Việc ký kết và thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) không chỉ mang đến cơ hội về tăng trưởng xuất khẩu mà còn giúp cho ngành nông nghiệp đẩy mạnh tái cơ cấu, góp phần đưa hàng hóa nông, lâm, thủy sản của Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo Bộ Công Thương, nhập khẩu các mặt hàng nông nghiệp chiếm khoảng 8,4% trong tổng nhập khẩu của EU. Trong đó, các sản phẩm có trị giá nhập khẩu lớn nhất là: cà phê (mã HS 0901), khô dầu đậu tương (HS 2304), đậu tương (HS 1201), dầu cọ (HS 1511) và hạt ca cao (HS 1801).
Hiệp định EVFTA có mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong số các FTA đã được ký kết (99% dòng thuế nhập khẩu giữa hai bên được xóa bỏ trong vòng 7 - 10 năm).
Việt Nam có xuất khẩu cà phê, ca cao và dầu cọ, đặc biệt là cà phê với mức thuế suất hiện nay trong khoảng 7,5-11,5% tùy từng dòng hàng sẽ được giảm về 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực.
Bộ Công Thương đánh giá, việc ký kết và thực thi EVFTA không chỉ mang đến cơ hội về tăng trưởng xuất khẩu mà còn giúp cho ngành nông nghiệp đẩy mạnh tái cơ cấu hướng sâu vào vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, quy cách đóng gói..., góp phần đưa hàng hóa nông, lâm, thủy sản của Việt Nam tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Điều này càng có ý nghĩa hơn khi EU và Việt Nam là hai thị trường bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau. Trong đó, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu hàng hóa mà EU không có thế mạnh hoặc không sản xuất được như thủy sản, cà phê, điều, trái cây nhiệt đới...
Khi yếu tố thuế quan không còn là vấn đề thì chất lượng sản phẩm và nội lực cạnh tranh của doanh nghiệp lại là yếu tố tiên quyết trong việc phát triển xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU, đặc biệt đối với các sản phẩm nông, thủy sản.
Để tận dụng hiệu quả các lợi ích từ Hiệp định EVFTA, Bộ Công Thương chỉ rõ trước tiên cần phải tạo nguồn hàng có chất lượng cho xuất khẩu, đáp ứng tiêu chí xuất xứ, thu hút đầu tư mở rộng sản xuất các mặt hàng mà Việt Nam có khả năng cạnh tranh nhưng thị phần ở thị trường đối tác EVFTA còn nhỏ.
Đặc biệt, việc tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tăng cường kiểm soát nguồn cung và định hướng sản xuất gắn với tín hiệu thị trường cần phải được quan tâm, chú trọng hơn nữa; đẩy mạnh công tác đàm phán kỹ thuật, công tác tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn nông dân, doanh nghiệp không chỉ về tiêu chuẩn của EU mà còn về phương thức sản xuất, nuôi trồng phù hợp để đáp ứng các tiêu chuẩn đó.
Bên cạnh đó, Chính phủ và các bộ, ngành sẽ tiếp tục thúc đẩy hơn nữa việc phát triển lĩnh vực dịch vụ logistics phục vụ cho xuất khẩu, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, triển khai đồng bộ hoạt động xúc tiến thương mại cho nhóm hàng nông, lâm, thủy sản ở tất cả các cấp độ...
Ở góc độ doanh nghiệp, trong vòng 7 năm đầu tiên, hàng hóa Việt Nam khi xuất khẩu sang EU sẽ được lựa chọn thuế suất ưu đãi nhất trong số các cơ chế ưu đãi thuế quan mà EU dành cho Việt Nam (EVFTA, GSP, WTO). Tuy nhiên, doanh nghiệp cần lưu ý đến việc đáp ứng các quy định về quy tắc xuất xứ theo từng cơ chế.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải chủ động hợp tác, liên kết để nâng cao sức mạnh, tạo chuỗi cung ứng thông qua thúc đẩy liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân, hộ sản xuất, hoàn thiện chuỗi giá trị từ sản xuất, canh tác, chế biến và phân phối tới người tiêu dùng, từ đó đảm bảo chất lượng sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu chặt chẽ của Hiệp định và tiêu chuẩn cao của EU đối với các mặt hàng nông nghiệp.
Đại diện Bộ Công Thương lưu ý thêm, với EVFTA, doanh nghiệp cũng cần chủ động và chuẩn bị các biện pháp đối phó với các vụ kiện về phòng vệ thương mại thông qua việc theo dõi tình hình thị trường, giá cả, các điều kiện trong giao thương, nâng cao năng lực...
 

Nguồn: haiquanonline.com.vn