Tọa đàm được thực hiện trong khuôn khổ hợp tác giữa Liên minh Nông nghiệp, VEPR, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội nhằm thực hiện một số hoạt động nghiên cứu về thị trường lúa gạo và vận động chính sách để hướng tới các thể chế phù hợp, thúc đẩy sự phát triển của ngành lúa gạo theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, tính hiệu quả và cải thiện đời sống của người nông dân Việt Nam.
Nghị định 109 ban hành vào ngày 1/11/2010 yêu cầu các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải đáp ứng một số yêu cầu nhất định. Đến nay, sau 6 năm thực hiện, Nghị định đã bộc lộ một số điểm bất cập, cần sửa đổi để tạo động lực phát triển cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nói riêng và ngành lúa gạo nói chung.
Cụ thể, Nghị định 109 đưa ra những quy định về điều kiện trở thành một doanh nghiệp xuất khẩu gạo đó là có ít nhất một kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc và có ít nhất một cơ sở xay, xát gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ.
Điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp liên kết chặt chẽ với nông dân, sản xuất ra các sản phẩm có thương hiệu nhưng không đáp ứng các tiêu chuẩn trên sẽ không được xuất khẩu gạo. Ví dụ như Công ty Viễn Phú Việt Nam, với thương hiệu gạo đặc sản Hoa Sữa, không thể chủ động tiếp cận thị trường mà phải ủy thác qua các công ty lớn đủ điều kiện xuất khẩu gạo. Với bao công sức xây dựng thương hiệu, doanh nghiệp này liên tục phải ngồi trên đống lửa, không phải do bài toán đầu ra, cũng không phải bài toán giá, mà đó là bài toán “giấy phép”.
Các chuyên gia đánh giá, xuất khẩu gạo dường như đang trở thành sân chơi của các ông lớn, có ưu thế trên thị trường, đủ khả năng áp đặt các điều kiện bất lợi cho các chủ thể khác, đặc biệt là nông dân.
TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR chỉ ra rằng, do chỉ có một số doanh nghiệp có giấy phép xuất khẩu gạo, trong khi lượng cung dư thừa sản xuất trong nước quá lớn nên nhiều thương nhân nhỏ phải đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch để cân bằng lượng cung bị dư thừa. Hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch này chiếm tỷ trọng lớn trong quy mô xuất khẩu, nhưng bị đẩy ra ngoài hoạt động xuất khẩu chính thức, gây ra nhiều rủi ro tiềm ẩn cho thị trường gạo Việt Nam.
Do đó, điều kiện về kinh doanh xuất khẩu gạo đã vấp phải “một tình thế lưỡng nan” là thực hiện đúng, tức là kiểm soát, không cho xuất khẩu tiểu ngạch, thì khiến cung gạo trong nước bị dư thừa; còn không thì cho thấy khả năng thực thi chính sách yếu, có thể gây ra tình trạng tham nhũng trong các hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch.
Không chỉ vấn đề về “giấy phép”, chính sách xuất khẩu gạo của Việt Nam còn tạo ra nhiều “bó buộc” khác về đầu ra cho doanh nghiệp tư nhân. Thông tư 44/2010/TT-BCT, hướng dẫn chi tiết một số điều của Nghị định 109 quy định thương nhân không được giao dịch, ký kết hợp đồng xuất khẩu gạo hoặc để bên mua tái xuất gạo vào thị trường có hợp đồng tập trung trong thời gian có giao dịch G2G; trừ khi được Bộ Công Thương xem xét chấp thuận bằng văn bản. Như vậy, kinh doanh xuất khẩu gạo của nhiều doanh nghiệp tư nhân chỉ được phép vào các thị trường nhỏ hoặc mới, trong khi các thị trường lớn, với các đối tác lớn, có thỏa thuận cấp Chính phủ thì được quản lý chặt theo quy chế tập trung.
Từ thực tế đó, VEPR đề xuất bãi bỏ các điều kiện về việc doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải có kho, cơ sở xay, xát thóc, gạo cũng như quy định về địa điểm đặt kho, máy xay xát và việc phải duy trì dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 10% số lượng gạo mà thương nhân đã xuất khẩu trong 6 tháng trước đó.
VEPR kiến nghị bãi bỏ các quy định về vùng nguyên liệu của doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Thay vào đó là tập trung quản lý chất lượng gạo đầu ra, theo đó gạo sản xuất ra an toàn đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật về hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh… VEPR cũng đưa ra phương án thứ 2 là việc quản lý chất lượng gạo đầu ra, cần cơ chế khuyến khích đối với các doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu.
VEPR cũng đề xuất bãi bỏ giá sàn xuất khẩu, hoặc giá sàn chỉ có tính chất trao đổi nội bộ trong hiệp hội; bãi bỏ việc xuất khẩu gạo tại thị trường tập trung; bãi bỏ các điều kiện giao hàng xuất khẩu.

Về điều kiện để trở thành thương nhân đầu mối giao dịch hợp đồng tập trung, VEPR đề nghị không chỉ định đầu mối và ấn định tỷ lệ do thương nhân trực tiếp và ủy thác xuất khẩu. Bộ Công thương xây dựng bộ tiêu chí rõ ràng để trở thành đầu mối giao dịch tập trung; đấu thầu quyền đàm phán và điều phối các giao dịch hợp đồng G2G khi có nhiều doanh nghiệp đạt tiêu chí đặt ra.

Nguồn: Nguyễn Hiền/baohaiquan.vn