiều khách hàng đã chuyển sang mua xe nhập khẩu do tỷ giá VND tăng lên so với USD khiến cho xe nhập khẩu rẻ hơn rất nhiều.

VND tăng giá so với USD: Ôtô nhập khẩu tăng đột biến
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, đã có khoảng 10.000 chiếc ôtô được nhập khẩu về Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2008, với tổng trị giá 187 triệu USD, tăng hơn 328% so với cùng kỳ 2007. Trong đó, riêng tháng 1/2008 lượng ôtô nguyên chiếc nhập khẩu đã đạt 6.000 xe với trị giá 110 triệu USD, tháng 2/2008 khoảng 4.000xe với trị giá 77 triệu USD. 
Ông Phạm Hữu Tâm, Giám đốc Công ty Tradaco (thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, do đồng Việt Nam mạnh lên so với USD đáng kể nên giá xe nhập khẩu đã rẻ đi trông thấy. Hiện giá VND so với USD trên thị trường tự do chỉ còn 15.500 VND/USD nên khách hàng mua xe ôtô nhập khẩu thanh toán bằng USD đang được hưởng lợi. Theo tính toán thì  mua 1 chiếc xe nhập khẩu có giá 50.000USD sẽ giảm được trên 20 triệu đồng. Tính ra như vậy giá nhiều mẫu xe  nhập khẩu đã ngang bằng xe lắp ráp trong nước. Vì vậy nhiều khách hàng đã lựa chọn xe nhập khẩu. Đó là nguyên nhân lý giải vì sao xe nhập khẩu trong 2 tháng đầu năm tiêu thụ tăng mạnh.
Theo bà Nguyễn Thị Vĩnh, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hoàng (Hải Phòng) thì từ ngày 6 Tết Mậu Tý đến nay chỉ hơn 20 ngày, DN này đã bán ra gần 200 xe ôtô nhập khẩu các loại. Nhu cầu khách hàng vẫn tăng cao và không đáp ứng kịp.
Nhưng các nhà  nhập khẩu cũng cho biết họ đang chịu  nhiều thua thiệt khi nhập khẩu xe do tỷ giá VND và USD tại các ngân hàng so với thị trường tự do vẫn cao. Hiện tỷ giá VND/USD các ngân hàng vẫn là 15.900 VND/USD như vậy khi thanh toán qua ngân hàng DN nhập khẩu bị thiệt. Bên cạnh đó việc nộp thuế bằng tiền Việt cũng làm cho họ thiệt. Theo bà Vĩnh, hiện nay 1 chiếc xe Hyundai Click nhập về Việt Nam, DN bị thiệt 150USD.
Với những nhà nhập khẩu sử dụng đồng euro thì thua thiệt cũng nhiều. Ông Huỳnh Dư An, Tổng giám đốc Công ty EuroAuto Việt Nam cho biết nhập khẩu xe BMW từ châu Âu phải thanh toán bằng  đồng euro, nhưng euro so với USD và VND lại tăng giá, trong khi giá euro do các ngân hàng ấn định cao hơn trên thị trường tự do nên khi thanh toán qua ngân hàng, nhiều mẫu xe nhập về Việt Nam đang bị thua lỗ. Ông An cho biết, như vậy cần phải tăng giá xe, nhưng hiện tại Euro Auto chưa tăng giá chấp nhận thua lỗ để giữ uy tín với khách hàng.
Một số hãng khác nhập xe Mercedez cũng chịu chung tình cảnh này và đã có DN phải sử dụng đến chiêu bài giảm hoặc thay thế linh kiện để giảm lỗ. Một số  khách hàng đã không xem kỹ khi ký hợp đồng mua xe đã bị thua thiệt. Chẳng hạn từ đèn xenon đã bị thay bằng đèn pha bình thường.
Các nhà phân tích cho rằng, thị trường chứng khoán và bất động sản đảo chiều cũng làm cho thị trường xe hơi bị tác động. Những khoản lãi lớn từ việc đầu tư vào chứng khoán, nhà đất không còn nên nhu cầu về ôtô giảm. Bên cạnh đó, nhiều người do đến kỳ thanh toán tiền vay đầu tư vào nhà đất, chứng khoán đang phải bán xe để lấy tiền trả nợ vì vậy cũng tác động làm cho thị trường ôtô bị sụt giảm.
Nhiều nhận định cho rằng thời gian tới sản lượng  ôtô của các nhà sản xuất trong nước sụt giảm là điều khó tránh khỏi.

Nguồn: Internet