Trong năm 2008, cả nước nhập khẩu gần 400.000 tấn trái cây, với kim ngạch 107,5 triệu USD. Trong khi đó, Việt Nam chỉ xuất khẩu được 277.000 tấn. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm 2009, kim ngạch nhập khẩu các loại trái cây đạt 74 triệu USD. Nhưng đây chỉ là con số bề nổi, bởi hoa quả nhập theo đường tiểu ngạch không ai thống kê được.

Ngay cả ở ĐBSCL - vựa trái cây của cả nước - cũng bị các loại xoài Thái; nho, táo Mỹ; cam, quýt Trung Quốc xâm chiếm thị trường. Theo số liệu của Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, trong khoảng trên 500 tấn trái cây hằng ngày vận chuyển về các chợ ở TP. HCM, thì có tới 300 tấn là trái cây nhập khẩu. Điều đáng nói, nhiều loại trái cây ngoại đang lấn lướt trên thị trường hiện nay rất phổ biến ở các nhà vườn Việt Nam, như xoài, măng cụt, cam, quýt…

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc trái cây Việt Nam bị thua ngay trên sân nhà, như chất lượng thấp, kỹ thuật chế biến thủ công... Song, điều quan trọng nhất là trái cây trong nước chưa có tính hàng hoá. Một số chủ sạp chuyên doanh trái cây ngoại nhập nhận xét: Mặc dù hàng nhập phải qua quá trình vận chuyển dài, nhưng do được bảo quản trong các xe, kho lạnh nên vẫn giữ được sự tươi mới. Về mặt hình thức, hầu hết trái cây ngoại hiện nay đều được đóng thành hộp, trông khá bắt mắt. Bên ngoài hộp có chụp hình loại trái cây, ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, ngày xuất đi, thời hạn sử dụng…

Trong khi đó, trái cây Việt Nam thường bán xô, để trong các sọt tre lớn, không gây được thiện cảm với người mua. Thua về mẫu mã, chất lượng, một số lại có giá cao hơn trái cây ngoại, nên trái cây Việt Nam rơi vào thế khó cạnh tranh, quanh quẩn sân nhà mà vẫn yếu thế.

Mặc dù trái cây Việt Nam hiện nay đã có mặt ở hơn 50 quốc gia, vùng lãnh thổ nhưng với số lượng rất hạn chế. Năm 2008, mặt hàng này mới chỉ đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 350 triệu USD và dự kiến năm nay cũng chỉ đạt khoảng gần 400 triệu USD.

Theo Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thuỷ sản (Bộ NN&PTNT), tỷ lệ trái cây xuất đi các nước Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… khá khiêm tốn. Hiện Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Nhưng có một nghịch lý là trái cây của chúng ta khi xuất khẩu sang Trung Quốc phải mượn tên, mẫu mã, bao bì của Trung Quốc, liên tục bị ép cấp, ép giá.

Bộ NN&PTNT đưa ra mục tiêu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu trái cây của cả nước phải đạt 760 triệu USD và đến năm 2020 là 1,2 tỷ USD. Vào năm 2010, diện tích trồng cây ăn trái là 1 triệu hecta, sản lượng khoảng 10 triệu tấn. Theo các chuyên gia kinh tế nông nghiệp, mục tiêu này khó có thể đạt được.

Giải pháp :

Theo Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, việc đầu tiên là Nhà nước phải quy hoạch lại các vùng trồng cây ăn quả, theo hướng tập trung, có quy mô lớn, bảo đảm các tiêu chuẩn sạch để làm ra lượng sản phẩm dồi dào, đủ sức đáp ứng cho các cơ sở chế biến xuất khẩu nhưng phải đảm bảo tính chất “liên kết vùng”. Từ đó, mỗi vùng, mỗi tỉnh chỉ được phép chọn trồng một hoặc hai cây chủ lực là đặc sản của vùng miền, có lợi thế cạnh tranh cao.

Để vực dậy thị trường trái cây theo hướng xuất khẩu, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng: phải có chính sách và các giải pháp về giống, liên tục lai tạo ra các giống mới có năng suất và chất lượng cao, đầu tư đồng bộ về công nghệ bảo quản sau thu hoạch. Đặc biệt, phải xây dựng được những vựa trái cây theo tiêu chuẩn sạch, giá thành hạ… Đây là những yêu cầu sống còn để đưa trái cây Việt Nam xuất ngoại, vì trong tương lai, hầu như các nước đều thắt chặt việc kiểm soát chất lượng, an toàn vệ sinh trong trái cây nhập khẩu./.

Nguồn: Tin tham khảo