Hội thảo được kết nối trực tuyến từ 2 điểm cầu Việt Nam (Hà Nội) và điểm cầu UAE (Dubai). Phía Việt Nam có sự tham dự trực tiếp tại Hà Nội của hơn 120 doanh nghiệp và đại diện một số cơ quan, tổ chức, hiệp hội cùng với hơn 50 doanh nghiệp khác tại các tỉnh phía Nam và miền Trung - Tây Nguyên tham dự Hội thảo qua hình thức trực tuyến. Phía UAE có sự tham gia của đại diện một số cơ quan, tổ chức và hơn 150 doanh nghiệp bao gồm đại diện các Tập đoàn, công ty lớn có quan hệ hợp tác và quan tâm tới thị trường Việt Nam.
Tại Phiên toàn thể của Hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Đại sứ Việt Nam tại UAE; ông Nguyễn Toàn Thắng, Đại sứ Việt Nam tại Cô-oét; ông Nguyễn Phúc Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công Thương; và bà Lê Thị Hải Vân, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham gia tọa đàm trực tuyến cùng với ông Majid Al Ghurair, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Dubai; ông Omar Khan, Giám đốc Văn phòng Quốc tế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Dubai; và ông Lê Phương, Bí thư thứ nhất, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại UAE để trao đổi thông tin về chính sách phát triển kinh tế, môi trường đầu tư kinh doanh, tiềm năng và cơ hội thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư giữa hai bên.
Hội thảo đã được hãng tin Euronews NBC tại đầu cầu Dubai đưa tin. Phóng viên đài NBC điều phối phần thảo luận panellist giữa các diễn giả hai nước.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Dubai, ông Majid Al Ghurair nhấn mạnh đây là lần đầu tiên UAE tổ chức Hội thảo dưới hình thức kết nối trực tuyến với một đối tác nước ngoài và Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên UAE lựa chọn trong việc tổ chức chuỗi các chương trình kết nối đối tác toàn cầu (Global Partnership Series). Ông Majid Al Ghurair cho biết việc lựa chọn Việt Nam là điểm kết nối đầu tiên của UAE được dựa trên nhiều yếu tố như: UAE hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Đông – Bắc Phi (MENA), đồng thời, Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất của UAE tại khu vực Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, UAE đánh giá rất cao vai trò của Việt Nam đang nổi lên như là trung tâm sản xuất của khu vực, đặc biệt sau khi Việt Nam vừa hoàn tất đàm phán Hiệp định FTA quan trọng và có quy mô EVFTA; đồng thời thể hiện rõ tiềm lực, sức mạnh kinh tế khi kinh tế vẫn tăng trưởng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều quốc gia trên thế giới. Ông Majid Al Ghurair cho biết thêm, theo khảo sát, 46% doanh nghiệp UAE quan tâm đến hợp tác nông sản, thủy sản với Việt Nam và khoảng 27% doanh nghiệp UAE quan tâm đến hợp tác trong lĩnh vực chế tạo (điện tử, dệt may, giày dép..) với Việt Nam. Vì vậy, có thể nói, cơ hội và tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và UAE sẽ rất rộng mở trong tương lai.
Tại Phiên kết nối doanh nghiệp B2B, các doanh nghiệp được kết nối giao thương, trao đổi trực tiếp theo sự điều phối của Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Dubai và Thương vụ Việt Nam tại UAE. Các doanh nghiệp Việt Nam đã tích cực kết nối với đối tác UAE, đồng thời tham gia hỏi đáp trực tiếp với Thương vụ Việt Nam tại UAE.
Trong suốt thời gian trao đổi trực tuyến B2B, các doanh nghiệp Việt Nam đã đưa ra nhiều câu hỏi và thể hiện sự quan tâm đến những vấn đề rất thực chất trong việc đẩy mạnh xuất khẩu và tạo chỗ đứng cho thương hiệu Việt tại thị trường UAE như: cách thức thành lập doanh nghiệp/đại lý tại UAE? Biện pháp tiếp cận thị trường UAE một cách hiệu quả và nhanh chóng nhất? Chi phí thuê kho bãi lưu trữ hàng hóa tại các khu kinh tế tự do (free zone) và trong nội địa (mainland) khác nhau như thế nào? Các kênh thương mại điện tử B2B phổ biến và hiệu quả để kết nối với các nhà nhập khẩu UAE? v.v. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng trao đổi với các đối tác UAE về nhu cầu thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng mới và nhiều tiềm năng khác ngoài các nhóm hàng truyền thống như: sản phẩm mây tre đan; sản phẩm lụa dệt thủ công; các sản phẩm phục vụ trong dịch vụ khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp tại Dubai; các sản phẩm làm đẹp sử dụng trong các thẩm mỹ viện, spa; sản phẩm xe đạp khung tre (hiện đã thâm nhập thành công vào thị trường Mỹ và Indonesia), v.v. Thương vụ Việt Nam tại UAE đã giải đáp các vấn đề doanh nghiệp quan tâm, cung cấp nhiều thông tin hữu ích về các cơ hội, quy định của thị trường UAE.
Doanh nghiệp tích cực tham gia trao đổi với các diễn giả và kết nối B2B với đối tác Dubai
Có thể nói, Phiên thảo luận kết nối B2B đã cho thấy sự tích cực và quan tâm rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp hai nước với nhau, là tiền đề cho sự kết nối sâu rộng và hiệu quả hơn nữa trong tương lai.
Hướng tới ổn định và phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Covid 19, Hội thảo được tổ chức nhằm khai thác, tận dụng tốt các cơ hội từ các thị trường xuất khẩu tiềm năng, góp phần vào việc ứng phó hiệu quả với những thách thức và biến động của thị trường thế giới. Hội thảo đóng vai trò là nền tảng giúp các cơ quan hữu quan hai nước trao đổi thông tin một cách toàn diện, đa chiều; giúp doanh nghiệp hai bên có cơ hội hiểu rõ hơn về thông tin thị trường, cơ chế chính sách thương mại và đầu tư, các quy định xuất nhập khẩu, cách tiếp cận thị trường và kết nối giao thương, thúc đẩy đầu tư hiệu quả trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu.
Trên cương vị là Đại sứ Việt Nam tại UAE, ông Nguyễn Mạnh Tuấn nhấn mạnh sẽ cùng với Đại sứ quán Việt Nam, Thương vụ Việt Nam tại UAE làm cầu nối tích cực, sẵn sàng ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hoạt động kết nối giữa các doanh nghiệp hai bên.
UAE là một trong những nền kinh tế phát triển nhất tại khu vực Tây Á, đứng thứ 17 trong 61 nền kinh tế có tính cạnh tranh cao trến thế giới. Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và UAE phát triển nhanh chóng. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều liên tục tăng trong những năm trở lại đây (năm 2010 chỉ đạt 729,8 triệu USD nhưng đến năm 2019 đạt 5,17 tỷ USD), chiếm 36,11% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước khu vực Tây Á, trong đó Việt Nam luôn là nước xuất siêu sang UAE. Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu sang UAE các mặt hàng: nông sản, thủy sản, hoa quả tươi, thực phẩm chế biến giá trị cao, vật liệu xây dựng, điện thoại di động, máy móc thiết bị phụ tùng, điện tử gia dụng, dệt may, giày dép, sản phẩm gỗ… UAE hiện là một trong những quốc gia đi đầu trong phát triển ngành năng lượng, năng lượng tái tạo, dầu khí và logistics - là những lĩnh vực mà Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm và mở rộng hợp tác với UAE hơn nữa trong tương lai.
Vụ Thị trường châu Á - châu Phi

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương