5 nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phát triển thị trường ngoài nước của các Tham tán Công sứ, Tham tán Thương mại Việt Nam ở nước ngoài đã được Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh tại buổi gặp gỡ các Tham tán thương mại do Bộ Công Thương tổ chức sáng 16/12, tại Hà Nội.

Các nhiệm vụ trọng tâm gồm tăng cường xúc tiến thương mại; tham gia các chương trình xúc tiến thương mại tại thị trường nước sở tại; tăng cường xúc tiến công nghiệp cho Việt Nam để thu hút vốn đầu tư vào các dự án công nghiệp đang và sắp có kế hoạch triển khai; chủ động tái cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu; tìm hiểu mô hình của nhà nhập khẩu ở nước sở tại, giới thiệu về các doanh nghiệp trong nước để thay đổi hàng hóa cho phù hợp với thị trường.

Ngoài ra, các tham tán còn thực hiện tốt nhiệm vụ của cơ quan đại diện thương mại Việt Nam ở nước ngoài, thực hiện nghiêm túc những quy định báo cáo về Bộ Công Thương.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, năm 2013, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt khoảng 132 tỷ USD, tăng 15,3% so với năm 2012, vượt chỉ tiêu so với kế hoạch của Quốc hội đề ra (là 126,1 tỷ USD, tăng 10%).

Mặc dù trong năm 2013, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn như giá xuất khẩu một số mặt hàng giảm, thị trường xuất khẩu tại một số địa bàn bị thu hẹp, song nhờ thích ứng tốt, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực đã đạt kim ngạch xuất khẩu cao, vượt mục tiêu đề ra như dệt may, da giày, gỗ và sản phẩm gỗ, máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện...

Điều này đã phản ánh năng lực sản xuất hàng xuất khẩu của nền kinh tế ngày càng được mở rộng, cơ cấu hàng xuất khẩu từng bước đã có sự chuyển dịch theo hướng tăng các sản phẩm qua chế biến.

Trao đổi với các Tham tán, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nêu rõ những nhiệm vụ trọng tâm của ngành năm 2014 trong bối cảnh tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Theo đó, phát triển công nghiệp đảm bảo tính bền vững, hiệu quả với giá trị gia tăng công nghiệp-xây dựng tăng khoảng 6,4-6,6%, đảm bảo sự gắn kết một cách thực sự giữa công tác quy hoạch sản xuất trong nước với công tác thị trường ngoài nước.

Bên cạnh đó, phát triển thương mại gắn với tính bền vững và góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, tiếp tục chuyển dịch và tái cơ cấu gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh xuất nhập khẩu.

Trong đó, ngành công thương đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu trên 10%. Nhập siêu được duy trì ở mức 6% so với tổng kim ngạch xuất khẩu, khuyến khích nhập khẩu công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ nguồn, hạn chế nhập khẩu các loại hàng hóa mà trong nước đã sản xuất được, đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và các ngành công nghiệp thay thế nhập khẩu.

Bộ Công Thương định hướng sẽ đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu sản phẩm công nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, đảm bảo hiệu quả, đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, an toàn trong sử dụng trên thị trường trong nước và xuất khẩu.

Cùng đó, khai thác mọi nguồn lực để đầu tư các dự án sản xuất hàng xuất khẩu và phát triển sản xuất sản phẩm xuất khẩu để tăng năng lực sản xuất và chủ động nguồn hàng.

Mặt khác, hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng tốt hơn các lợi ích đem lại từ các hiệp định, thỏa thuận kinh tế song phương và Hiệp định khu vực mậu dịch tự do giữa ASEAN với các nước để đẩy mạnh xuất khẩu./.
(Theo VietnamPlus)