Bước sang năm thứ 10, Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam với nhiều giải pháp tổng thể, cụ thể hóa nhằm hỗ trợ người tiêu dùng, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh Việt. 
Phóng viên đã có buổi trao đổi với bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước thuộc Bộ Công Thương, Phó trưởng Ban thư ký Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam," Thường trực Ban chấp hành Chương trình hành động của Bộ Công Thương thực hiện cuộc vận động xung quanh những vấn đề này. 
- Xin bà cho biết những điểm mới trong hoạt động của Bộ Công Thương về triển khai Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam?
Bà Lê Việt Nga: Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam năm thứ 10 đang đứng trước cơ hội khi Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới, gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới, ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới giúp các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tiếp cận các nguồn vốn. 
Qua đấy, doanh nghiệp Việt còn được tiếp cận công nghệ sản xuất, kinh doanh, hệ thống quản lý tiên tiến; học hỏi được các kinh nghiệm trong việc phát triển hệ thống phân phối của các doanh nghiệp nước ngoài; mở cửa được với các thị trường giúp tăng sự hiện diện của các doanh nghiệp phân phối nước ngoài… 
Đặc biệt, các doanh nghiệp đã nhận thức được tầm quan trọng sống còn về nâng cao chất lượng, cải tiến công nghệ và dây chuyền sản xuất, kinh doanh, bảo vệ thương hiệu; nắm vững được các quy định của pháp luật để tự bảo vệ mình cũng như phát triển sản xuất, kinh doanh. Qua đó, người tiêu dùng Việt Nam biết đến Cuộc vận động, tiếp cận và có cơ hội sử dụng hàng hóa, dịch vụ với giá cả và chất lượng tốt hơn. 
Tuy nhiên, đối với hàng hóa và thương hiệu Việt lại gặp áp lực cạnh tranh ngay trên thị trường trong nước với hàng hóa nhập ngoại và hàng hóa do các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sản xuất. 
Một số hàng Việt Nam còn chưa đủ năng lực cạnh tranh về chất lượng, mẫu mã, bao bì sản phẩm, dịch vụ hậu mãi và còn gian lận thương mại, sản xuất hàng giả gây mất uy tín hàng hóa thương hiệu Việt… 
Trước tình hình đó, Bộ Công Thương tập trung triển khai đồng loạt trên các kênh truyền thông có lượng theo dõi cao nhằm nâng cao hiệu quả việc tuyên truyền, nhất là vào dịp tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Cuộc vận động; đẩy mạnh tôn vinh, quảng bá hàng hóa thương hiệu Việt.
Riêng các hoạt động kết nối cung cầu, Bộ Công Thương tổ chức theo hướng chuyên nghiệp, kết nối sâu hơn giữa các nhà sản xuất và phân phối Việt Nam, tránh dàn trải, trùng lắp giữa các địa phương, bộ ngành, hiệp hội,.. nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.
Mặt khác, Bộ Công Thương tăng cường cải tiến, ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng hàng Việt để người tiêu dùng Việt Nam tự hào sử dụng hàng Việt Nam, hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng thương hiệu Việt. 
- Thời gian qua, nhiều mặt hàng tốt tuy được sản xuất tại Việt Nam lại phải mang thương hiệu của các công ty nước ngoài. Thực trạng này cho chúng ta thấy điều gì thưa bà?
Bà Lê Việt Nga: Trong nền kinh tế thị trường thì thị trường quyết định sản xuất, người tiêu dùng luôn hướng tới các sản phẩm có thương hiệu. Đối với rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ hay đang ở giai đoạn đầu phát triển, khai thác thị trường tiềm năng với chi phí thấp nhất sẽ giúp doanh nghiệp quảng bá và thâm nhập cũng như học hỏi thế giới.
Do đó, đây là cơ hội tuyệt vời để khẳng định năng lực, giá trị sản phẩm, một trong những con đường ngắn nhất đưa các sản phẩm “made in Vietnam” ra thị trường thế giới khi mà doanh nghiệp còn thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm và kỹ năng…
 Sự hợp tác thương hiệu với doanh nghiệp nước ngoài còn là thước đo đánh giá sự phát triển, tiến bộ của các doanh nghiệp trong nước với nhịp độ phát triển kinh tế của thế giới. Các doanh nghiệp Việt đã đáp ứng được các nhu cầu, đòi hỏi khắt khe của đối tác và tạo tiền đề tốt để các doanh nghiệp trong nước hội nhập quốc tế. 
Tuy nhiên, không thể không nhắc đến một số doanh nghiệp sau thời gian dài gia công cho thương hiệu nước ngoài đã đầu tư, xây dựng thương hiệu riêng như các doanh nghiệp trong ngành thủy sản, da giày, dệt may. Nhiều doanh nghiệp Việt đã xây dựng được thương hiệu mạnh như Trung Nguyên, Vinamit, An Phước; May 10, May Đức Giang, Saigon Food, Vineco, Massan……
 - Một trong những mục tiêu đầu tiên của nghị quyết 01/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 là thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển bứt phá thị trường trong nước. Vậy, Bộ Công Thương sẽ có hành động cụ thể gì để thực hiện mục tiêu này?
 Bà Lê Việt Nga: Ngày 4/1/2018, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký ban hành Quyết định số 08/QĐ-BCT về việc ban hành Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện Nghị quyết 01/NĐ-CP của Chính phủ hàng năm về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 nhằm thực hiện các mục tiêu đề ra tại NQ 01/NĐ-CP; trong đó có phát triển bứt phá thị trường trong nước. 
Đoàn công tác kiểm tra sản xuất tại Công ty Cổ phần Diligo Holdings tại xã Mai Lâm, Đông Anh. (Ảnh Mạnh Khánh/TTXVN)
Theo đó, Bộ sẽ sớm hoàn thiện trình Chính phủ Chiến lược phát triển thị trường trong nước đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030 để tổ chức thực hiện.
Hơn nữa, Bộ sẽ triển khai các giải pháp như hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về hạ tầng thương mại cho phù hợp với bối cảnh mới nhằm tạo môi trường thuận lợi và tạo sự đồng bộ trong phát triển. 
Ngoài ra, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về phát triển chợ đầu mối, xúc tiến các chương trình khuyến khích xã hội hóa, thu hút đầu tư trong và ngoài nước về xây dựng và phát triển chợ đầu mối. 
Mặt khác, Bộ Công Thương đánh giá việc triển khai tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đề xuất giải pháp phát triển chợ nông thôn theo mục tiêu đề ra; xây dựng tiêu chí điểm bán sản phẩm OCOP và các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP, góp phần phát triển thương mại nông thôn. 
Đặc biệt, Bộ Công Thương cũng chủ trì, phối hợp với các đơn vị, tổ chức liên quan đẩy mạnh các hoạt động thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo phân công tại văn bản số 10050/BCT-TTTN ngày 11 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc hướng dẫn doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi phân phối sản phẩm Việt Nam tại thị trường trong nước. 
Hơn nữa, thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu, nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu về cung cầu các mặt hàng thiết yếu để phục vụ điều hành thị trường. 
Cùng với đó, chỉ đạo triển khai tích cực Chương trình bình ổn thị trường, nhất là vào các dịp lễ, Tết, mùa vụ; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong việc điều hành giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý nhằm góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát (CPI tăng dưới 4%), bảo đảm an sinh xã hội. 
Không những thế, Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm gắn kết giữa sản xuất với phân phối hàng hóa, tăng cường liên kết trong chuỗi giá trị hàng hóa gắn với thực hiện tốt các quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc nhằm khuyến khích, hỗ trợ nhà sản xuất nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh sản phẩm Việt Nam.
 Cuối cùng là tổ chức thực hiện Kế hoạch tăng cường triển khai Chương trình hành động của Bộ Công Thương hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2019; trong đó, tập trung đẩy mạnh các hoạt động tổng kết 10 năm ngành công thương thực hiện Cuộc vận động theo Kế hoạch số 653/KH-MTTW-BCĐTWCVĐ ngày 19 tháng 10 năm 2018 của Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.” 
Xin trân trọng cảm ơn Bà!
Nguồn: Uyên Hương/TTXVN/Vietnam+