Sau 2 năm liên tục sụt giảm, XK cá ngừ những tháng đầu năm 2015 chưa có dấu hiệu phục hồi khi mà nhu cầu trên thị trường thế giới vẫn giảm, nguồn cung tăng mạnh. 4 tháng đầu năm, cá ngừ Việt Nam được xuất sang 85 thị trường, đạt 146 triệu USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhật Bản vốn là thị trường NK quan trọng của cá ngừ Việt Nam, năm nay đã tụt xuống vị trí thứ 4, sau EU, Mỹ và ASEAN, do XK sang thị trường này tiếp tục giảm sâu trên 38%, chỉ đạt 6 triệu USD. Tỷ trọng của thị trường này giảm từ 6,2% xuống còn 4% trong tổng XK cá ngừ của Việt Nam.

Kinh tế Nhật Bản suy giảm, đồng yên mất giá khiến nhu cầu NK của nước này giảm. Ngoài ra yêu cầu khắt khe hơn của thị trường đối với chất lượng hàng thủy sản, nhất là mặt hàng cá ngừ đã khiến XK cá ngừ Việt Nam sang thị trường này sụt giảm liên tục. Hiện nay, Việt Nam là nguồn cung lớn thứ 15 mặt hàng cá ngừ cho thị trường Nhật Bản và chỉ chiếm khoảng 1% tổng giá trị NK của nước này.

Chương trình hợp tác phát triển XK cá ngừ đại dương ở Bình Định với sự hỗ trợ về công nghệ từ phía Nhật Bản nhận được sự đồng thuận cao từ nhiều phía: chính quyền, ngư dân và DN. Từ tháng 8/2014 đến nay đã có 2 lô cá ngừ bán đấu giá tại thị trường Nhật Bản, tuy nhiên, chất lượng cá vẫn chưa đạt như yêu cầu của thị trường. Giá bán cá thấp hơn nhiều so với cá cùng loại tại thị trường Nhật Bản.

Ngày 2/2/2015, 7 con cá ngừ có tổng trọng lượng 320 kg được bán đấu giá tại Nhật Bản chỉ được giá bình quân gần 200.000 đồng/kg, gấp đôi so với thị trường nội địa nhưng lại thấp hơn 40.000 đồng/kg so với lô đầu tiên xuất bán vào đầu tháng 8/2014.

Cùng với Nhật Bản, XK cá ngừ sang thị trường EU cũng giảm sâu 20%, đạt 37 triệu USD. 3 thị trường XK đơn lẻ là: Đức, Tây Ban Nha, Hà Lan là 3 thị trường XK lớn nhất trong khối EU. Trong đó, XK sang Đức giảm 5%; Hà Lan giảm 61%, còn Tây Ban Nha lại tăng 100% giá trị so với cùng kỳ năm trước. Cá ngừ hộp là sản phẩm chính của Việt Nam XK sang EU, tăng 84% so với cùng kỳ năm 2014.

Hiện tại, các nước sản xuất cá ngừ hộp ở EU gồm Tây Ban Nha, Pháp, Italy và Bồ Đào Nha đang tăng cường NK thăn cá ngừ đông lạnh để cung cấp cho các nhà máy chế biến của khu vực, đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế xã hội và duy trì 15.000 việc làm cho công nhân tại các nhà máy. Pháp đang có nhu cầu tăng hạn ngạch NK thăn cá ngừ từ 22.000 tấn lên 25.000 tấn trong khi Italy đang có nhu cầu NK 30.000 tấn.

Nhu cầu cá ngừ hộp và thăn cá ngừ đông lạnh thấp, giá giảm ảnh hưởng đến thương mại cá ngừ của cả thế giới, trong đó có Việt Nam. Khai thác cá ngừ của một số khu vực thuận lợi, sản lượng tăng, trong khi nhu cầu giảm, khiến cho giá cá ngừ vằn trên thị trường thế giới giảm mạnh. Các nhà chế biến cá hộp ở Bangkok đang mua cá ngừ vằn với giá 1.000 – 1.010 USD/tấn, thậm chí một số nhà máy đóng hộp mua cá ngừ với giá 950 USD/tấn-gần mức đáy của thị trường.

Tuy nhiên, thị trường NK cá ngừ lớn nhất là Mỹ đang có xu hướng tăng NK cá ngừ Việt Nam. Trong tháng 4/2015, XK cá ngừ Việt Nam sang Mỹ tăng 13% đạt 20 triệu USD, đưa tổng XK 4 tháng đầu năm lên 58 triệu USD, tăng trên 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Mỹ đã NK 81.979 tấn cá ngừ trong quý đầu năm 2015, trị giá 419,9 triệu USD, tăng nhẹ cả về khối lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2014.

Dự báo XK sang thị trường Mỹ sẽ tiếp tục hồi phục trong những tháng tới và mức sụt giảm tổng XK cá ngừ của Việt Nam sẽ thu hẹp dần vì thị trường Mỹ hiện đang chiếm 40% tỷ trọng XK cá ngừ của Việt Nam.

Nguồn: vasep.com.vn

Nguồn: Vasep