Sự kiện nhằm giúp DN Việt Nam hiểu kỹ hơn về nội dung cũng như phương thức để tận dụng tốt nhất lợi ích từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Theo ông Tạ Hoàng Linh - Phó Cục trưởng Cục XTTM, trong 15 năm qua, quan hệ thương mại Việt Nam - EU tăng hơn 10 lần, 6 tháng năm 2016 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam vào EU đạt 21,2 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, xuất khẩu (XK) đạt hơn 16 tỷ USD, nhập khẩu (NK) đạt gần 5 tỷ USD. EVFTA sẽ giúp tăng cường hơn nữa hợp tác thương mại giữa hai nước. Trong thời gian tới, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh hoạt động XTTM với các thị trường trong khối này.

Trao đổi tại hội nghị, không ít DN bày tỏ lo lắng bởi thị trường EU đòi hỏi chất lượng hàng hóa rất cao, trong khi năng lực đáp ứng của DN Việt Nam còn nhiều hạn chế. Nói về trường hợp cụ thể của Trung tâm liên kết và phát triển thủ công mỹ nghệ (Craft Link) bà Trần Thị Tuyết Lan - Giám đốc Craft Link cho hay: DN chủ yếu tiêu thụ sản phẩm thủ công truyền thống của một số nhóm dân tộc thiểu số như Mông, Dao… EU đòi hỏi giấy chứng nhận xuất xứ với nguyên liệu sản xuất ra sản phẩm. Đây là điều rất khó, buộc phải nhờ đến UBND cấp huyện, xã chứng minh cho sản phẩm, nguyên liệu đó được trồng, chế biến và sản xuất tại địa phương. “Chúng tôi đã mất 5-10 năm chỉ để hướng dẫn cho bà con làm thế nào sử dụng nguyên liệu an toàn, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng từ EU”, bà Lan chia sẻ.

Trước những lo lắng của DN, ông Trần Ngọc Quân - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu, Bộ Công Thương - cho rằng: Thách thức từ EVFTA chủ yếu đến từ năng lực cạnh tranh của DN. Với những DN nhỏ và vừa không đủ sức cạnh tranh hoặc sản xuất đơn hàng lớn có thể làm thầu phụ, gia công cho DN lớn. Cơ hội dành cho tất cả, vấn đề là DN có cải tạo sản xuất, nâng cao năng lực, đáp ứng được tiêu chuẩn của nhà NK hay không?.

EVFTA chỉ tạo ra và thống nhất được khung pháp lý chung giúp DN có đầu mối tiếp cận thông tin về EU, cũng như giúp DN giảm thuế xuất nhập khẩu còn tiêu chuẩn kỹ thuật thì không bởi tiêu chuẩn này do các nhà NK đưa ra và nhà sản xuất có nghĩa vụ đáp ứng và không thể can thiệp. “Nâng cao tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm là để bảo vệ người tiêu dùng. Tôi nghĩ rằng đây là việc cần thiết không chỉ cho hàng hóa XK mà còn rất cần cho hàng hóa tiêu thụ nội địa”, ông Quân bày tỏ.

Để giúp DN, Việt Nam và EU đã có nhiều chương trình hợp tác nâng cao năng lực cạnh tranh, một số dự án do Dự án hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của EU cũng đã được triển khai.

Nguồn: Báo công thương

 

Nguồn: Báo Công thương điện tử